Đà Nẵng cuối tuần
Nhớ Trăm năm thơ đất Quảng
Ngẫu nhiên làm sao trong nhiều giáo sư tên tuổi được tôn vinh là những cây cao bóng cả trong ngành nghiên cứu và lý luận phê bình văn học của cả nước, thì riêng vùng Đất Quảng đã từng sáng danh bao vị, lại toàn là quê hương Điện Bàn. Đấy là Giáo sư Lê Đình Kỵ (1923-2009), Giáo sư Lê Trí Viễn (1919-2012), Giáo sư Hoàng Phê (1919-2005) và Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh (1931). Đối với chúng tôi, một lần trong đời được gặp gỡ các tiền bối ấy đã là hạnh ngộ lắm rồi, ấy vậy mà tôi may mắn có một thời gian được làm việc chung với Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh.
UBND thành phố Hồ Chí Minh chúc mừng Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh (người ngoài cùng bên phải) nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. |
Có những hội ngộ trong đời, cứ tưởng rồi sẽ lướt qua giữa dòng đời tấp nập kiểu như Bùi Giáng thi sĩ: Người qua tôi cũng đi qua/ Người dừng tôi cũng qua loa tạm dừng. Không ngờ với tôi, cuộc hội ngộ cũng chỉ vì công việc chóng vánh thôi mà thành ra nhớ đời nhớ thuở.
Nói như nhà thơ Lưu Trọng Lư trong hồi ký “Nửa đêm sực tỉnh”, rằng con người ta có khi bước lên một chuyến tàu, thì bước lên bước xuống lẽ bình thường thôi, ấy vậy mà hóa ra duyên nhau nhớ suốt một đời. Vâng, tôi cũng có một chuyến tàu như thế. “Chuyến tàu” mang tên “Trăm năm thơ Đất Quảng”!
Nếu bạn hỏi tôi trong đời sống văn học nghệ thuật, cái gì nhớ nhất trong 20 mùa xuân đã qua, khởi từ cái Tết 1997, ngày mà Đà Nẵng và Quảng Nam được chia tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương?
Chắc chắn tôi sẽ nhớ ngay một việc không dễ lặp lại lần thứ hai, ấy là biên soạn công trình “Trăm năm thơ Đất Quảng”. Một công trình như một chuyến tàu chất chứa khẳm nặng thời gian, mà để vận hành nó là cả một ban bệ hẳn hoi. Lại còn lãnh đạo tỉnh, mà trực tiếp là trưởng ban tuyên giáo tỉnh luôn theo dõi, khích lệ, và tổ chức các cuộc hội thảo khoa học để công trình đạt được chất lượng đúng như tiêu chí đã đề ra.
Nhưng tôi muốn nói tới Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh - người đứng tên đồng chủ biên công trình. Là bởi với tôi, ông không chỉ là nhà khoa học dày dạn kinh nghiệm, mà gần gũi ông, tôi còn phát hiện cái phẩm chất cực kỳ nghệ sĩ của ông. Và đấy mới là điều mới lạ, dường như chưa thấy ai viết về giáo sư có nói đến điều này.
Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh sinh ra ở vùng quê Điện Thọ - Điện Bàn. Ông sớm ra Bắc học từ trước năm Hiệp định Genève được ký kết. Đến năm 1955 ông là du học sinh theo học tại Đại học Lomonosov (Moskva - Nga). Sau khi tốt nghiệp đại học, ông tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại đây.
Ở tuổi 30 ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (thời đó Liên Xô cũ còn gọi là phó tiến sĩ). Năm 1963 ông về nước giảng dạy khoa Văn, chủ nhiệm bộ môn Lý luận văn học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau năm 1975, giáo sư được điều làm Trưởng ban phụ trách Viện Đại học Huế, rồi Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế.
Về sau giáo sư được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục, rồi làm Phó ban Văn hóa - văn nghệ Trung ương cho đến ngày ông vào ở hẳn tại Thành phố Hồ Chí Minh làm chuyên gia cao cấp cho Viện Khoa học xã hội.
Bìa Trăm năm thơ đất Quảng. |
Dông dài ít dòng tiểu sử của Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh, cũng tức là để nói tới một cuộc đời dằng dặc xa quê của ông, may mà còn có những tháng ngày ông ngồi lại cùng chúng tôi biên soạn chung một công trình để lưu lại như một tặng vật cho quê nhà.
Thực ra vào buổi đầu xây dựng đề cương và thành lập nhóm biên soạn “Trăm năm thơ Đất Quảng”, chúng tôi chưa dám mời giáo sư bởi vừa e ông cây cao bóng cả, lại cũng vừa ngại giáo sư tuổi tác cao lại ở xa xôi. Thế nhưng đến khi gặp ông rồi, cái chất nghệ sĩ của ông đã xóa nhòa mọi khoảng cách. Một trong những kỷ niệm nhớ đời nhớ thuở vào những ngày đầu làm việc với giáo sư, ấy là việc ông trách tôi: “Nghèo chi đến nỗi không mắc được cái điện thoại bàn để tiện liên lạc làm việc với nhau”.
Đúng là vào ngày ấy ở đâu không biết, chứ anh em làm văn nghệ chúng tôi không phải ai cũng dễ có cái điện thoại bàn, di động lại càng không, huống là khó khăn như tôi. Vì thế khi cần trao đổi công việc gì với tôi, giáo sư phải nhờ người nọ kẻ kia chuyển lời, hoặc có khi trao đổi bằng thư gửi qua bưu điện.
Riết rồi không chịu nổi, ông viết thư cho lãnh đạo yêu cầu mắc cho tôi cái điện thoại bàn, nếu không ông rút lui công việc. Là giáo sư giận dỗi mà nói lên như vậy thôi, chứ nỗi lòng ông tôi hiểu, vào buổi hoàng hôn một đời người, ông cũng khát khao ửng lên sắc ráng giữa trời quê như một niềm hạnh phúc sau hơn nửa thế kỷ biền biệt xa cách. Và, với tôi cũng nhờ cái sự giận dỗi quí hóa ấy mà chỉ vài hôm sau có được cái điện thoại bàn đầu tiên, để mà... hiện đại “a lô” với mọi người.
Thật khó mà quên đi những cuộc rong chơi với giáo sư. Thực lòng mà nói, cứ ngỡ ông nhiều năm ở chốn quan trường, dẫu cho ông có hòa mình giữa đời thường chăng nữa thì cũng khó mà lang thang kiểu như chúng tôi được. Vậy mà như tôi đã nói cái khí chất nghệ sĩ của ông, thêm nữa là, dường như được sống giữa lòng quê xứ đã xóa nhòa trong ông mọi khoảng cách.
Ở vào địa vị giáo sư như ông, những ngày ở quê không chỉ là công việc theo hợp đồng, mà ông còn là khách đặc biệt nữa là đằng khác. Thâm tình và cao quí hơn nữa, giáo sư từng là người thầy của nhiều sinh viên mà vào thời điểm đó các anh đương chức lãnh đạo một số cơ quan đầu tỉnh. Vậy nên chuyện ăn ở hay đi lại công tác, tỉnh Quảng Nam có lo cho ông cũng là điều hợp lẽ.
Ấy thế mà ở Tam Kỳ một đôi ngày thì thôi, còn về Đà Nẵng thì ông thường ngẫu hứng đòi... lang thang với tôi. Khổ một nỗi, phương tiện đi lại của tôi chỉ có mỗi chiếc xe máy cũ kỹ cà tàng, chở ông đi có khi hỏng hóc trên đường nửa chừng nên tôi rất ngại. Vậy mà ông cứ phớt lờ, xuề xòa: “Xe gì mà chả được, đừng quan trọng vật chất quá rồi nô lệ cho nó”. Giáo sư nói kiểu vui thôi, nhưng tôi hiểu ý ông là hãy để mọi tự do cất cánh, đừng tự nhốt mình trong những hệ lụy xa hoa vật chất .
Một lần đã sắp chiều tối rồi, trong lúc tôi định mời giáo sư đi ăn cơm bụi như mọi lần, bỗng ngẫu hứng thế nào ông lại cù rủ tôi dạo biển Mỹ Khê. Năm tháng mới vừa chia tách tỉnh đó, vùng biển Đà Nẵng còn hoang sơ chứ chưa phố xá hiện đại như bây giờ.
Ra biển ngồi dưới hàng phi lao, tôi và ông chỉ uống vài chai bia và trò chuyện với nhau đủ thứ trên đời. Chả rõ khi ngồi giữa bãi cát mênh mông ông nghe được “thông tin” gì từ những chú còng gió, hay là vi vu phi lao cám dỗ, bỗng dưng tôi thấy ông trẻ thơ ra, cởi hết áo quần ngoài rồi chạy nhảy nô đùa, nằm lăn trên cát biển như bắt gặp ngày xưa của mình đâu đây. Phố đã lên đèn rồi mà xem ra giáo sư còn mê mải lang thang nhặt vỏ ốc, đến độ tôi phải giục nhiều lần, chừng như ông mới sực tỉnh ra “Ừ, về thì về” .
Niềm cảm hứng của giáo sư trong việc biên soạn “Trăm năm thơ Đất Quảng” thì cũng là dịp cho ông gặp lại vô tận ngày xưa trên xứ sở “đất chưa mưa đà thấm” của ông đấy thôi! Gặp từ các bậc tiền bối xa xưa thế kỷ 18, 19 như: Lam Anh, Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp...
Hay là gặp thi sĩ “Trời một phương” như Bùi Giáng Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn/Hết tâm hồn và hết cả da xương, thì vẫn là cách giáo sư bày tỏ nỗi nhớ của mình trong cuộc vuông tròn trăm năm này. Hoelderlin - thi sĩ lừng danh của Đức đã từng kêu lên “Quê nhà còn hay không khi nỗi nhớ đã bị đánh mất?”. Với giáo sư, truy vấn đó đã phơi mở lòng ông trong “Trăm năm thơ Đất Quảng”. Cho dù nó có thể thừa hay thiếu, hay chưa tròn trịa, thì với tôi bấy nhiêu đó sao không thể là “của tin gọi một chút này làm ghi”!
NGUYỄN NHÃ TIÊN