Đà Nẵng cuối tuần
Kháng thuốc
Đi khám bệnh, tôi nghe các bác sĩ đùa rằng, đơn thuốc cho bệnh nhân trong thời gian tới có lẽ sẽ chuyển tất cả sang thực phẩm. Theo đó, thay vì uống thuốc, bệnh nhân sẽ ăn theo “đơn” như sau: sáng: 1 lạng thịt, trưa: 2 lạng tôm, tối: cá và 1 quả lê hoặc táo...
Điều này xuất phát từ thực tế trong khẩu phần ăn của gia súc, gia cầm, thủy sản đều được ướp kháng sinh mỗi ngày. Kháng sinh bảo đảm cho sự phát triển thuận lợi của động, thực vật và năng suất thu hoạch cho người nuôi trồng.
Đơn thuốc trên của các bác sĩ mới nghe tưởng chừng vô lý, hài hước. Tình trạng kháng kháng sinh dường như vẫn còn xa vời cho đến khi tôi đọc được thông tin mới đây, có một nữ bệnh nhân ở Hà Nội đã ra đi vĩnh viễn sau khi ho và sốt nhẹ chỉ vì không còn kháng sinh đủ mạnh để diệt trừ vi khuẩn cảm cúm đơn giản.
Việc bán kháng sinh tự do chính là nguyên nhân dẫn đến việc kháng kháng sinh ngày càng nhiều. Điều này khiến nhiều người chọn cách mua kháng sinh uống cho nhanh, cho tiện chứ không cần đến bác sĩ chuyên khoa và liệu trình chữa trị. Tuy nhiên, đây lại chỉ là nguyên nhân phụ dẫn đến thực trạng kháng kháng sinh như hiện nay.
Nguyên nhân chính nằm ở việc hầu hết người chăn nuôi đều trộn kháng sinh vào thức ăn của heo, bò, lợn, gà cho đến tôm, cá, cua, ghẹ nhằm phòng, trị bệnh, kích thích tăng trưởng. Đơn cử, theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2014 đến tháng 9-2015, đã có gần 32.000 tấn thủy sản Việt Nam xuất khẩu đi các nước bị trả về, vì sản phẩm có dư lượng chất kháng sinh vượt mức cho phép.
Lượng thuốc nhiều đến mức người tiêu dùng đều “uống” kháng sinh qua thực phẩm. Tồn dư kháng sinh đến từ bữa ăn mỗi ngày, tích tụ dần và đến khi chúng ta đau ốm thì cơ thể không còn khả năng đáp ứng với thuốc chữa, thậm chí kháng hoàn toàn, người bệnh phải kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị hay thậm chí trả giá bằng tính mạng.
Tháng 11-2016, nhân Tuần lễ nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc kháng sinh lần thứ hai tại Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra con số cảnh báo: Nếu việc mua và sử dụng kháng sinh vô tội vạ như hiện nay vẫn tiếp diễn thì trong tương lai gần, trên toàn cầu, cứ 3 giây sẽ có 1 người ra đi vĩnh viễn do tình trạng kháng thuốc. Nếu dự đoán trên trở thành sự thật, sẽ có hàng chục ngàn người tử vong mỗi ngày chỉ vì những căn bệnh đơn giản như ho, sổ mũi nhưng không còn kháng sinh đủ mạnh để chữa.
Trước thực trạng nhiều chủng vi khuẩn đã xuất hiện biến đổi gen và kháng với tất cả các loại kháng sinh, Bộ Y tế đã đưa ra khẩu hiệu “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”. Đó cũng là thông điệp mà WHO đã kêu gọi các nước cùng chung tay phòng chống kháng thuốc, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, khẩu hiệu trên được đưa ra và tuyên truyền cho đội ngũ y, bác sĩ hay thông qua một vài bài báo trên mạng.
Người bán vẫn tiếp tục bán, người mua vẫn cứ mua chứ không ai biết đến khẩu hiệu trên hay số người tử vong theo cảnh báo trên. Phần lớn người bán thuốc vẫn thừa nhận, đa phần kháng sinh ở tiệm mình là bán không cần đơn cho người chăn nuôi.
Và dẫu gia súc, gia cầm khỏe mạnh, người chăn nuôi vẫn trộn thuốc vào thức ăn cho chúng mỗi ngày để đảm bảo không có con nào chán ăn, ốm yếu chứ không đợi đến lúc vật nuôi đổ bệnh, dễ lây cho cả đàn. Họ sử dụng kháng sinh bằng kinh nghiệm của mình chứ chưa bao giờ được bác sĩ thú y hướng dẫn cách sử dụng sao cho hiệu quả và không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Con số người sẽ tử vong vì kháng thuốc đã được tính toán trước, khẩu hiệu cũng đã được đưa ra, nhiều hội thảo về tình trạng này đã được Bộ Y tế tổ chức trong tháng 12. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh tràn lan trong chăn nuôi, trồng trọt vẫn bị bỏ ngỏ.
NHẬT XUÂN