Đà Nẵng cuối tuần
Hấp dẫn người trẻ
Thời gian học ngắn, nhiều cơ hội việc làm cùng mức thu nhập khá là những lý do khiến ngày càng nhiều bạn trẻ chọn nghề bếp làm con đường lập nghiệp.
Nghề bếp đầy sức hút với người trẻ bởi thời gian học nghề ngắn, nhiều cơ hội việc làm. (Ảnh: Do Trung tâm Hướng nghiệp Á - Âu cung cấp) |
Bỏ đại học để theo... nghề bếp
Trần Xuân Tùng mới 21 tuổi, song là đầu bếp chính tại khách sạn 3 sao Grand Sunrise với mức thu nhập khá. Cách đây 3 năm, như nhiều bạn trẻ khác, Tùng cũng chọn trường đại học là nơi bắt đầu tương lai, sau khi tốt nghiệp THPT.
Nhưng rồi hơn 1 năm làm sinh viên ngành Điện tử tại một trường đại học trên địa bàn thành phố, Tùng nhận ra bản thân không thực sự đam mê ngành nghề đang theo học nên quyết định bỏ ngang. Với sở thích nấu ăn từ nhỏ, Tùng nhanh chóng đến với nghề bếp.
Tốt nghiệp khóa Bếp chính quốc tế (9 tháng) tại trường dạy nghề ẩm thực Netspace Đà Nẵng (gọi tắt là Netspace Đà Nẵng) chưa đầy một năm với tấm bằng loại ưu, Tùng được giới thiệu vào khách sạn 3 sao Grand Sunrise. Nhờ sự nỗ lực đầy say mê, chỉ sau mấy tháng thử việc, Tùng được nhận vào vị trí bếp chính hiện tại.
Lê Thị Thanh Thảo (20 tuổi, quận Hải Châu) cũng đến với nghề bếp sau khi bỏ ngang ngành Quản trị khách sạn tại một trường cao đẳng trên địa bàn, khi nhận thấy ngành học không được như kỳ vọng. Kết quả học tập tốt, Thanh Thảo được chọn làm trợ giảng tại Netspace Đà Nẵng. Song, Thảo cho biết cô không có ý định theo nghiệp giảng dạy mà coi trợ giảng là quãng thời gian quý giá để tiếp tục tích lũy kiến thức, kinh nghiệm về nghề bếp trước khi ra ngoài thực hành nghề.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cùng sự phát triển của các dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn mọc lên như nấm, vài năm trở lại đây, ở Đà Nẵng đã xuất hiện một “phong trào” đi học nghề bếp bởi thời gian theo học ngắn, nhiều cơ hội việc làm và mức thu nhập khá.
Ông Lý Tiên Sinh, Giám đốc Netspace Đà Nẵng cho biết, hiện trường dạy nghề ẩm thực này đang thu hút gần 300 học viên theo học nghề bếp, mỗi năm số lượng học viên tăng từ 20-30%, độ tuổi học viên phổ biến từ 18-25 tuổi.
Các lớp học từ bếp Việt (thời gian đào tạo 5,5 tháng), bếp quốc tế (thời gian đào tạo 9 tháng) luôn trong tình trạng kín chỗ. Đại diện của Trung tâm Hướng nghiệp Á - Âu Đà Nẵng cũng cho biết, tỷ lệ tăng học viên trong vòng 3 năm nay lên đến 60%, độ tuổi phổ biến là 17-18. Tại Trường Cao đẳng Nghề du lịch Đà Nẵng, lượng học viên theo học nghề bếp cũng tăng đều qua các năm với 3 bậc đào tạo là hệ sơ cấp (thời gian học 6 tháng) hệ trung cấp (thời gian học 2 năm), hệ cao đẳng (thời gian học 3 năm)...
Bản lĩnh nghề bếp
Cùng với sở thích, không phủ nhận các yếu tố như thời gian học nghề ngắn, cơ hội việc làm là những lý do ban đầu khiến Xuân Tùng, Thanh Thảo chọn theo học nghề bếp. Song, có một điểm chung của hai người trẻ này là khi đã lựa chọn, họ học nghề với thái độ thực sự nghiêm túc.
Xuân Tùng bộc bạch, trong thời gian theo học tại Netspace Đà Nẵng, ngoài 3 buổi học chính (hoàn toàn thực hành), thời gian còn lại trong tuần Tùng cần mẫn đến trường đọc sách, tự thực hành, tranh thủ “học lỏm” thêm các nhóm lớp khác.
Ngay cả thời gian làm phụ bếp tại khách sạn Grand Sunrise, nếu “khi được giao rửa chén mà mình chỉ chăm chú rửa chén” thì rất khó để có vị trí hiện tại. Theo Tùng, muốn giỏi nghề, phải tranh thủ học mọi lúc mọi nơi. Nhờ thái độ cầu tiến trong nghề nghiệp, tại cuộc thi Chiếc thìa vàng 2016, đội của Tùng và Thảo dù còn rất trẻ nhưng đã vượt qua nhiều đầu bếp tại các khách sạn, khu nghỉ mát 4 - 5 sao trên địa bàn, giành giải nhì vòng sơ kết tại Đà Nẵng.
Theo nhận định của ông Lý Tiên Sinh, có một thực tế là trong 10 người chọn học nghề bếp thì nhiều lắm cũng chỉ có chừng 2 người thực sự đam mê. Phần lớn các bạn trẻ chưa thực sự có ý thức về nghề. Nghề nấu ăn đòi hỏi đầu bếp “phải là một nghệ sĩ” trong lĩnh vực ẩm thực.
Vì vậy, người học nghề này cần có sự đam mê, sáng tạo, cần kiến thức về ẩm thực, nhạy cảm với mùi vị, màu sắc, khéo tay, có khả năng làm việc với cường độ, áp lực cao, kỹ năng làm việc theo nhóm và đặc biệt phải có sức khỏe.
Bởi thời gian làm việc của người đầu bếp thường rất dài và khá “oái oăm” có thể vào sáng sớm, đêm khuya, cuối tuần hay suốt các ngày lễ, Tết... Điều kiện làm việc cũng không dễ chịu với bếp ăn luôn rất nóng, bị vây bọc bởi đủ mùi thực phẩm sống, chín, dầu mỡ...
Vì vậy, có thể nói nghề bếp hấp dẫn song cũng không ít thách thức và phải những ai thực sự đam mê mới bám trụ và sống tốt với nghề. Đối với những đầu bếp trẻ, bên cạnh việc không ngừng học tập, rèn nghề, cần trau dồi đạo đức, kỹ năng ứng xử, khả năng thích nghi nếu muốn đi đường dài với nghề.
Song, theo nhìn nhận của nhiều người trong nghề, với nghề đầu bếp, nếu thực sự đam mê và yêu thích, thì nghề sẽ không phụ công. Có những người, chỉ sau 1-2 năm, một phụ bếp có thể trở thành bếp chính hoặc bếp trưởng tại các nhà hàng, khách sạn với mức thu nhập hấp dẫn. Ngoài ra, nếu có khả năng ngoại ngữ, cơ hội của các đầu bếp sẽ còn được mở ra nhiều hơn.
Rộ trung tâm, trường dạy nghề ẩm thực Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong vòng 5 năm trở lại đây là giai đoạn “bùng nổ” các trung tâm, trường dạy nghề ẩm thực. Hiện toàn thành phố có trên 10 trung tâm, trường có dạy nghề ẩm thực, trong đó có nhiều trung tâm, trường nghề có đến 2-3 cơ sở, chưa kể các lớp dạy trực tiếp tại nhiều khách sạn, nhà hàng. Hầu hết các trung tâm, trường dạy nghề ẩm thực đều trang bị thiết bị đạt chuẩn châu Âu, Á; đội ngũ giảng viên dày dặn kiến thức, kinh nghiệm; các lớp dạy nghề bếp chú trọng thực hành kết hợp rèn luyện các kỹ năng phỏng vấn, ứng xử, phục vụ; cam kết giới thiệu việc làm cho học viên sau tốt nghiệp, đào tạo lại miễn phí... Đặc biệt, ngoài một số trường cao đẳng, đại học có đào tạo nghề bếp chuyên nghiệp có thời gian đào tạo dài, còn lại phần lớn, thời gian đào tạo nghề bếp tại nhiều trung tâm tư nhân chỉ từ 5 tháng - 1 năm là những điều kiện thực sự hấp dẫn đối với các học viên trẻ tuổi. |
THANH TÂN