Đà Nẵng cuối tuần

Biến tấu cùng Hanbok, Kimono

09:16, 05/02/2017 (GMT+7)

Xu hướng mặc trang phục biến tấu từ đồ truyền thống của các nước Đông Bắc Á (Hàn, Trung, Nhật) đang được nhiều bạn trẻ Đà thành mê mẩn. Với Miuk Style (đường Nguyễn Chí Thanh, Đà Nẵng), hai cô chủ Yến Nhi và Xuân Thảo đang chọn cho mình một hướng đi riêng, tiên phong trong phong cách biến tấu đồ truyền thống của các nước.

Tất cả sản phẩm của Miuk style đều do Xuân Thảo thiết kế và đặt may tại các thợ may lành nghề tại Hội An. Ảnh: H.A
Tất cả sản phẩm của Miuk style đều do Xuân Thảo thiết kế và đặt may tại các thợ may lành nghề tại Hội An. Ảnh: H.A

Chia sẻ về hướng đi khác biệt, Xuân Thảo trải lòng: Có khá nhiều cửa hàng bán áo dài cách tân, xường xám nhưng người ta làm có thể là vì thích kiểu áo đó hoặc theo xu hướng; còn Thảo đi theo con đường riêng là nghiên cứu các trang phục truyền thống của các quốc gia trên thế giới và có những thiết kế mới phù hợp với bạn trẻ Việt Nam. 3 năm qua, Thảo đã cho ra những bộ sưu tập áo Hanbok của Hàn Quốc, áo Jinbei (loại áo mà mọi người thường gọi là Kimono) của Nhật Bản, xường xám của Trung Quốc, áo Saree và Kurta của Ấn Độ, và áo dài Việt Nam. Đất nước tiếp theo Thảo chọn sẽ là Scotland với những họa tiết caro xinh xắn.

Vốn là bạn bè cùng trường thời phổ thông nhưng khi lên đại học, Yến Nhi và Xuân Thảo theo học tại hai ngôi trường khác nhau. Thảo theo học ngành kinh tế, Nhi học kiến trúc. Vậy mà khi có cơ hội hợp tác chung để mở cửa hàng thời trang, Thảo lại đóng vai trò là nhà thiết kế, trong khi Nhi lại chịu trách nhiệm ở khâu PR, bán hàng.

Nhi hài hước chia sẻ: “Thảo là tay ngang nhưng có niềm đam mê bất tận với thời trang, trong khi mình xuất thân là dân thiết kế nội thất thì lại rất “máu” kinh doanh. Bây giờ ngồi đây nhưng tụi mình đã lên hết ý tưởng cho năm sau rồi. Bởi tuy đây là dòng thời trang mới nhưng hiện tại ở Đà Nẵng cũng đã có nhiều shop mở. Nếu tụi mình giậm chân tại chỗ, thỏa mãn với những gì mình đang có thì sẽ bị người đi sau đuổi kịp và vượt lên”.

Nói về cơ duyên đến với con đường trở thành nhà thiết kế đồ truyền thống, Thảo cho biết, bạn đã  bắt đầu công việc này từ 3, 4 năm trước. Tuổi thơ của Thảo gắn bó với phố cổ Hội An. Mỗi ngày, Thảo có cơ hội chiêm ngưỡng một thế giới thời trang thu nhỏ sống động mà những du khách từ mọi nơi mang đến.

Sẵn tình yêu thời trang, từ bỏ con đường làm việc hành chính với mức lương khá ổn, Thảo bắt đầu nghiên cứu áo dài cách tân. Khi đó, cô bạn tự nhủ trong lòng: Nếu đã đi sau thì phải làm khác với người đi trước. Chỉ cần tạo ra sản phẩm có ích cho xã hội thì nhất định sẽ được đón nhận.

Vậy là Thảo bắt đầu những chuyến du lịch một mình vào Nam ra Bắc, tìm cho ra loại vải nhuộm bằng sáp ong, dệt bằng tay của người H’Mông, mang về để biến tấu thành áo Hanbok, Kimono với mong muốn pha trộn hài hòa cái hồn Việt vào chất tuyền thống nước khác.

Có khi lại vào TP. Hồ Chí Minh, lê la mấy ngày trời tại các sạp vải để tìm bằng được các loại vải độc đáo, phối chúng lại với nhau, làm sao để cho ra đời những bộ quần áo “chất” nhất với mức chi phí rẻ để những bạn tuổi teen có thể tiếp cận được.

Bên cạnh việc đi theo con đường khác biệt, điều làm nên chất riêng của thời trang Miuk Style đó là, thương hiệu thời trang này đang hướng đến mục tiêu xây dựng lối sống xanh cho giới trẻ. Lấy ý tưởng từ khăn Furoshiki (khăn gói hành lý, hộp đựng thức ăn …) của Nhật, mỗi khách hàng khi mua sản phẩm của Miuk, cam kết sẽ dùng khăn Furoshiki để gói quà.

Bước vào cửa hàng Miuk trên phố Nguyễn Chí Thanh, đập vào mắt khách hàng là khung cảnh xưa cũ bởi chủ shop đã tận dụng những chiếc cửa gỗ cũ để đóng thành bàn, kệ, cây treo quần áo, phòng thay đồ….

Chất vintage (đồng quê) dịu dàng từ những thứ bỏ đi được tận dụng lại khiến nhiều khách hàng thích thú. Những mảnh vải vụn nhỏ không bị vứt đi mà được giữ lại để may những chiếc túi đựng điện thoại, tiền xu nhỏ xinh hay bọc nút vải làm vài phụ kiện như kẹp tóc, vòng cổ vòng tay, hỗ trợ cho trang phục. 

Những cách tận dụng thời trang như thế này đều được chủ shop đăng tải trên facebook cá nhân để hướng dẫn các bạn trẻ làm theo. Chính nhờ lối sống xanh này nên 2 cô bạn đã được Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh (VNUK Đà Nẵng) mời đến để chia sẻ cho sinh viên cách “Hô biến đồ cũ thành đồ mới”. Trong buổi làm việc này, 2 cô bạn đã hướng dẫn cho sinh viên cách vẽ lên  áo cũ đơn điệu,  để biến thành áo mới, cắt sửa từ áo nam thành áo nữ, may túi đeo từ áo sơ-mi…

Mỗi người trẻ đều có những xuất phát điểm khác nhau đến với con đường khởi nghiệp. Riêng Nhi và Thảo đều đang ở thời kỳ sung sức, rực lửa nhất với lựa chọn của mình.

HẢI ÂU

.