Đà Nẵng cuối tuần

Những sáng kiến hữu ích

08:46, 25/12/2016 (GMT+7)

Ở lứa tuổi học trò “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhưng hai học sinh Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu) đã đưa ra những sáng kiến thiết thực trong việc bảo vệ môi trường ở không gian học và chơi trong cuộc thi “Sáng kiến ứng dụng giải quyết các vấn đề về môi trường” do Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng tổ chức mới đây. Ý tưởng của các em lần lượt đoạt giải nhất và nhì của cuộc thi.

Đinh Thị Hương Giang (phải) và giáo viên hướng dẫn bên sáng kiến mô hình xe buýt học đường đoạt giải nhất.
Đinh Thị Hương Giang (phải) và giáo viên hướng dẫn bên sáng kiến mô hình xe buýt học đường đoạt giải nhất.

Từ xe buýt đưa đón học sinh

Năm nay, Đinh Thị Hương Giang học lớp 7, cũng đồng nghĩa với việc 7 năm từ tiểu học đến THCS, chưa kể những năm học mầm non, em đều phải nhờ đến sự đưa đón của mẹ. Không phải lúc nào mẹ cũng đến đúng giờ, nhiều hôm tan học sớm là em phải chờ.

Thêm vào đó, tới giờ tan trường, chứng kiến cảnh phụ huynh với đông đúc xe cộ không chỉ gây ùn tắc mà còn gây ô nhiễm môi trường, Giang nảy ra ý tưởng xây dựng mô hình xe buýt đưa đón học sinh trên địa bàn Đà Nẵng.

Sau hơn nửa năm kể từ ngày có ý tưởng cho đến khi hình thành đề tài, Giang phải nỗ lực rất nhiều để hoàn thành bản mô tả sáng kiến của mình. Tranh thủ ngày nghỉ, em và cô giáo hướng dẫn đề tài chở nhau đi khảo sát các tuyến đường, tính toán và vẽ quãng đường các tuyến. Mô hình ưu tiên khu vực hai quận Hải Châu và Thanh Khê.

Tuyến xe buýt dành riêng cho học sinh tại quận Hải Châu chia làm hai phần, phía bắc và phía nam với ranh giới là đường Nguyễn Văn Linh. Khảo sát các trục đường lớn và thiết kế một tuyến cố định cho mỗi phần. Tuyến bảo đảm đi qua hoặc gần các trường học trên địa bàn. Mỗi tuyến dài khoảng 10km, chạy với tốc độ 30 - 40km/h, thời gian chạy hết tuyến là 15-20 phút. Các chuyến xe cách nhau 10 phút, có 5 chuyến cho mỗi khung giờ cao điểm.

Với mô hình này, phụ huynh có con học tiểu học chỉ cần đưa con đến trạm xe buýt gần nhất, các bạn cấp lớn hơn có thể tự đi. Như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian cho phụ huynh, không bị trễ giờ làm vừa bảo vệ môi trường.

“Trong tương lai em rất muốn đề tài của em được hoàn thiện để xe buýt trở thành một trong những đặc điểm riêng biệt của Đà Nẵng, đặc biệt là xe buýt 2 tầng. Bên cạnh đó, tích hợp với mục tiêu “thành phố môi trường” bằng cách dùng xe chạy bằng nhiên liệu sinh học hay chạy bằng năng lượng mặt trời…”, Giang chia sẻ.

Đến thực vật xử lý hồ công viên

Cũng là học sinh của Trường THCS Tây Sơn, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh có ý tưởng sử dụng thực vật xử lý môi trường nước hồ Công viên 29-3 để đem đến môi trường trong lành cho người dân. Hạnh cho biết, nhiều đợt em thấy xác cá chết ở hồ nổi lên, bốc mùi nặng.

Hạnh đưa ra ý tưởng chọn ra các loài thực vật có khả năng chống chịu và xử lý ô nhiễm môi trường nước, phù hợp với khí hậu Đà Nẵng như cỏ vetiver, thủy trúc, chuối hoa, lục bình cùng một số thực vật tạo cảnh như Hướng dương, cây liễu.

Với các loại thực vật có khả năng xâm lấn như lục bình thì em nghĩ cần kết bè chúng để khống chế. “Tuy nhiên, để ý tưởng thành hiện thực, cần có nhiều sự hỗ trợ, đầu tư từ khâu phân tích chất lượng môi trường nước, xem xét đầu tư thêm các công trình phụ trợ; bên cạnh đó cần có công ty chăm sóc, cung cấp các loại cây kể trên…”, Hạnh nói.

Cuộc thi “Sáng kiến ứng dụng giải quyết các vấn đề về môi trường” năm 2016 do Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng phát động từ tháng 4 và tổng kết ngày 4-12. Cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh THCS và THPT. Trải qua các vòng thi cấp quận, huyện, đã có 12 sáng kiến, sản phẩm của giáo viên và 38 đề tài của học sinh  được chấm chọn tham gia cấp thành phố. Đây là một trong những hoạt động của ngành giáo dục Đà Nẵng trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng đề án “Đà Nẵng – xây dựng thành phố môi trường” năm 2016 của UBND thành phố.

THIÊN LAM

.