Đà Nẵng cuối tuần

Thầy giáo tôi

19:40, 19/11/2016 (GMT+7)

Ở tuổi chín mươi, lưng còng, tóc bạc, bước đi chậm chạp, nhưng hằng năm, đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tôi lại nhớ về trường xưa, lớp cũ, nhớ các thầy đã dạy tôi, nhớ các bạn bè thời niên thiếu.

Một hình ảnh mà đã hơn bảy mươi năm qua chưa phai mờ trong trí nhớ tôi. Đó là thầy giáo Lê Trí Viễn dạy tôi năm lớp nhất, lớp cuối cấp của bậc tiểu học niên khóa 1939-1940, tại Trường tiểu học Pháp Việt, Bảo An, Gò Nổi (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

GS-NGND, nhà văn Lê Trí Viễn (giữa), PGS Trần Hữu Tá (bìa phải) cùng nhà văn - nhà báo Vu Gia, Xuân Nhâm Thìn 2012. (Ảnh: nld.com.vn)
GS-NGND, nhà văn Lê Trí Viễn (giữa), PGS Trần Hữu Tá (bìa phải) cùng nhà văn - nhà báo Vu Gia, Xuân Nhâm Thìn 2012. (Ảnh: nld.com.vn)

Ngày ấy, thầy còn rất trẻ, khoảng chừng hăm hai, hăm ba tuổi, mới ra trường Sư phạm được vài năm. Người thầy hơi thấp, vóc dáng thanh mảnh nhưng rất nhanh nhẹn. Nét mặt thầy trông hiền lành, nhưng vào lớp, thầy rất nghiêm nghị, hay dò bài. Lớp học lúc nào cũng im phăng phắc.

Học trò lớp này phần đông ở tuổi 13, 14. Nhưng ở dãy bàn cuối lớp, vài ba anh còn có vẻ cao hơn thầy giáo, hằng ngày đến lớp với chiếc áo dài trắng hoặc đen, nhưng học hành nghiêm túc.

Thầy giáo tôi lên lớp đúng giờ, giảng bài kỹ lưỡng và theo dõi việc học hành của học trò - nhất là các bạn học kém hoặc không chăm chỉ. Lớp Nhất là lớp cuối cấp, học trò phải học nhiều môn như Toán, Văn, Sử, Địa và các môn khoa học để chuẩn bị cho kỳ thi Tiểu học vào khoảng tháng 5 năm 1940. Bên cạnh môn Toán, thầy quan tâm nhiều đến môn Văn, từ cách đọc cho đến cách viết. Thầy thường bảo chúng tôi: “Đọc một bài văn, phải chú ý mấy điểm: đọc rõ ràng, gãy gọn mà diễn tả được nội dung”. Ở tiết học thuộc lòng, thầy thường cho chúng tôi học mấy bài thơ như Tựu trường của Huy Cận; Nhớ rừng, Tiếng sáo Thiên Thai của Thế Lữ. Hôm trả bài, thầy gọi các bạn lên, bắt đọc thật diễn cảm.
Dạy môn Tập làm văn, thầy tập cho học trò quan sát, ghi chép kỹ lưỡng rồi mới viết, nhất là đối với văn tả cảnh.

Tôi còn nhớ một buổi sớm mai, khi khoai lúa còn ướt đẫm sương đêm, thầy đưa chúng tôi ra cánh đồng làng Bến Đền gần trường để về làm bài văn “Tả cánh đồng lúa ban mai”, hoặc ra lò rèn ông Kiểm Bảy xem ông rèn dao rựa để về làm bài văn “Tả người thợ rèn” bằng tiếng Pháp. Một lần khác, thầy cho chúng tôi đến xem vườn kiểng ông Hương Nghệ, một ông cụ trong làng thích chơi cây cảnh để làm bài văn “Tả vườn kiểng ông Hương Nghệ”. Nhờ có buổi thăm vườn kiểng mà tôi biết thêm được một số loại cây, loại hoa mà hồi đó ở nông thôn, không mấy ai trồng như cây quỳnh, cây giao, cây trắc bá diệp, hoa ngọc lan, hoa hướng dương.

Để học trò mở rộng kiến thức về văn học tiếng Việt, thầy mang đến lớp rất nhiều báo Ngày Nay, phát cho mỗi bạn hai tờ, dặn về xem kỹ các bài, nếu có gì không hiểu, ghi sổ tay đem đến thầy giải thích cho. Một tuần sau, học trò trả báo, chẳng có bạn nào nêu thắc mắc. Thầy bực tức, quát lên: “Chẳng thế trong lớp này, ai cũng giỏi cả phải không?”. Và da mặt thầy chuyển từ màu hồng sang đỏ ửng. Cả lớp im phăng phắc. Sau đó, thầy ngồi thừ ra, chẳng nói một lời. Thầy thất vọng cho chúng tôi, lòng nhiệt tình của thầy đối với học trò không được đáp ứng. Thầy muốn bổ sung cho chúng tôi những kiến thức ngoài sách giáo khoa, mà chúng tôi - những đứa trẻ 13, 14 tuổi, nào có hiểu gì. Thấy thầy giận, chỉ biết im lặng, chờ cho thầy nguôi ngoai. Sau này, chúng tôi hiểu ra, ân hận, thì không còn dịp nào để học thầy như thế nữa.

Chỉ được thầy dạy dỗ trong một năm lớp Nhất ấy mà mãi mãi tôi vẫn không quên những tiết giảng Truyện Kiều ngoại khóa. Thầy giảng rất kỹ, lối giảng hấp dẫn làm chúng tôi hôm nào cũng bị cuốn hút, quên cả giờ tan học.

Thầy chọn những đoạn hay, đặc sắc trong tác phẩm nổi tiếng ấy dạy chúng tôi, bắt chúng tôi học thuộc lòng để thầy dò, nên tuy thời gian học không nhiều, chúng tôi vẫn thuộc được mười mấy đoạn. Không biết các bạn tôi hồi đó, bây giờ còn nhớ không, chứ tôi thì vẫn còn thuộc bài học Kiều đầu tiên do thầy Viễn dạy: …Nhặt thưa gương dọi đầu cành/ Ngọn đèn trong suốt, trướng huỳnh hắt hiu/ Sinh vừa tựa án thiu thiu/ Nửa chiều như tỉnh nửa chiều như mê…

Thầy giáo tôi không những chỉ dạy học và tận tụy với nghề mà còn rất giỏi về tự học. Thầy nhờ tự học mà thành đạt, điều ấy bây giờ ai cũng biết và công nhận, nhất là bao nhiêu thế hệ học trò đã học thầy.
Thời kỳ thầy tự học bắt đầu từ những năm thầy mới về dạy ở trường làng Bảo An tôi.

Quê thầy ở xa nên thầy phải ở trọ trong một căn nhà ngói nhỏ, nguyên cũng của một thầy giáo người làng nhưng lại phải dạy học ở tận một tỉnh phía Nam, cho thầy mượn ở nên cảnh nhà rất thanh vắng, chỉ có thầy suốt ngày làm việc ở gian trên, còn cô thì lo nội trợ ở nhà dưới. Những buổi thứ năm, chủ nhật, đến nhà thầy nộp vở làm văn, lúc nào tôi cũng thấy thầy ngồi ở bàn, bên một chồng sách, cây bút trong tay, tra cứu ghi chép vào cuốn sổ nhỏ. Thấy học trò đến, thầy chỉ hơi ngước lên, nói: “Để đấy!”, rồi lại chăm chú nhìn vào trang sách, rất tiết kiệm thì giờ.

Có khi thầy cũng đi vắng, nhưng không phải đi chơi mà đến nhà ông mục sư làng bên để học tiếng Anh, hoặc đến nhà cụ Cử, cụ Tú nào đó để hỏi thêm chữ Hán. Thầy còn đặt mua sách Triết học tận Sài Gòn để nghiên cứu. Sự việc này, tôi rất nhớ vì một hôm, tôi và Cúc là bạn học đến nhà thầy để hỏi việc gì đó, thầy đi vắng, phải ngồi đợi. Chợt có thầy Trương Chi là Hiệu trưởng Trường tiểu học Bảo An đến chơi. Thầy Chi tức cảnh ngay bốn câu thơ, để trên bàn của thầy Viễn:

Anh Trợ (*) đi đâu chửa thấy về
Một mình chị Trợ ở phòng khuê
Cúc, Miều hai trẻ đang ngồi đợi
“Phi-lô” to tướng thấy mà ghê.

Trong lớp, giờ giảng bài hay kiểm tra bài cũ, thầy rất nghiêm nhưng đối với những học trò khá, giỏi, hạnh kiểm tốt, thầy cũng tỏ ra thân mật như người anh cả. Lớp tôi hồi ấy có các bạn Hồ Vân, Hoàng Tụy, Trần Công Lịch, Ngô Đình Kỳ, Bùi Giáng, Phan Đức Xuyên, Cù Đình Bá, Nguyễn Vĩnh Xương là những học trò vừa học giỏi vừa chăm chỉ, đứng đắn. Bùi Giáng học khá đều các môn, không nổi bật về Toán hay Văn nhưng tháng nào cũng có tên trên Bảng danh dự (Tableau d’Honeur). Trong lớp, Giáng ít nói, ít đùa nghịch nhưng thỉnh thoảng có biểu hiện “tâm thần” nhẹ như cười một mình. Có lần, đang giờ học, Giáng lấy giấy ra vẽ, vẽ cái gì chưa rõ, nhưng thầy Viễn đang giảng bài nhìn xuống, bắt gặp. Thầy đến bàn Giáng ngồi nhìn vào tờ giấy, Giáng vơ vội cất vào hộc bàn. Thầy hỏi: “Vẽ cái gì đó Giáng?” thì anh ấy vẫn cười, không trả lời thầy. Nếu là bạn khác thì có lẽ bị thầy phạt rồi, nhưng hình như thầy biết và thông cảm cho cái “bệnh” đặc biệt của học trò mình, nên thầy chỉ mỉm cười, trở lại bàn giảng bài tiếp.

Thầy đã có hơn bảy mươi năm trong nghề dạy học, vừa dạy vừa không ngừng học hỏi, cần mẫn như con ong đem mật ngọt cho đời. Hàng nghìn học trò đã học thầy, không ít người đã thành đạt, có học hàm học vị cao, đang giữ những trọng trách trong bộ máy Nhà nước. Một số là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu nổi tiếng.

Vì tuổi cao, sức yếu, thầy đã ra đi vào tháng 2 năm 2012, để lại một khối đồ sộ tác phẩm về giảng dạy văn học và bao nhiêu đầu sách nghiên cứu có giá trị viết chung với các tác giả khác.

Tôi cũng là học trò của thầy, học trò thời tiểu học. Tôi không phải là người thành đạt trong xã hội, nhưng luôn luôn tự hào rằng tôi có diễm phúc được học với thầy, được chứng kiến sự cần mẫn học hỏi của thầy, vui mừng thấy sự thăng tiến của thầy, từ một giáo viên tiểu học trở thành vị giáo sư đại học từ Nam chí Bắc, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và phong hàm Giáo sư.

Hôm nay, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2016, xin ôn lại một số kỷ niệm về thầy, như một nén tâm nhang của người học trò bé nhỏ năm xưa dâng lên vong linh thầy với tất cả lòng thành kính và biết ơn sâu sắc.

PHAN THỊ MỸ KHANH


(*) Anh Trợ: Hồi ấy, các giáo viên có bằng Sư phạm thường được gọi là trợ giáo. Ở quê tôi lúc ấy, bà con gọi các thầy là Trợ Vinh, Trợ Cường, Trợ Viễn...

(*) Phi-lô: phiên âm tắt tiếng Pháp của từ Triết học.

.