Đà Nẵng cuối tuần
Ngồi mát mà chẳng "bát vàng"...
Không ít ý kiến cho rằng, phần lớn dân văn phòng làm việc khá “nhàn”, không làm hết công suất 8 giờ/ngày, công việc thao tác đơn giản, lặp đi lặp lại, ngồi mát suốt ngày... Thực tế, đã đến lúc xã hội xóa bỏ định kiến này, bởi công việc của các “công bộc” văn phòng ngày nay không hề nhàn hạ như nhiều người vẫn tưởng.
Nhân viên văn phòng ngày càng chịu nhiều áp lực trong cuộc sống hiện đại. Ảnh: T.T |
Đủ bệnh văn phòng
Chị H.T (40 tuổi), hiện làm việc trong ngành Công an thành phố Đà Nẵng chia sẻ, công việc bàn giấy, làm báo cáo liên tục, khiến chị phải ngồi một chỗ nhiều giờ trước máy tính, trong phòng điều hòa nên cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, khó ngủ sâu. Đi khám thì phát hiện bị thần kinh vai gáy, tuần hoàn máu kém.
Theo lời khuyên của bác sĩ, chị tuân thủ lịch điều trị vật lý trị liệu tại bệnh xá cơ quan, kết hợp tập yoga đều đặn hơn 3 năm thì tình hình sức khỏe cải thiện nhiều, giấc ngủ đến với chị dễ dàng hơn. Song, có những giai đoạn công việc dồn dập như thời điểm cuối năm, nhiều ngày phải làm việc thông tầm, dù có ý thức nhưng không dễ duy trì lịch luyện tập, sự mệt mỏi lập tức trở lại.
Có thâm niên làm việc trong ngành ngân hàng gần 10 năm, chị C.M (32 tuổi), cũng cho biết, chừng 3 năm trở lại đây, sức khỏe của chị có nhiều biểu hiện sa sút như: đau lưng, viêm xoang, khô mắt... Tại cơ quan chị C.M, có đến 70-80% nhân viên, mà phổ biến là chị em bị mắc các chứng bệnh văn phòng, do công việc căng thẳng, ít vận động như: thoái hóa cột sống, trĩ, tê chân, tay, các bệnh về da, mắt, hô hấp, tăng mỡ máu dẫn đến các bệnh tim mạch, stress…
Bác sĩ Bùi Thị Thanh, Bệnh xá phó Bệnh xá Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, hơn 40% bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Vật lý trị liệu của bệnh xá liên quan đến thoái hóa cột sống. Độ tuổi của các bệnh nhân thường là trung niên nhưng cũng có trường hợp dưới 40 tuổi hoặc trẻ hơn đã bị thoái hóa hoặc biến dạng đường cong sinh lý cột sống.
Các bệnh nhân này cùng có một nguyên do ngồi quá nhiều. Ngồi quá lâu với tư thế không đúng sẽ dẫn đến đau lưng mãn tính. Song song đó, việc thiếu vận động hằng ngày và hạn chế tiếp xúc với ánh nắng sẽ mau chóng dẫn đến tình trạng xương trở nên giòn, xốp và tiến nhanh đến quá trình bị loãng xương cùng các biểu hiện như thoát vị đĩa đệm, gai cột sống, thoái hóa đốt sống cổ...
Theo bác sĩ Ngô Đức Hải, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao Thiện Nhân (thuộc Công ty CP Bệnh viện Thiện Nhân Đà Nẵng), qua các đợt kiểm tra sức khỏe của nhiều cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tại trung tâm, có thể thấy “bệnh lý văn phòng” đang có chiều hướng gia tăng nhanh. Biểu hiện nhẹ là đau lưng, khô mắt, nhức mỏi đốt sống cổ, vai, lưng... nặng là các bệnh lý thoái hóa, rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng, suy nhược toàn diện.
Dân công sở có “nhàn”?
Không thể phủ nhận đã và đang tồn tại trong xã hội định kiến cho rằng, phần lớn dân văn phòng làm việc khá “nhàn”, không làm hết công suất 8 giờ/ngày, lại được nghỉ trọn vẹn hai ngày cuối tuần, công việc thao tác đơn giản, lặp đi lặp lại, ngồi mát suốt ngày... Thực tế, đã đến lúc xã hội xóa bỏ định kiến này, bởi công việc của các “công bộc” văn phòng ngày nay không hề nhàn hạ như nhiều người vẫn tưởng.
Trở lại câu chuyện của chị C.M, tại ngân hàng nơi chị đang công tác có rất nhiều mảng công việc, luôn đòi hỏi sự thận trọng và chuẩn xác ngay cả đối với nhân viên có thâm niên công tác lâu năm. Có những mảng phải liên tục cập nhật văn bản, nội dung thường xuyên thay đổi nên nếu không nắm vững quy định sẽ rất khó xử lý công việc cho doanh nghiệp, người dân.
Mặt khác, các quy định không phải lúc nào cũng bám sát thực tế nên cần linh hoạt trong từng tình huống phát sinh cụ thể. Số lượng báo cáo hằng tháng, quý, năm cũng khiến các chuyên viên như chị M “xây xẩm mặt mày”.
Đối với ngành văn hóa, công việc lại đòi hỏi sự sáng tạo từ việc lên ý tưởng, tổ chức thực hiện các sự kiện lớn - nhỏ, liên tục, đến các đề án văn hóa sao cho mới, thiết thực, đi vào cuộc sống, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần nhiều đối tượng người dân.
Trong thời điểm cuối năm, bản thân chị V.T, và hầu hết các anh em cùng cơ quan Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng luôn tập trung cao độ, và luôn tâm niệm phải “làm hết việc chứ không kể hết giờ”. Mấy tháng nay, chị V.T cho biết, việc phải xử lý công việc ngoài giờ hành chính trở thành “chuyện bình thường” đối với tập thể các phòng, ban và không riêng ngành văn hóa.
Thường xuyên phải ngồi một chỗ, tiếp xúc liên tục màn hình máy tính, căng thẳng, nặng nhọc còn phải kể đến những nhóm công việc như thiết kế, lập trình, viết phần mềm đều là việc khoán sản phẩm và đòi hỏi tiến độ thời gian nên tình trạng ngồi làm việc hơn 10 tiếng một ngày là phổ biến. Những nhóm công việc khác như kế toán, thu ngân, thư ký, nhân viên điện thoại cũng vất vả không kém.
Có thể nói, cường độ làm việc căng thẳng, môi trường chật chội, thiếu ánh sáng, ít vận động, ảnh hưởng của điều hòa, máy vi tính và những hóa chất từ nhiều vật dụng tại phòng làm việc, kéo theo hệ lụy tất yếu là những căn bệnh nan giải, là những gì các nhân viên văn phòng đã và đang phải đối mặt mỗi ngày.
Không quá khó để kiểm soát sức khỏe
Theo lời khuyên của bác sĩ Ngô Đức Hải, điều quan trọng đối với người đã mắc hoặc may mắn chưa mắc phải các chứng bệnh văn phòng là nên có cái nhìn nghiêm túc về bệnh nhưng phải lạc quan. Bởi, ngay cả những bệnh lý khi chuyển thể nặng, người bệnh nếu biết chấp nhận “sống chung với bệnh”, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình điều trị, có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý sẽ kiểm soát sự tiến triển của bệnh, bảo đảm cơ bản chất lượng cuộc sống.
Thể nhẹ có thể chữa dứt điểm nếu kiên trì điều trị, tập luyện. Vì vậy, việc thường xuyên thăm khám để phát hiện kịp thời là điều rất quan trọng.
Một tín hiệu đáng mừng là dù cuộc sống gia đình, công việc rất bận rộn, căng thẳng, nhưng ngày càng nhiều chị em vẫn cố gắng thu xếp để tham gia các hình thức vận động, rèn luyện sức khỏe tích cực. Như ở cơ quan chị C.M, rất nhiều người đến phòng tập gym, yoga ngoài giờ làm việc, người không có thời gian thì duy trì vận động bằng cách đi bộ, đạp xe đạp, thiền... tại nhà.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều chị em, yoga là môn được đa số lựa chọn, bởi những cải thiện về sức khỏe khá rõ rệt của môn học này. Như chia sẻ của chị M - tham gia tập yoga gần năm nay, hôm nào thấy trong người rã rời như sắp ốm, chỉ cần đến phòng tập liên tục vài ngày, các triệu chứng mệt mỏi liền tan biến.
Tính riêng tại hai cơ sở của Yoga Sức Sống Mới Đà Nẵng, hiện đã có trên 1.000 học viên đang theo học, trong đó hơn 50% là nhân viên văn phòng. Theo giám đốc, vừa là huấn luyện viên chính của trung tâm Nguyễn Thị Kim Thư, thay vì các suất tập truyền thống vào sáng sớm hoặc chiều muộn truyền thống, hiện các lớp từ 12 giờ trưa ở cơ sở này ngày càng đông học viên.
Đặc biệt, thời điểm cuối năm, các năm trước, học viên thường bỏ gần hết, nhưng vài năm nay, thường chỉ 10-20% học viên không đến phòng tập. Theo chị Kim Thư, yoga thu hút nhiều chị em bởi khả năng điều hòa hơi thở sâu, chậm, đòi hỏi sức bền từ từ thay vì nhanh, gấp, đòi hỏi thể lực tức thì như nhiều loại hình tập thể dục khác.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa yoga không đòi hỏi thể lực. Theo chia sẻ của nhiều “tín đồ” yoga, giai đoạn 2-3 tháng đầu sẽ rất khó khăn, nhưng nếu kiên trì vượt qua giai đoạn này, duy trì đều đặn thì những lợi ích về mặt sức khỏe đối với người ít có điều kiện vận động là thấy rõ.
Sau thời gian tham gia nhuần nhuyễn các bài tập ở phòng tập, chị em có thể tự tập ở nhà, phù hợp với quỹ thời gian hạn hẹp của dân văn phòng nói riêng và người lao động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác hiện nay.
THANH TÂN