Đà Nẵng cuối tuần
Ân tình khi hoạn nạn
Trong cùng cơ quan, đồng nghiệp luôn sẵn sàng giúp nhau phần việc của người khác (nếu chẳng may người đó có con ốm, chồng đau, mẹ bệnh… phải nhập viện gấp) mà công việc vẫn phải hoàn thành.
Những chuyến vào viện thăm nhau khi ốm đau, sinh nở, những chuyến xe mang tình cảm đối với người thân đã khuất của đồng nghiệp, dù xa hàng chục, thậm chí hàng trăm ki-lô-mét... thể hiện sự quan tâm của đồng nghiệp dành cho nhau.
Nhiều năm nay, Công đoàn Cục Thuế Đà Nẵng duy trì tinh thần tương thân tương ái đến toàn thể cán bộ, viên chức ngành thông qua nhiều hoạt động gắn kết anh chị em trong cơ quan. Ảnh: Q.T |
Anh Nguyễn Văn Vũ (cán bộ Chi cục Thuế quận Hải Châu, nay đã về hưu) nhớ lại, năm 2001, trong một lần lưu thông trên đường, anh bị tai nạn giao thông nghiêm trọng: dập lá lách, tổn thương tim, phổi… tưởng không qua khỏi. Ngay khi nghe tin anh bị tai nạn, lãnh đạo Cục Thuế thành phố thông báo rộng rãi đến tất cả các chi cục quận, huyện để anh em biết.
Chỉ một tiếng sau khi anh Vũ nhập viện, hàng chục cán bộ ngành Thuế đã tập trung trước cửa phòng cấp cứu để sẵn sàng truyền máu cho anh. Nhờ được tiếp máu kịp thời, anh Vũ giữ được mạng sống. Tỉnh lại trong bệnh viện, nghe người nhà kể anh em trong cơ quan đã túc trực 2 ngày 2 đêm để “bác sĩ gọi đâu có đó”, anh Vũ rơi nước mắt vì xúc động.
Không chỉ cứu anh Vũ ngay lúc tai nạn mà sau này, trong thời gian anh nằm viện (6 tháng), anh em thuế tại các chi cục đã thay nhau túc trực, hỗ trợ gia đình chăm sóc anh. Công đoàn của Cục Thuế hỗ trợ để anh nhận lương, chế độ phúc lợi như một nhân viên đi làm bình thường.
“Khi ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết thì tiền tài, quyền lực chẳng là gì cả. Sự giúp đỡ của anh em mới chính là liều thuốc giúp tôi có thêm động lực chiến đấu với bệnh tật. Đến giờ, đó vẫn là kỷ niệm đẹp nhất về tình đồng chí, đồng đội mà tôi mang theo sau khi về hưu”, anh Vũ chia sẻ.
Anh Vũ chỉ là một trong hàng trăm, hàng nghìn trường hợp được đồng nghiệp dang tay giúp đỡ lúc hoạn nạn và hầu như cơ quan, đơn vị nào cũng có những trường hợp như vậy. Hầu như thời điểm nào, tại cơ quan nào cũng có người đang bầu bí, con đau, mẹ ốm…
Việc nhà thì lu bu mà việc cơ quan cũng không bỏ được. Chính những lúc như thế này, các anh chị em đồng nghiệp hỗ trợ nhau trong công việc, rồi thăm hỏi động viên nhau vượt qua khó khăn.
Chị Kim Quỳnh (nhân viên kế toán tại Công ty CP Phát triển công nghệ Seatecco) kể, từ ngày chị mang thai, ở công ty, chị được cưng như trứng mỏng.
Mỗi khi thấy xe chị vừa trờ tới, bác bảo vệ đã chạy ra nhanh nhảu: “Xuống đi con, để bác dắt cho”. Khi chị xách cặp lên cầu thang thì nghe tiếng gọi: “Bầu ơi, để anh/chị xách giúp cho”. Đến nỗi, giờ đây, chị yêu hai tiếng “bầu ơi” chi lạ.
Trong văn phòng, cũng toàn là nữ nhưng các chị thay phiên giúp đỡ nhau. Ai bầu bí thì được ưu tiên ngồi một chỗ, không phải đến công trình giao hồ sơ thanh toán, kiểm kho. Ai có con ốm, đau, chồng đi vắng thì có thể xin về sớm, người khác hỗ trợ làm việc giúp…
Chị Quỳnh trải lòng: một người đi làm trong môi trường tập thể đôi lúc cũng khó tránh khỏi những va chạm với đồng nghiệp, dễ buồn chán lắm. Nhưng rồi chuyện gì cũng qua, hãy nhớ về những lúc hoạn nạn, khó khăn được anh chị em hết lòng giúp đỡ để lấy lại tinh thần làm việc, thêm yêu quý chốn công sở của mình.
Nói đến nghĩa tình cơ quan, không thể không kể đến công đoàn-nơi đại diện cho tiếng nói, hỗ trợ mặt vật chất và tinh thần cho anh chị em trong cơ quan. Nhiều năm nay, Cục Thuế Đà Nẵng duy trì quỹ “Tương thân tương ái” để hỗ trợ cho đoàn viên mua sắm vật dụng đi lại, sửa nhà…
Ông Phan Minh Chân, Phó Chủ tịch Công đoàn Cục Thuế thành phố cho biết, quỹ này đã duy trì được 20 năm. Từ nguồn quỹ này, đã giải quyết cho nhiều anh chị em vay không lãi suất để trang trải những nhu cầu thiết thân trong cuộc sống.
Trong năm 2016, có 40 đoàn viên được vay, với số tiền 40 triệu đồng/người. Ngoài quỹ chính thống, “tương thân tương ái” cũng chính là kim chỉ nam, là nền tảng trong mọi hoạt động của Cục Thuế.
Những người làm công tác Công đoàn ở cơ quan, bên cạnh công việc chuyên môn, họ xem việc chăm lo đời sống tinh thần, vật chất của anh em là trách nhiệm của mình. Như trường hợp của anh T. (Sở Văn hóa-Thể thao Đà Nẵng) bị bệnh nặng nhiều năm nay.
Hiện tại, dù vẫn duy trì công việc tại sở nhưng thi thoảng, anh vẫn phải nghỉ làm để trải qua những đợt điều trị tại bệnh viện. Ai ở trong hoàn cảnh thường trực đối diện với đau đớn, với những lần tiêm thuốc mới hiểu, niềm động viên tinh thần có ý nghĩa quý giá như thế nào.
Đồng nghiệp của anh tại Sở Văn hóa-Thể thao vẫn âm thầm hỗ trợ anh trong công việc mà không có sự tị nạnh hay ban ơn. Chị Thu Trang, Chủ tịch Công đoàn Sở cho biết, ngoài giúp đỡ anh T. làm các thủ tục pháp lý về bảo hiểm, chế độ, kêu gọi anh em trong cơ quan đóng góp về vật chất để hỗ trợ cho anh T. thì chị cũng kêu gọi anh em tiếp sức cho anh T. trong công việc.
Bởi theo chị, một người đau ốm thì vẫn cần có công việc để được suy nghĩ, có nơi để gặp gỡ mọi người thì bệnh tình mới mau thuyên giảm. Vì lẽ đó, lãnh đạo sở động viên anh T. làm việc theo sức khỏe, anh em đồng nghiệp bên cạnh hỗ trợ hết mình.
Một ngày làm việc của một nhân viên văn phòng kéo dài 8 tiếng đồng hồ. Thời gian mà đồng nghiệp gặp gỡ lẫn nhau đôi khi còn nhiều hơn gặp người thân trong gia đình. Bởi thế, tình đồng nghiệp vừa là động lực, vừa là niềm vui giữa ngày nối ngày được vun đắp mà thành giúp mỗi cán bộ công chức làm việc tốt hơn, sống tốt hơn, và thấy cơ quan mình là một mái nhà chung ấm áp, đầy ân tình và sẻ chia.
QUỲNH TRANG