Đà Nẵng cuối tuần
Chuyển nhà
Vào những buổi sáng cuối tuần, thể nào người hàng xóm mới của chúng tôi cũng thức dậy sớm hơn thường lệ, và mở nhạc với âm lượng khá to. Có lẽ may mắn cho hai thành viên lớn trong gia đình tôi đó lại là những bản nhạc cũ rất quen và hợp với sở thích của mình. Còn các bé con của tôi, những buổi ấy thường dậy muộn hơn một chút, và vui vẻ mở cửa để xem nhiều chú sẻ con không biết từ đâu tới đậu nhảy trên bờ tường rào.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Tất cả những điều đó đã an ủi vô ngần chúng tôi khi bắt đầu một nơi ở mới.
Ngôi nhà mà chúng tôi chuyển tới không xa nhà cũ là mấy, cùng nằm trong một thành phố nhưng dĩ nhiên vẫn chứa đựng phong vị của những sự xa lạ. Mặc dù trong suốt quá trình hoàn thiện căn nhà, chúng tôi vẫn thường xuyên đưa các con tới để làm quen với ngôi nhà mới nhưng khi chính thức dọn về, cả bốn thành viên trong gia đình vẫn không tránh khỏi tâm trạng bỡ ngỡ.
Tâm trạng ấy là lẽ thường của bất kỳ ai khi đã từng gắn bó với ngôi nhà của mình trong một thời gian đủ dài để lưu giữ thật nhiều kỷ niệm. Căn nhà cũ là nơi vợ chồng chúng tôi đã đặt những viên sỏi đầu tiên để tạo lập một gia đình. Và ở đó, các con tôi đã được chào đón đến với thế giới tươi đẹp này, ở đó là những năm tháng ấu nhi mà mỗi sự thay đổi của đứa con cũng làm trái tim người làm cha mẹ ngập tràn hạnh phúc.
Căn nhà nhỏ đã che chở nắng mưa cho gia đình chúng tôi với biết bao nhiêu kỷ niệm. Trước sân nhà, ngoài khoảng không gian của xi-măng tiện lợi còn có một vườn rau nhỏ canh tác theo mùa. Các con tôi nhờ thế ở nhà vẫn ăn được rau sạch, được vui niềm vui của những đóa hồng trong buổi sáng khai hoa, được biểu lộ lòng biết ơn mẹ với chùm hoa giấy hái ngay trước ngõ.
Nhà cũ nằm trong một xóm hiền nên lòng chúng tôi lúc đi đâu cũng bớt nỗi lo lỡ quên cửa đóng then cài. Thậm chí trời mưa không kịp về thì ắt người láng giềng tốt tính thể nào cũng sẽ chạy qua cất giùm dây phơi quần áo. Nhà cũ với cổng sài trước ngõ có cây bông giấy đến mùa trổ rực những hoa khiến gia chủ cũng cảm thấy “lòng vui như giấy mới”.
Và có lẽ không thế kể hết “nỗi niềm nhà cũ” khi mà cơ duyên cuộc đời khiến chúng tôi cuối cùng cũng phải rời xa. Ngày dọn đồ đạc chuyển nhà thật nhiều tâm trạng: vui vì nơi mới mà biết bao luyến lưu nơi sẽ rời xa. Quãng đường cũ-mới có thể ngắn nhưng tâm trạng lại dằng dặc nỗi yêu thương. Chúng tôi chỉ có thể chuyển nhà với những vật thể gọi tên, những đồ đạc quen dùng dẫu không “hợp tông” với nhà mới nhưng không nỡ để lại.
Còn vô vàn niềm yêu thương và gắn bó khác, cuối cùng, cũng chỉ có thể giữ lại trong tim. Các con tôi quá nhỏ nên sớm thích nghi với bầu không khí mới đầy ắp hân hoan, còn riêng tôi lòng vốn đa đoan nên thấy góc nhà này lại bồi hồi nhớ góc nhà kia, quét mảnh sân này lại thương sân nọ chắc bơ vơ trong lá đổ... Và cứ thế, hễ có thời gian rãnh rỗi là vội ghé về nhà, mở cánh cửa, dọn dẹp, ngó ngó rồi lại vội đi. Cứ vài buổi tối, thỉnh thoảng các bé con lại đòi “về nhà” khiến chúng tôi càng không nỡ chối từ nỗi nhớ mong ngây thơ của con trẻ.
Tôi vẫn biết rằng, cái thường hằng của đời sống không phải là cái bất biến nhưng trái tim vẫn cứ rưng rưng mỗi lúc nghĩ đến ngôi nhà. Với tôi, có lẽ ngoài sự gắn bó thân mật còn hàm chứa nỗi lòng biết ơn của người con đã cậy nhờ được bình yên trong những bức tường mà sỏi đá vôi vữa.., tưởng vô tri đã rộng lòng che chở.
Trong một ngày tháng gần, căn nhà với thênh thang kỷ niệm cùng chúng tôi sẽ được “sang tên đổi chủ” khi một cuộc mua bán tựu thành. Nhưng dù sự thay đổi về sau là bao nhiêu đi nữa thì hình ảnh căn nhà thân thương ấy vẫn sẽ là “căn nhà xưa” trong mỗi trái tim, mỗi nhắc nhớ với gia đình nhỏ của tôi. Tôi vẫn nghĩ rằng mình tự hiểu và chờ “lẽ thường” ấy mà sáng nay tim bỗng nhói nỗi bồi hồi khi từ nhà người giáo già chưa thân tình vang lên giọng hát Khánh Ly: Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải/ Nơi những sớm mai nằm nghe nắng giòn trên mái...
NGUYỄN THỊ THANH THẢO