Đà Nẵng cuối tuần
Đông Nam Á nhạy bén với Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump không có dấu hiệu xoay chuyển quyết định hạn chế du lịch, bất chấp người dân trong nước và thế giới phản đối. Ông còn gây tranh cãi hơn nữa khi dừng tiếp nhận người tị nạn và cấm có thời hạn đối với người dân từ 7 nước. Nhiều nước phàn nàn về quyết định bảo vệ nước Mỹ của ông Donald Trump. Keysar Trad, Chủ tịch Hiệp hội người Hồi giáo ở Úc, cho rằng ông Trump không chỉ làm ảnh hưởng tới những người vô can mà còn làm thiệt hại về kinh tế và hình ảnh nước Mỹ.
Người dân Mỹ phản đối quyết định nhập cư của Tổng thống Donald Trump. |
Dù nằm trong danh sách bị cấm nhập cảnh hay không, nhiều người châu Á bắt đầu xem lại kế hoạch tới Mỹ du lịch hay học hành. Alicia Seah, Giám đốc Quan hệ cộng đồng và truyền thông của đơn vị du lịch Dynasty Travel (Singapore) nói một cách triết lý: “Một khi đi du lịch để thư giãn thì bạn cần nhất là sự thoải mái đầu óc. Giờ này mà qua Mỹ thì chẳng thoải mái chút nào khi bị kiểm soát gắt gao”. Giám đốc điều hành công ty du lịch Orchid ở thủ đô Dhaka của Bangladesh, Tareque cho biết ông đã hủy chuyến du lịch cá nhân sang Mỹ vì sợ những rắc rối ngay tại sân bay.
Nhiều nước Đông Nam Á tỏ ra nhạy bén với quyết định cấm đoán nhập cảnh của ông Donald Trump. Tony Fernandes là giám đốc trong hãng hàng không lớn ở châu Á đóng tại Malaysia, AirAsia, viết trên tài khoản cá nhân mạng xã hội, kêu gọi các nước Đông Nam Á đẩy mạnh mục tiêu phát triển du lịch và giáo dục mà đích nhắm khách hàng ở người Hồi giáo. Malaysia là điểm du lịch khá phổ biến với khách du lịch từ Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Saudi Arabia, Iraq và Qatar khi có gần 200.000 người tới trong năm 2016. Malaysia cũng nhắm phát triển lĩnh vực du lịch y tế. Quan chức ngành du lịch Thái Lan tự tin rằng, quyết định cấm đoán của Mỹ có thể đưa du khách tới xứ sở chùa vàng cao hơn. “Trung Đông là thị trường lớn của chúng tôi, đặc biệt ở lĩnh vực du lịch y tế”, Yuthasak Supasorn - người đứng đầu ngành du lịch Thái Lan - nói với hãng tin Reuters.
Không chỉ du lịch và y tế, lĩnh vực giáo dục ở Đông Nam Á cũng có những dấu hiệu tích cực. Ajay Mital, giám đốc trung tâm tư vấn giáo dục tại New Delhi (Ấn Độ) chia sẻ: Nhiều học sinh, sinh viên lo ngại qua Mỹ sẽ khó khăn và thậm chí khó kiếm việc làm khi ra trường nên ông chuyển hướng sang Đức hoặc Singapore. Aulia Adila, 24 tuổi, là một người khá nổi tiếng trong lĩnh vực truyền thông ở Jakarta (Indonesia) từng tính chuyện sang Mỹ phát triển nghề nghiệp nhưng giờ đây, anh nghĩ tới khả năng ở lại trong nước hoặc loanh quanh trong khu vực Đông Nam Á.
ANH THƯ (Theo Reuters)