Đà Nẵng cuối tuần

Tươi tắn nét xuân

07:51, 05/02/2017 (GMT+7)

Lễ chùa cầu mong bình yên gia đạo, về đình làng tưởng nhớ “nước nguồn cây cội” là hai việc đầu năm không thể bỏ qua.

Ông Nguyễn Đức chuẩn bị đưa bộ sưu tập nồi đồng để trưng bày ở “Hội làng giữa phố Hòa Minh”.
Ông Nguyễn Đức chuẩn bị đưa bộ sưu tập nồi đồng để trưng bày ở “Hội làng giữa phố Hòa Minh”.

Khi ngày cuối cùng của tháng Chạp chạm ngõ thời gian cũng là lúc những lo toan muộn phiền của mười hai tháng cũ tan theo gió đông. Chiếc đồng hồ thời gian dốc hết những giây phút còn lại để gõ chuông báo hiệu giờ khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới. Trong khói trầm thiêng liêng của bàn thờ Phật, mọi người chắp tay nguyện cầu cho một năm mới an bình, hạnh phúc.

An bình cho cả một năm

Đi chùa lễ Phật đầu năm đã trở thành một nét văn hóa tâm linh không chỉ của dân tộc mà còn là tập quán đẹp của người dân Đà Nẵng - thành phố không chỉ nổi tiếng với những cây cầu duyên dáng bắc qua sông Hàn mà còn là nơi gắn liền với địa chỉ tâm linh nức tiếng như chùa Linh Ứng, chùa Quán Thế Âm, chùa Tam Thai…

Ngày đầu xuân, thành phố bỗng thênh thang gió biếc. Không còn cảnh xe cộ ngược xuôi, chen lấn trong khói bụi. Đường phố khoác lên mình bộ áo mới rạng ngời một màu hoa thư thái. Nhiều gia đình ở Đà Nẵng thường ưu tiên sáng mồng Một Tết để đi lễ chùa, nguyện cầu mọi sự tốt lành, tìm được sự bình yên trong tâm hồn. Không chỉ vậy, đi lễ chùa cũng là dịp để cha mẹ, con cái quây quần bên nhau, quan tâm đến nhau, nhất là trong thời buổi hiện đại, con người chỉ khư khư cái điện thoại di động bên mình.

Lễ chùa ngày nay không chỉ dành cho các cụ già mà nam thanh nữ tú cũng xúng xính áo quần mới đến đất Phật cầu bình an. Nhìn các cô gái e ấp trong tà áo dài cách tân, vấn khăn vành trên mái tóc mây bước qua mấy bậc tam cấp vào chùa Linh Ứng, chợt ùa về trong trí nhớ mấy câu thơ trong bài “Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp hơn 80 năm trước: Em đi, chàng theo sau/ Em không dám đi mau/ Ngại chàng chê hấp tấp/ Số gian nan không giàu...

Thượng tọa Thích Huệ Vinh - Trụ trì chùa Quán Thế Âm quận Ngũ Hành Sơn cho biết: Trong đêm giao thừa, có khoảng 3.000 người đi lễ, cả một cái Tết có gần 50.000 người đến lễ Phật ở chùa Quán Thế Âm. Năm nay là Tết thứ hai sau khi khánh thành Bảo tàng Văn hóa Phật giáo Đà Nẵng nên lượng thiện nam tín nữ viếng chùa đầu năm sẽ còn tăng cao.

Mỗi khách hành hương được phát 9 cây hương, tượng trưng lời ước nguyện viên mãn cho quá khứ, hiện tại và vị lai. Đây là loại hương quế do chùa đặt làm và kiểm tra chất lượng, không nhiều khói, không bị pha trộn các loại hóa chất tạo mùi gây độc hại làm ô nhiễm môi trường.

Năm nào chùa cũng làm một nghìn đòn bánh tét để người lễ chùa dùng miễn phí từ đêm giao thừa cho đến Rằm tháng Giêng. Cũng theo Thượng tọa Thích Huệ Vinh, những năm gần đây, do lượng khách lễ chùa quá đông, hình thức hái lộc đầu năm tại các chùa đã gây nên hậu quả xấu.

Để tránh tình trạng người đi lễ hái lá ngắt hoa, chùa đưa ra hình thức xin lộc đầu năm bằng một cây mai giả lớn, trên đó treo các phong bì nhỏ nhiều màu sắc. Người xin “lộc” sẽ “hái” một phong bì trong đó có ghi lời chúc đầu năm, nếu may mắn sẽ trúng một trong các giải thưởng.

Nếu khách du xuân muốn biết gia đạo trong năm mới ra sao thì có thể xin xăm Quan Âm tại chùa. Thông qua mỗi lá xăm, nhà chùa sẽ kết hợp giảng giải đạo lý làm người để mọi người sống tốt hơn…

Sau khi lễ Phật, khách hành hương tham quan Bảo tàng Văn hóa Phật giáo Đà Nẵng - nơi lưu giữ, trưng bày hàng nghìn hiện vật có giá trị.
Sau khi lễ Phật, khách hành hương tham quan Bảo tàng Văn hóa Phật giáo Đà Nẵng - nơi lưu giữ, trưng bày hàng nghìn hiện vật có giá trị.

Náo nức hội làng

Đà Nẵng ngày càng phát triển, văn minh hiện đại thì người dân thành phố càng tìm về những giá trị văn hóa truyền thống qua các hội làng óng ả ngày xuân. Mọi người về đình làng, trước thắp nén hương tưởng nhớ nước nguồn cây cội, sau hòa mình vào các hoạt động hội hè sôi nổi không khí tết nhứt.

Làng Hòa Mỹ năm nay tổ chức “Hội làng giữa phố Hòa Minh” lần thứ tư, đúng dịp kỷ niệm 20 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, 20 năm thành lập quận Liên Chiểu. Chào mừng các sự kiện trọng đại này, bà con chư họ tộc và các tổ dân phố Hòa Mỹ quyết tâm tổ chức một hội làng thật hoành tráng.

Ông Nguyễn Văn Hiển, Trưởng Hội đồng các gia tộc làng Hòa Mỹ, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Liên Chiểu cho hay ngoài các hoạt động thường niên, hội làng lần này sẽ có diễu hành 8 xe hoa (7 xe của 7 khu dân cư và một xe của ban tổ chức) trong hai đêm 11 và 12 tháng Giêng qua các tuyến đường chính của làng với chủ đề hướng về cội nguồn, phản ánh sự phát triển của Hòa Mỹ từ làng quê lên phố thị.

Cùng với đó, Nhà văn hóa làng Hòa Mỹ sẽ dành một gian trưng bày các hiện vật là vật dụng gia đình, nông cụ sản xuất của bà con cả 4 làng của phường Hòa Minh gồm Hòa Mỹ, Trung Nghĩa, Hòa Phú, Phước Lý. Riêng làng Hòa Mỹ vận động mỗi họ tộc, mỗi khu vực, mỗi ủy viên thường trực của Hội đồng các gia tộc đóng góp mỗi người từ 1 đến 2 hiện vật.

Lần đầu tiên, ông Nguyễn Đức, ủy viên ban tài chính làng Hòa Mỹ, sẽ trưng bày bộ sưu tập nồi đồng của mình gồm 10 chiếc, từ nồi một đến nồi mười. Sau khi được giới thiệu trên chuyên mục Những cái nhất ở Đà Nẵng trên Báo Đà Nẵng những năm trước, bộ sưu tập độc đáo này đã được nhiều báo, đài truyền hình đến làm phóng sự, giới thiệu một nét văn hóa làng còn lưu giữ được trên vùng đất Đà thành.

Ông Phạm Đình Chương ở tổ 232 trưng bày bộ tem thư Trang phục 54 dân tộc Việt Nam. Ông Trương Quang Dũng ở tổ 262 trưng bày bộ sưu tập gồm 7 chiếc mâm đồng, mâm gỗ, nồi đồng…

Năm nay, xuất phát từ ý tưởng của một nhà báo, đại diện UBND phường sẽ lần đầu tiên trao cờ luân lưu tổ chức “Hội làng giữa phố Hòa Minh” cho làng Trung Nghĩa - đơn vị đăng cai hội làng lần thứ 5 năm 2018. Từ ngày mồng 9 tháng Giêng, con dân của Hòa Phong nói chung, làng Túy Loan nói riêng,   lại quay về đình làng để tưởng nhớ công đức tiền nhân trong đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” qua phần lễ trang nghiêm, phần hội sôi động.

Năm nay, theo bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, phần hội sẽ  có các trò dân gian như bịt mắt, đập niêu, kéo co... thi ẩm thực có các phần như nướng bánh tráng, gói bánh tét.  Đặc biệt hội đua thuyền truyền thống trên sông Túy Loan với 4 đội gồm Túy Loan Đông, Túy Loan Tây, Bồ Bản và Thạch Bồ. Xuất hiện từ rất lâu, cuộc “so dầm chèo” này đã tạo nên một không khí hội hè mỗi khi Tết đến xuân về trong lòng người dân quanh vùng.

Tiếng trống âm vang dưới mái đình cong cong, tiếng hô bài chòi sóng sánh ánh mắt các nàng thôn nữ giữa phố thị, tiếng mái chèo dậy sóng hòa tiếng reo hò của khán giả hai bên bờ sông,... chỉ có trong nỗi nhớ bỗng hiển hiện trong hội làng đầu năm. Tất cả phác họa nên nét xuân tươi tắn, hồng hào của một Đà thành bước vào năm mới nhiều ước mơ và hy vọng...

NHƯ HẠNH

.