Đà Nẵng cuối tuần
Biến rác thải hữu cơ thành phân bón
Chiếc máy “Xử lý rác hữu cơ thành phân bón” của một nhóm sinh viên Trường Đại học Duy Tân đã vượt qua vòng chung khảo khu vực miền Trung cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên lần thứ nhất năm 2016 “Start - up Student Ideas”, và được chọn vào vòng chung kết diễn ra tại Hà Nội vào ngày 23 đến 25-3.
Nhóm sinh viên chủ đề tài đang thuyết trình về sản phẩm trong cuộc thi. |
Chiếc máy “Xử lý rác hữu cơ thành phân bón” bắt nguồn từ đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường của Phạm Hữu Cường (SV khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Duy Tân). Sau đó, Huỳnh Thị Như Hiền và Phạm Thị Ly Na (cùng là SV khoa Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Duy Tân) tham gia dự án. Chia sẻ về ý tưởng sản phẩm, Hữu Cường cho biết: “Mình biết bãi rác Khánh Sơn tồn đọng khá nhiều và chưa thể giải quyết triệt để việc phân hủy, tái chế, dẫn đến bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người dân trong khu vực. Từ đó mình ấp ủ ý tưởng tái chế rác hữu cơ tại nguồn, góp phần xử lý rác tồn đọng và có thể cung cấp lượng phân vi sinh cho nông nghiệp”.
Máy vận hành bằng cách người sử dụng đưa rác thải hữu cơ vào ngăn chứa, sau khi nhấn nút bật nguồn, tủ sẽ bắt đầu hoạt động. Rulo sẽ bắt đầu xay và nghiền nhỏ rác, máy tự động phun phụ gia và nước vào để giúp rác có thể phân hủy thành phân. Cứ 1kg rác thải hữu cơ sau khi qua xử lý có thể thu được 0,4kg phân bón.
Nếu gặp sự cố mắc kẹt vật cứng, cảm biến dòng sẽ kích rơ-le ngắt toàn bộ mạch điện, mọi hoạt động sẽ ngưng lại. Người sử dụng sẽ nhấn nút cho rulo xoay ngược chiều để đưa vật cứng ra ngoài sau đó có thể hoạt động trở lại. Trong trường hợp mất điện, người sử dụng có thể dùng tay quay để xay rác thủ công. Tuy nhiên, sản phẩm tồn tại một nhược điểm là khâu vệ sinh máy cần phải sử dụng bơm áp lực, chi phí hơi cao. Nhóm bạn cũng đang tìm cách để khắc phục hạn chế trên.
Để tạo ra một chiếc máy, nhóm của Cường mất chi phí khoảng 3 triệu đồng. Nếu được đưa vào sản xuất đại trà thì giá thành mỗi máy giảm còn khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng. Khách hàng mục tiêu mà các bạn hướng đến đó là các khu resort, nhà hàng, quán ăn hoặc các hộ gia đình. Bên cạnh việc xử lý giảm thiểu rác tồn đọng, sản phẩm còn giúp người dân nâng cao ý thức phân loại rác, bảo vệ môi trường tốt hơn. Ngoài ra, khi tái chế, còn có thể tinh chế chất lỏng từ chất hữu cơ để tạo ra nước rửa chén.
Thầy Nguyễn Văn Tiền (Trường ĐH Duy Tân), giảng viên hướng dẫn đồng thời cũng là người đứng ra lập nhóm để dự thi khởi nghiệp cho biết: “Sản phẩm nếu được đưa ra thị trường thì sẽ giúp cho người Việt Nam nâng cao ý thức phân loại rác, giúp quá trình tái chế rác thải dễ dàng và hiệu quả hơn. Sản phẩm này cũng rất phù hợp với Đà Nẵng bởi thành phố đang hướng tới xây dựng một thành phố có môi trường xanh, sạch. Nếu máy hoạt động đạt năng suất, người mua chiếc máy có thể thu lại được số tiền đã bỏ ra mua máy nhờ tiền bán phân sau khi máy xử lý. Đây là điểm khả thi của sản phẩm. Tuy nhiên, vì đây là sản phẩm của một đề tài nghiên cứu khoa học nên công nghệ vẫn chưa được hoàn thiện, kinh phí đầu tư ít, vẫn cần phải gia công thêm mới có thể ra thị trường được”.
TƯỜNG VY