Đà Nẵng cuối tuần
Thắng cuộc với "Túi bảo quản lạnh cá ngừ"
Sản phẩm phải làm và sửa chữa đến 4 lần nhưng với các tính năng đặc biệt, túi “Bảo quản lạnh, thu thập, xử lý và truy xuất thông tin cá ngừ” của đội “HQT”, Trường ĐH Duy Tân đã giành giải nhất cuộc thi Targeted Innovation Challenge (Thử thách sáng tạo có mục tiêu – TIC) với mục đích thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo cho những người đam mê khoa học, công nghệ, do Công ty Frontier Law & Advisory tổ chức mới đây.
Đội HQT đang giới thiệu bộ điều khiển trung tâm có chức năng thu thập, lưu trữ và truyền tải dữ liệu về cá ngừ. |
Trong cuộc thi được tổ chức thí điểm này, Công ty Frontier Law & Advisory quyết định chia sẻ ý tưởng về bảo vệ môi trường cho các đội tham dự cuộc thi để họ phát triển và cải thiện sản phẩm hơn nữa. Nhiệm vụ của các đội là phát triển sáng chế gốc này, hoặc đưa ra một sáng chế khác hoàn toàn so với sáng chế gốc.
Cuộc thi bắt đầu từ ngày 3-10-2016 khi các đội sáng chế được trao quyền truy cập gói thử thách trong 24 giờ. Các đội sáng chế đã tranh tài trong vòng 8 tuần để nghiên cứu, sau đó biến nó thành một giải pháp. Frontier đã giới thiệu các đội với các cố vấn để được hỗ trợ trong quá trình nghiên cứu.
Và đội “HQT” lựa chọn vấn đề môi trường trong ngành đánh bắt cá ngừ, nhằm mục đích bảo quản lạnh, truy xuất được nguồn gốc cá, thu thập, lưu trữ và truyền tải thông tin về xử lý và bảo quản cá ngừ.
“HQT” gồm có 3 thành viên là Lê Quang Thành, Lê Nhật Hưng và Nguyễn Ngô Anh Quân (cả 3 đều học tại Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng. Nói về sản phẩm của mình, Lê Quang Thành, đại diện “HQT” cho biết, ý tưởng của đội khi tham gia cuộc thi TIC 2016 là muốn tạo ra một quy trình gồm hai phần, đó là “Bảo quản cá ngừ ở nhiệt độ thấp trong túi làm lạnh” và “Thu thập, xử lý và truy xuất thông tin cá ngừ”.
Ý tưởng này được lấy từ chiếc túi bảo quản lạnh và chiếc mũ bảo hiểm, một công cụ có thể chứa và bảo quản cá ngừ được làm từ chất liệu nhựa composit (vốn thường được sử dụng làm mũ bảo hiểm) để nâng cao độ bền của túi. Ngoài ra, túi bảo quản còn được thiết kế với màu sắc dễ nhận biết, khi rơi xuống nước có thể nổi, phát tín hiệu SOS (ánh sáng, âm thanh hoặc gửi tín hiệu qua Internet, điện thoại…).
Trước khi tham gia TIC 2016, các bạn đã trải qua một số cuộc thi và đạt thành tích như Microsoft Imagine Cup Việt Nam 2016, Start up Uni Tour 2016, ROBODNIC… Đến với cuộc thi này, đội “HQT” muốn nghiên cứu để tạo ra một sản phẩm có thể giúp nâng cao chất lượng và giá trị cho cá ngừ, hỗ trợ việc đánh bắt, nâng cao thu nhập cho ngư dân.
Đồng thời, góp phần quản lý, giám sát hoạt động đánh bắt cá ngừ, giảm thiểu nạn đánh bắt trái phép, đánh bắt quá mức, đảm bảo bền vững thủy sản, tạo ra hệ thống truy xuất thông tin cá ngừ chuyên nghiệp và tin cậy.
Theo đánh giá của Ban tổ chức, “HQT” là đội thi duy nhất có sản phẩm mẫu chạy thử là bộ điều khiển trung tâm, có chức năng thu thập, lưu trữ và truyền tải dữ liệu về cá ngừ. Đây cũng chính là thế mạnh của đội.
Ông David Saiia, Đại diện Ban giám khảo cuộc thi cho biết, chúng tôi rất hài lòng vì các đội đã nghiên cứu và làm việc rất nghiêm túc để phát triển sáng chế gốc. Đội “HQT” cũng đã tìm ra hướng đi mới để giải quyết vấn đề bảo quản lạnh cá ngừ ở điều kiện tiêu chuẩn và truy xuất được nguồn gốc cá, thu thập, lưu giữ, truyền tải thông tin về cá ngừ.
Ông David cũng đánh giá rất cao nỗ lực tham gia và hoàn thiện sản phẩm của các đội thi. Và cho rằng, điều đó chứng tỏ sự phát triển của đổi mới sáng chế tại Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Ngày 10-12-2016, 4 đội lọt vào chung kết cuộc thi Thử thách sáng tạo có mục tiêu - TIC) tham gia thuyết trình sản phẩm trước Hội đồng giám khảo bao gồm các chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và các ngành công nghiệp khác nhau. Vượt qua 3 đội thi đến từ Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng và ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, “HQT” của Trường ĐH Duy Tân đã vinh dự giành giải nhất. |
THANH TÌNH