Chuyện xưa xứ Quảng

Hai tấm bia gỗ ở Phú Ninh

09:15, 19/11/2016 (GMT+7)

Văn khắc trên gỗ cây thị là một hình thức văn bia độc đáo từng có ở vùng nam Quảng Nam. Ở huyện Phú Ninh hiện còn hai tấm bia gỗ đặt trong hai ngôi miếu cổ mà nội dung thể hiện được nhiều điều.

Miếu Trắng ở Chiên Đàn, huyện Phú Ninh, năm 2011 lúc chưa trùng tu.
Miếu Trắng ở Chiên Đàn, huyện Phú Ninh, năm 2011 lúc chưa trùng tu.

Tấm thứ nhất đặt ở ngôi “Miếu Trắng”. Chưa rõ xuất xứ của tên gọi này. Miếu nằm sát ven đường nối từ ngã ba Kỳ Lý chạy lên vùng Sơn Cẩm Hà, huyện Tiên Phước. Vị trí được ghi trên bia là “Hà Đông huyện, Chiên Đàn trung tổng, Chiên Đàn xã” (nay thuộc phạm vi hai xã Tam Đàn và Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam).

Thời điểm khắc tấm bia được ghi là “Tự Đức thất niên, nhuận thất nguyệt, sơ nhất nhật” (ngày mùng Một, tháng Bảy nhuận, năm Tự Đức thứ bảy – 1853). Thời gian xây dựng ngôi miếu được ghi là “dĩ lục nguyệt thập nhất nhật khởi công, lục nguyệt nhị thập ngũ nhật khai cơ, thất nguyệt nhị thập nhất nhật Vị (tức giờ Mùi – NV) khắc thượng lương, nhuận thất nguyệt sơ thất nhật công thuân, nghinh thần nhập ban” (khởi công vào 17 tháng 6; khai móng ngày 25 tháng 6; gác đòn đông vào giờ Mùi ngày 27 tháng 7; hoàn thành và cung nghinh  bài vị thờ tự thần miếu trở về chỗ cũ vào ngày mùng 7 tháng 7 nhuận cùng năm). Các thời điểm này cũng được tóm tắt trên câu đối ở trụ hiên “Nhâm Tý quảng khai sơn thủy tú/ Mạnh thu hiệp tạo đống lương tân” (Khai mở cảnh đẹp vào năm Nhâm Tý - 1852/ Cùng tạo dựng mới cơ sở thờ tự này trong tháng Bảy – mạnh thu của năm ấy).

Ngoài các chi tiết trên, tấm bia gỗ này ghi danh các người đứng ra huy động và chủ trì việc xây dựng gồm: tú tài Trương Công Nghị, viên tử Nguyễn Văn Trúc, các (nguyên) lý trưởng Ung Nho Lệ và Trương Công Trinh, ấp trưởng Trương Viết Cổ, hương mục Hoàng Đức Lộc, sĩ nhân Đống Công Lệ (?), ? biện Kiều Văn Tường. Họ đã hiệp cùng các gia cư trong ấp Chiên Đàn (thuộc xã Chiên Đàn) thực hiện việc “sùng tu” (chữ ghi trong bia) ngôi miếu này.

Miếu Tướng quân ở thôn Gia Thọ, xã Tam An, huyện Phú Ninh. Ảnh: P.B
Miếu Tướng quân ở thôn Gia Thọ, xã Tam An, huyện Phú Ninh. Ảnh: P.B

Qua nội dung ghi danh đóng góp trong bia có thể thấy vùng ấp Chiên Đàn vào giữa thế kỷ XIX là nơi định cư của nhiều họ tộc như Ung, Đống, Kiều, Trương, Bùi, Huỳnh, Lê, Trần, Phạm, Hồ… Đây là những họ tộc có nhiều người nổi tiếng ở vùng đất huyện Hà Đông xưa.

Tấm bia thứ hai đặt ở ngôi miếu cổ thuộc địa phận ấp Gia Thọ, làng Chiên Đàn, tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông xưa (nay là thôn An Thọ, xã Tam An, huyện Phú Ninh).

Miếu này có tên “Tướng quân từ” (miếu thờ Tướng quân). Không rõ tên gọi này có nguồn gốc từ đâu. Cũng không rõ miếu này thờ ai. Những câu đối còn lưu lại nơi bình phong, trên cột và bàn thờ đều không cho biết thêm được gì về sự tích của vị “Tướng quân” này. Chỉ có bài văn khắc trên tấm bia gỗ còn lưu trên bức tường phía hữu của miếu là chỉ dẫn được nhiều điều về sự thành lập ấp Gia Thọ cũng như xuất xứ của tên ấp. Bài văn này là căn cứ quan trọng để tìm hiểu về tình hình cư dân ở vùng đông và đông bắc của tổng Chiên Đàn xưa (nay là hai xã Tam An và Tam Đàn của huyện Phú Ninh).

Trước hết, nó cho biết tên cũ của địa phương Gia Thọ là ấp Cây Dừa và xác định vị trí địa lý của ấp; mà nay, qua một số dấu tích còn lại, một số vị cao niên ở địa phương có thể xác định một số địa danh như hồ Vuông (Phương hồ), rừng Đồng Tràm (Đồng Tràm lâm), tượng nghê đá và tháp Chàm Chiên Đàn (Thạch nghê – Cổ tháp), bến đò sát lũy tre (Mạnh tân), cầu Cánh Tiên (Độ Tiên kiều) và xa hơn là dãy núi Cà Tý (Cà Tý chư sơn)... đều là các nơi mà người dân Gia Thọ xưa tự hào là những thắng cảnh.

Tiếp đến, bài văn cho biết hai vị đầu tiên đến lập ấp là ông cụ họ Ung quê gốc ở làng Trung Đàn (huyện Hà Đông) và một vị họ Nguyễn quê gốc ở Quảng Trị. Về sau, một phụ nữ họ Ung được triều đình phong tước hiệu Nghi Nhân đã đến định cư ở ấp này. Đó là bà Ung Thị Lãng, thân mẫu của cụ phó bảng Nguyễn Dục (nhà sư phạm nổi tiếng ở kinh đô Huế, từng giữ chức Tế tửu Quốc tử giám). Bà Lãng cũng là bà nội ruột của tiến sĩ Nguyễn Thích và là bà nội vợ của tiến sĩ Trần Văn Dư, đều là những nhân vật nổi tiếng của vùng nam Quảng Nam xưa. Ông Trần Văn Dư là người lãnh đạo phong trào Nghĩa hội Quảng Nam vào năm 1885. Ông Nguyễn Thích, đỗ tiến sĩ năm 1884. Bài văn cũng nhắc đến tên tú tài Nguyễn Phan Vinh. Các vị nêu trên đều là những người dân ấp Gia Thọ đã làm nên sự nổi tiếng cho địa phương mình.

Bài văn còn cho biết ấp Gia Thọ xưa có nhiều người hưởng tuổi thọ cao. Cũng do có nhiều người trường thọ nên cư dân đã quyết định đổi tên cũ là Cây Dừa (âm Hán Việt là Da Thụ) sang âm Hán Việt có nét nghĩa mới là Gia Thọ (tăng tuổi thọ). Và cũng do có nhiều người học hành đỗ đạt nên chữ Gia (đồng âm với chữ Da – nghĩa là cây dừa) còn hàm ý chỉ nơi đây là vùng đất văn vật. Bài văn còn thể hiện niềm tự hào về phong tục, tập quán, đức hạnh... của dân trong ấp. Qua đó, giúp người đời sau hiểu được ý nghĩa văn hóa sâu sắc trong việc dựng ấp lập làng, đối nhân xử thế của người xưa.

Căn cứ vào nội dung một số câu văn trong bài cũng như niên hiệu ghi ở cuối bài “Tự Đức tam thập niên” (năm 1876) có thể biết bài văn này được viết và khắc lúc cụ Nguyễn Dục còn tại thế.

PHÚ BÌNH

.