Đà Nẵng cuối tuần
Đông Nam Á - điểm nóng đa dạng sinh học
Một nghiên cứu khoa học mới nhất đăng trên tạp chí Ecosphere phân tích những mối đe dọa tới đa dạng sinh học ở Đông Nam Á (ĐNA) mà tác giả là GS Alice Hughes ở Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc nhận định rằng “khu vực này có thể chịu mức đe dọa sinh học lớn nhất”.
Tốc độ phá rừng được cho là cao nhất thế giới; đã mất 14,5% diện tích rừng trong vòng 15 năm qua và có thể đã mất hơn 50% diện che phủ của rừng nguyên sinh. Nhiều vùng, nhất là ở Indonesia, được dự báo sẽ mất tới 98% rừng và môi trường sống cho động vật hoang dã vào năm 2022.
Tốc độ khai thác khoáng sản ở đây cũng cao nhất trong khu vực nhiệt đới, nhất là mỏm đá vôi và hang động; ước tính diện tích lên tới 800.000km2. Đây cũng là khu vực có rất nhiều đập thủy điện; chỉ riêng trên dòng sông Mekong đã có 78 cái. Người dân có thói quen sử dụng động vật, thực vật như loại thuốc chữa bệnh. Những vấn đề này không chỉ có ở riêng ĐNA nhưng khu vực này thực sự là điểm nóng của thế giới.
Dòng sông Mekong cạn dần nguồn thủy sản vì quá nhiều đập thủy điện. |
Hai nguyên nhân lớn nhất được xác định là săn bắn – mua bán trái phép và mất môi trường sống. Mất rừng vì muốn phát triển nông nghiệp, như trồng cao su, dầu cọ, bột giấy và các đồn điền nở rộ ở ĐNA. Nên nhớ rằng, sản phẩm dầu cọ và giấy ở ĐNA cung ứng gần 90% nhu cầu cho toàn thế giới. Chỉ riêng diện tích trồng cao su có thể tăng từ 4,3 tới 8,5 triệu ha vào năm 2024 để đáp ứng nhu cầu toàn cầu.
Động vật mất môi trường sống do công trình thủy điện. Nếu tiếp tục xây đập thủy điện trên dòng sông Mekong thì sẽ giảm lượng cá di cư từ 20% tới 70%, đồng thời gây hạn hán. “Dòng sông Mekong có độ đa dạng nước ngọt cao nhất thế giới, nguy cơ tuyệt chủng nhiều loại động vật cũng rất cao”, GS Hughes nói.
Có hơn 50 triệu chim lội nước phụ thuộc vào di cư và sinh sản nhưng có khoảng 80% vùng ngập nước ở ĐNA đang bị đe dọa sẽ biến thành đất nông nghiệp hay hệ thống thoát nước. Hiện tại đã mất 45% diện tích đất ngập nước khiến cho số lượng chim lội nước giảm tới 79%. Thủy sản đánh bắt được trên sông Mekong cung cấp cho hơn 65 triệu người nên giảm trữ lượng cá sẽ có những tác động trực tiếp đối với thu nhập và chế độ ăn trong khu vực.
GS Hughes cho rằng săn bắn và mua bán bất hợp pháp động vật hoang dã có tính đe dọa đa dạng sinh học ở ĐNA còn cao hơn cả phá rừng. Săn bắn và mua bán bất hợp pháp động vật hoang dã khoảng 20 tỷ USD mỗi năm; là điểm đen thương mại bất hợp pháp lớn thứ tư trên thế giới. Săn bắn và mua bán vì ba mục đích chính: y tế, cung cấp cho nhà hàng hoặc làm đồ lưu niệm, làm vật nuôi.
ANH THƯ (Theo Eco-Business)