Đà Nẵng cuối tuần
Nhộn nhịp hàng gốm sứ
Người mua thêm lọ hoa nhỏ, người mua dĩa đựng trái cây chưng bàn thờ, rồi sắm bình hoa to cắm mấy cành hoa tầm xuân, bộ bình trà để bàn phòng khách ngày Tết… cứ thế, đến những nơi bán mặt hàng này từ nửa cuối tháng Chạp, là cảm nhận ngay một không khí đầy tất bật, nhưng không vội vã, mà đầy cẩn trọng giữa người mua và người bán.
Người dân chọn mua đồ chưng bàn thờ ở chợ Cồn. Ảnh: H.N |
Không phải chờ đến Tết người người mới đi sắm những vật dụng như bát đĩa dùng trong bữa ăn, các loại ấm chén pha trà, hay những loại bình, chậu gốm đựng hoa, cây cảnh, cho tới những món đồ dùng để trang trí cho ngôi nhà.
“Việc mua sắm đồ dùng gia đình có thể diễn ra vào bất kỳ mùa nào trong năm, nhưng cứ đến Tết là thích bàn ăn nhà mình có thêm cái gì đó mới, như chục đũa, vài cái tô, có thể đó là thói quen của mẹ từ cái thời bao cấp giờ “truyền” sang cô”, cô Hồng Nga (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) cười nhẹ nhàng nói vậy, tại điểm bán hàng ở chợ Cồn.
Cô bảo, hồi trước đồ dùng ít, phải chờ đến Tết, chợ và cửa hàng mới có nhiều đồ để người tiêu dùng mua sắm. Và Tết năm nào theo mẹ đi chợ, cô cũng xách cho mẹ nào chục dĩa, chục tô làm bằng đất nung, rồi bộ ấm trà bằng gốm Bát Tràng màu xỉn xỉn, nhưng vẫn là đồ mới để thay bộ ấm chén đã sứt gần hết quai ở nhà.
“Bây giờ muốn mua cái gì cũng có, giờ nào cũng có, chất lượng thế nào tùy vô túi tiền của mình. Vậy mà cô vẫn thích đi sắm chén dĩa dịp Tết, nhưng được cái là mình có thể sắm trọn bộ hoặc màu sắc tùy theo bộ ở nhà vẫn dùng cho đồng bộ”. Cô Hồng Nga còn sắm thêm một cặp bình hoa bằng thủy tinh trong suốt, để thay cho mấy cái bình hoa bằng gốm lâu năm ở nhà.
Năm nay, bộ bát hương (gồm lư hương, bình hoa, chân nến, chén trà…) bán ở chợ, cửa hàng gồm nhiều chất liệu như đồng, gốm sứ, còn có thêm loại làm bằng sứ, dát vàng, màu sắc và hoa văn tinh xảo, nhìn khá mảnh mai hơn các mặt hàng gốm sứ Việt Nam, được người bán giới thiệu là hàng Trung Quốc, có giá khoảng 380.000-400.000 đồng/bộ.
Các sản phẩm tương tự làm từ gốm, sứ sản xuất trong nước, vẽ hình sư tử, chim hạc, hoa, trang trí thêm rồng phụng, chữ Hán có giá 180.000 đồng/bộ. Ông Nguyễn Văn Đồng (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cho biết, ông vừa làm nhà mới nên sắm lại một lần cho đồng bộ các đồ thờ cúng trên bàn thờ gia tiên, ông táo. “Cái đồ Trung Quốc này coi màu sắc đẹp vậy chứ một thời gian có thể bay màu hoặc bong lớp men tráng ở ngoài, nhưng thôi cứ mua, vì nó nhẹ hơn hàng gốm sứ của mình”.
Anh Phước (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) chọn mua một chiếc bình gốm để cắm mấy cành hoa tầm xuân. Người bán hàng ở cửa hàng đồ gốm sứ góc đường Lê Duẩn-Ngô Gia Tự hô giá 180.000 đồng. Sau một hồi thương lượng, người bán đồng ý bớt cho anh 40.000 đồng. Anh cười: “Chưa bao giờ đi mua mấy thứ này, nên cứ phải tham khảo giá của người bên cạnh hoặc đứng chờ xem mấy người khác mua được bớt mấy thì mình theo đó trả giá”.
Có mặt tại chợ, cửa hàng vào những ngày cuối năm, cảm nhận không khí nhộn nhịp của những người đi chợ sắm Tết, mới thấy các mặt hàng đồ gốm sứ rất phong phú, giá cả có tăng nhẹ so với ngày thường. Và sau cửa hàng bánh kẹo, thực phẩm, thì gian hàng gốm sứ vẫn tập trung đông khách so với nhiều điểm bán hàng gia dụng khác.
Người có tiền thì sắm những đồ sứ cao cấp, tinh xảo; người ít tiền thì mua đồ gốm mẫu mã hay màu sắc đơn giản. Cô Tâm, một người bán hàng ở chợ Cồn cho biết, khoảng nửa tháng trước Tết lượng khách hàng mới bắt đầu tăng, gấp ba lần ngày thường, giá bán cũng nhỉnh hơn ngày thường chút đỉnh. “Trước đây đồ chưng bàn thờ, bình hoa và bát dĩa ăn hằng ngày chủ yếu bằng đồ gốm sứ, nay thì có nhiều loại làm bằng thủy tinh và sứ cao cấp, màu sắc trang nhã, giá cao hơn từ gấp rưỡi đến gấp đôi các mặt hàng thông thường nhưng nhiều người vẫn mua”, cô Tâm cho biết.
Giá một bộ bình trà dao động từ vài trăm nghìn đồng, đến cả triệu đồng. Ở các siêu thị cũng như cửa hàng chuyên doanh, mức giá trung bình của bộ ấm trà khoảng 500.000-700.000 đồng/bộ. Đặc biệt, nhiều năm nay xuất hiện sứ Sương, một sản phẩm cao cấp của làng gốm Bát Tràng, chinh phục những người tiêu dùng khó tính nhất.
Tết năm nay sứ Sương cho ra mắt bộ sưu tập Sắc xuân gồm chén ăn cơm, dĩa đựng, bộ ấm trà, cốc, bình nước, như lời giới thiệu của nhân viên cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm trên đường Đống Đa, đây là bộ sưu tập kết hợp giữa men xanh bóng nổi tiếng của sứ Sương và một lớp men xanh khô mới thử nghiệm thành công do các nghệ nhân của thương hiệu này tiến hành.
Với sản phẩm lọ cắm hoa, mặt hàng cũng như giá cả rất phong phú, hợp với túi tiền nhiều người. Với những lọ hoa bằng gốm thông thường, giá có thể từ vài chục cho đến vài trăm nghìn. Còn với những lọ hoa chất liệu bằng pha lê, có thể dùng để trang trí, ở một cửa hàng trên đường Lê Hồng Phong, niêm yết giá từ 1 - 2,5 triệu đồng.
Ngày Tết, bên cạnh cành mai, cây đào không thể thiếu khay đựng mứt Tết, bánh kẹo - những thứ trẻ con vô cùng háo hức. Trên trang Facebook Gốm sứ Bát Tràng Đà Nẵng giới thiệu những khay mứt với chiếc khay được đan bằng mây đã hun khói (tránh ẩm mốc) và những đĩa đựng bằng gốm màu sắc sặc sỡ, với giá 400.000 đồng/bộ; được xem là có nhiều kiểu dáng mới lạ so với các mặt hàng cùng loại trên thị trường.
Năm mới, người Việt mong mỏi mình có nhiều cái tươi mới để được hanh thông cả năm. Đồ dùng mới cũng làm con người phấn chấn lên, yêu đời, yêu người hơn. Với người có tiền thì sắm một cái bình hoa, một bộ ấm trà có phần dễ dàng, với người còn lo chạy ăn từng ngày với trăm thứ lo thì một ấm trà cũ mà được chùi rửa sạch sẽ, pha ấm trà và được nhìn làn khói mỏng nhẹ bay lên cũng thấy ấm lòng.
Đến chợ, đi xem dòng người mua sắm, đôi khi thấy chạnh lòng nhớ về những ngày xưa cũ, thời còn khó nghèo. Nhớ chuyện cũ cũng như thói quen mà cô Hồng Nga được mẹ “truyền” lại, để thấy trân quý hơn những thứ mình có hôm nay.
HOÀNG NHUNG