Đà Nẵng cuối tuần
Quanh miếng thịt chó
Những tên trộm chó bị tóm được thể nào cũng tơi bời vì đòn roi trả thù. Có khi chó chưa chết nhưng người trộm nó chết trước. Kiếm được miếng ăn đổ mồ hôi, sôi nước mắt, kiếm được miếng thịt chó còn đổ cả máu và tang thương. “Trộm chó bị đánh chết”, chuyện này không ở một vài nơi mà xảy ra quá nhiều nơi. Vài ba bữa lại nghe đâu đó có tên trộm chó bị đánh vật vã, có người đau đớn tột cùng vì mất chó, có kẻ trộm chó chưa đủ còn “hành xử” luôn chủ nhân của chú chó đó, có người mất mạng sau khi đi tìm chó cưng... Ngồi chỗ nào cũng nghe mọi người kể về cuộc sống ê hề đồ ăn thức uống đến mức chẳng thèm cái gì cho thiệt đã như ngày xưa, vậy mà sao quanh miếng thịt chó lại cứ tàn khốc như vậy?
Nghe đâu đó có vụ mất chó, thấy đâu đó chuyện bi thương vì chó chỉ là vài điều ít ỏi biết được, nếu soi vào con số thống kê của Liên minh Bảo vệ chó châu Á (ACPA), mới công bố rằng mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 5 triệu con chó! 5 triệu con/năm lên bàn ăn, không biết trung bình mỗi ngày trôi qua, có bao nhiêu con chó bị đánh bả, câu trộm? Chưa biết độ sai số thực tế thế nào, bởi dẫu sao đó cũng chỉ là số liệu thống kê của một tổ chức riêng lẻ, nhưng nhìn những quán thịt chó nhan nhản, những bữa tiệc chó nhan nhản, đủ hiểu vài ba con mất trộm nghe được chẳng thấm vào đâu. Người không thương, không ghét chó ăn thịt chó, người nuôi chó, cưng nựng chó cũng xơi tái “cầy tơ”, miễn đó không phải là con chó của mình.
Thích hay không thích ăn thịt chó là chuyện cá nhân. Không thể và cũng không cần đi tìm câu trả lời vì sao người này, người kia thích thịt chó. Điều đó chẳng khác nào cố tìm lời giải vì sao người có nhu cầu ăn chay lại không chịu được mùi tanh. Một người Úc từng hỏi thẳng tôi rằng: Vì sao người Việt ăn thịt chó? Câu trả lời của tôi là: Bình thường thôi! Cũng như một số nơi ở Ấn Độ xem bò là “thần”, nên ăn thịt bò là điều cấm kỵ. Ngược lại, người Úc xem thịt bò là món khoái khẩu, chẳng phải “thịt bò Úc” nổi tiếng lắm sao?...
Tôi vừa góp một chữ ký vào chiến dịch vận động 1 triệu chữ ký của ACPA để tổ chức này trình lên Quốc hội, kêu gọi Chính phủ Việt Nam ban hành quy định về phúc lợi động vật, trong đó chủ yếu liên quan đến loài chó. Mục đích tôi ký tên cũng như những người khác đã tham gia ký tên, rằng mong muốn nạn trộm chó, đối xử tàn nhẫn và giết mổ chó dã man sẽ giảm bớt phần nào. Tuy vậy, nếu bây giờ ai đó hỏi: “Vì sao nhiều người ăn thịt chó?”, tôi vẫn sẽ cho rằng đó là… bình thường!
Ăn thịt chó, thịt heo, thịt bò hay ăn thịt con vật nào khác là chuyện bình thường, miễn sao không vi phạm pháp luật, không ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội, không “đầu độc” cho bản thân mình. Một người ăn thịt gà vểnh mặt lên “chửi đổng” người ăn thịt chó “vô nhân đạo” thì chẳng biết người chửi lấy những cơ sở nào để tự thấy mình “nhân đạo” hơn. Có điều, muốn ăn gì thì ăn, nhưng để có miếng ăn mà cái gì tàn bạo nhất, man rợ nhất cũng bất chấp thì thật đáng ghê sợ.
Cướp chó là cướp yêu thương của người khác. Nhiều người thương chó như thương bản thân mình, mất chó họ đau đớn như mất người thương yêu nhất. Cướp chó rồi tha “chiến lợi phẩm” về hành tội bằng những cách man rợ nhất để tăng trọng, để có thịt… Hình như cái gì con người ta cũng có thể làm để có miếng thịt chó?!
Nếu cần thịt chó đến vậy, sao không chuyển sang nghề nuôi chó công nghiệp mà phải đi trộm cướp cực dữ vậy? Tôi hay so sánh mức độ nguy hiểm trong “công việc” của một kẻ trộm chó với một người nuôi chó lấy thịt bán, nghĩ kiểu gì vẫn thấy nuôi chó “nhàn” hơn. Chỉ cần tới bữa cho ăn, coi ngó sức khỏe của đàn chó dẫu sao cũng không khó khăn bằng lên kế hoạch theo dõi, đi rình mò, lén lút lúc đêm hôm, dụ chó, nhiều khi chưa dụ được chó đã bị bắt, bị chủ nhà và dân làng đánh đập, hành xác. Hỏi một người nuôi heo rằng, nuôi heo và trộm heo cái nào cực hơn, chắc họ cũng trả lời nuôi sướng hơn. Đợi vài tháng xuất chuồng hơi lâu so với “đi một vòng” kiếm được con heo không cần bỏ công chăm sóc, nhưng thử đi một vòng thì biết... Sao những thanh niên sức dài vai rộng hằng ngày coi trộm chó là cách kiếm thịt, kiếm cơm, lại không chuyển sang nghề nuôi chó thương phẩm, khi thị trường trong nước có sức tiêu thụ 5 triệu con/năm, là nước nhập khẩu chó với hàng trăm ngàn con mỗi năm, là quốc gia được cho đứng tốp đầu thế giới về sức tiêu thụ thịt chó? Nghĩ hoài mà chẳng ra…
CHÍCH BÔNG