Đà Nẵng cuối tuần

Giới thiệu sách

Đầu năm, được đọc một cuốn sách quý

16:30, 05/02/2017 (GMT+7)

Trong những ngày đầu năm mới đầy cảm xúc, tôi tìm được cuốn sách Văn minh Việt Nam(*) của học giả, nhà văn hóa Nguyễn Văn Huyên mới ra mắt trước Tết. Số phận kỳ lạ của cuốn sách, quá trình nó chu du qua nước Pháp và nửa thế kỷ tìm cách chính thức trở về Đất mẹ, đã nói lên phần nào tính phức tạp của nội dung mà cuốn sách đề cập. Theo như những lời phi lộ của dịch giả và nhóm tổ chức xuất bản, công trình này được đặt viết theo nghị định ngày 23-4-1938 do Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Joseph Jules Brévié ký để dùng làm sách giáo khoa cho bộ môn văn hóa Việt Nam trong các trường trung học mới được thành lập.

Bản thảo của cuốn sách được tác giả hoàn thành năm 1939, bằng tiếng Pháp, với tựa đề La civilization annamite. Nhưng phải mất 5 năm, tức là đến năm 1944, cuốn sách mới được xuất bản tại Hà Nội sau cuộc đấu tranh bền bỉ của tác giả với cơ quan kiểm duyệt cực kỳ gắt gao của chính quyền thuộc địa nhằm bảo toàn nội dung cuốn sách ở mức tối đa.

Những bạn đọc tinh ý có thể nhận ra ngay dấu ấn kiểm duyệt này từ đầu sách, phần tác giả nói về quá trình người Pháp xâm lược Việt Nam. Chỉ còn lại mốc của các sự kiện và cũng không đầy đủ. Chẳng hạn không thấy sự kiện tàu chiến Pháp nổ súng vào Đà Nẵng năm 1858, mà nhảy cóc ngay sang sự kiện triều đình nhà Nguyễn cắt nhượng ba tỉnh miền đông Nam kỳ cho Pháp vào ngày 6 tháng 6 năm 1862 (!).

Điều đó cho ta đưa ra phán đoán sẽ có nhiều trang bản thảo không được xuất bản, nhiều quan điểm của tác giả bị kiểm duyệt Pháp nắn chỉnh hoặc bị từ chối đưa vào sách (?).

Tuy thế, bằng vào những gì còn lại trong nội dung cuốn sách, cũng đủ để nó là một công trình nghiên cứu về văn hóa cực kỳ có giá trị, còn tiếp tục đồng hành với nhiều thế hệ người Việt. Tại thời điểm cuốn sách ra đời, nó được coi là phát ngôn về văn hóa Việt Nam của người Việt, với cộng đồng thế giới.

Điều dễ nhận thấy và do đó đáng trân trọng nhất ở cuốn sách là ở tinh thần khoa học nghiêm túc của nó. Tác giả, vốn được đào tạo tại một trong những trường hàng đầu của Pháp, bằng vốn học vấn uyên bác, đã đem đến một lối nghiên cứu dựa trên những khảo cứu công phu, tỉ mỉ, đối chiếu qua nhiều tài liệu, cẩn trọng với từng chi tiết, từng con số.

Bạn đọc sẽ rất thú vị khi được biết tầm vóc, hình thức của người Việt ở mỗi miền, bằng sự mô tả chính xác về hình thể, màu da, kích thước đầu, kích thước cổ tay, bàn chân, khung vai… với chiều cao, cân nặng tính đến từng mi-li-mét.

Cứ như bản thân người viết bài này, thì chưa thấy một công trình văn hóa, khoa học nào tỉ mẩn, chính xác, rõ ràng trong ngôn ngữ diễn đạt hoặc mô tả như vậy. Tuy nhiên cũng lại khó mà tìm ra công trình thứ hai nào theo chủ đề này, được tác giả trình bày bằng thứ văn giàu cảm xúc, với nhiều sự tha thiết yêu mến đối tượng mô tả như công trình này. Đây là một trong những đoạn như vậy:

“Môi người Việt rất mọng nhưng không dày lắm. Nói chung hàm người Việt rất phát triển. Hàm răng rất đẹp (…) Người Việt có khả năng dùng chân nhặt những vật nhỏ, điều khiển thuyền bằng các ngón chân. Bàn tay thon nhỏ và thanh (…) Người Việt nói chung không béo phị. Phụ nữ rất cân đối. Họ có những nét đẹp, bàn chân và bàn tay rất nhỏ, cổ chân, cổ tay rất xinh xắn”.

Tác giả, một mặt phản bác lại những quan điểm “vơ đũa cả nắm” chỉ nhìn một chiều về tính cách người Việt, phóng đại những nét tiêu cực, coi đó như bản tính cố hữu mà không gắn với hoàn cảnh phát sinh như một sự thích ứng tạm thời, của một vài học giả thực dân, nhưng mặt khác, với tinh thần trách nhiệm cao với dân tộc và khoa học, ông cũng mạnh mẽ vạch ra những nét xấu xí có thật của văn hóa và xã hội Việt.

Điều đáng kinh ngạc là hóa ra từ gần 80 năm trước, đã có người dám mạnh mẽ nói lên một cách khái quát thực trạng trì trệ của xã hội Việt, được thể hiện ở sự méo mó của nhiều giá trị tinh thần vẫn tồn tại và chi phối đến tận hôm nay, cũng như căn nguyên sâu xa của nó.

Chẳng hạn, khi nói về tính biếng nhác của một bộ phận người Việt, ông lý giải nó được phụ họa bởi một nền giáo dục hủ bại kéo dài:

“Xu hướng biếng nhác này càng trầm trọng thêm về phương diện tinh thần do một nền giáo dục truyền thống chưa bao giờ có phương pháp. Nếu như xưa kia ở Việt Nam có kỉ luật tinh thần, thì lại chưa hề có một nền giáo dục liên tục, một sự phát triển liên tục việc trau dồi trí tuệ.

Người ta đưa quá nhiều vào trí nhớ của trẻ em, điều đó làm thui chột một số năng lực não bộ của người Việt, óc suy diễn rất cần thiết cho nghiên cứu khoa học, chưa bao giờ phát triển một cách có hệ thống (Chúng tôi nhấn mạnh). Thành ra ở người Việt, có sự lười biếng về trí óc, có xu hướng dễ dàng chấp nhận hết thảy và bắt chước hết thảy.

Nhà nho xưa kia, ra làm quan sau khi học nhiều kinh sách chất đầy trí nhớ, phần lớn chẳng còn nghĩ đến sự trau dồi trí tuệ nữa. Họ già trước tuổi, hoặc là, họ can đảm chịu nhẫn nhục để khỏi bị một ai đó ganh tị mà kiếm chuyện lôi thôi. Hoặc là, họ sa đà vào một thứ chơi ngông, đôi khi cũng tinh tế đấy, nhưng dễ làm cạn kiệt đi ở nòi giống cái năng lực phát minh hoặc thậm chí năng lực lập luận khoa học.

Đa số chỉ mong ước nghề làm quan là con đường đã vạch sẵn, không đòi hỏi nhiều cố gắng độc đáo, mà lại đem đến nhiều vinh hiển nhất” (trang 41-42).

Tuy nhiên, là người hiểu một cách tinh tế và sâu sắc những bản tính dân tộc, ông ngay lập tức đưa ra cảnh báo sự khái quát hóa quá mức theo cách nhìn thuần túy lý tính của phương Tây có thể dẫn đến hậu quả họ không bao giờ hiểu thật về người Việt.

“Chẳng khuyết điểm nào, chẳng ưu điểm nào, nói tóm lại, chẳng có mặt nào của tính cách người Việt mà lại không có mặt bù lại, và không gợi ra ngay tức khắc một bằng chứng ngược lại. Có những nhà quan sát nước ngoài thấy người Việt hay ăn cắp, dối trá. Cả ở điểm này nữa, ta cũng không nên suy rộng ra cho tất cả người Việt Nam”.

Và vì đâu mà nên nỗi:

Vì “Trong một thời gian dài, nhân dân nước này đã bị cai trị kém. Họ bị gạt ra không được tham gia công việc hành chính. Một chính sách ngu dân thật sự đã thấm sâu vào đời sống Nhà nước.

“Nếu kinh tế tiến bộ và thuần phong mỹ tục được đưa vào trong hoạt động của bộ máy cai trị, thì dân tộc này sẽ ít sản sinh những con người kém năng lực” (trang 42-43)

Những gì cả xã hội chúng ta đang phải đối mặt hiện nay, như những tệ nạn nhức nhối gắn với sự méo mó, bất cập, lạc hậu của nền giáo dục, nạn chạy chức tước, nạn quan tham, nạn nhũng nhiễu dân của một bộ phận kẻ có chức có quyền, mà nguyên nhân phần lớn do các yếu tố chủ quan, đều đã được Nguyễn Văn Huyên cảnh báo từ rất lâu.

Giá mà chúng ta, giá mà những người có trách nhiệm được đọc cuốn sách này từ lâu? Nhưng muộn còn hơn không, mọi nỗ lực chấn hưng xã tắc không bao giờ thừa. Đó cũng là thiện ý của những người muốn công trình văn hóa này có trên kệ sách của bạn.

Nguyễn Văn Huyên (1905-1975), sinh tại xã Kim Chung, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay thuộc huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội), là một giáo sư, tiến sĩ, nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam.

Tháng 2 năm 1934, ông bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ tại Pháp với hai đề tài Hát đối ở Việt Nam và Nhập môn nghiên cứu cư trú nhà sàn ở Đông Dương. Về nước năm 1935, ông dạy môn lịch sử ở trường Bưởi (nay là Trường THPT chuyên Chu Văn An) cho tới năm 1938. Sau đó ông chuyển sang làm việc tại Viện Viễn đông Bác cổ và là người Á châu duy nhất làm việc tại đây giai đoạn trước năm 1945 với tư cách là thành viên khoa học, ngang hàng với các học giả Pháp.

Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, ông là một trong những người đại diện trí thức Thủ đô cùng với Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Xiển, Hồ Hữu Tường ký bức điện yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị, nhường quyền kiểm soát đất nước cho nhân dân qua chính phủ cách mạng.

Sau khi chính quyền về tay nhân dân, ông được cử giữ chức Giám đốc Đại học vụ, Bộ Quốc gia giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) kiêm Giám đốc Viện Bác cổ. Tháng 11 năm 1946, ông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và giữ chức vụ này trong 29 năm cho đến khi mất vào tháng 10 năm 1975. Ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam từ khóa 2 đến khóa 7, ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

TẠ DUY ANH


(*) Sách dày 312 trang, khổ lớn, do Nhà Xuất bản Hội nhà văn và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phối hợp ấn hành tháng 12 năm 2016, qua bản dịch từ tiếng Pháp của Đỗ Trọng Quang.

.