Đà Nẵng cuối tuần

Bừng lên khát khao học hỏi về khởi nghiệp

12:56, 12/03/2017 (GMT+7)

Hơn hai tuần “chu du” Phần Lan để tham gia chương trình Tăng tốc Khởi nghiệp tạo tác động toàn cầu (Global Impact Accelerator) và Hội nghị khởi nghiệp SLUSH 2016, cô gái trẻ Lý Phương Dung (SN 1991, hiện công tác tại Sở Công thương Đà Nẵng) nhận ra rằng mỗi người đều là một phần của thế giới và đều có thể tác động đến thế giới theo cách của riêng mình.

Lý Phương Dung giới thiệu sản phẩm nước rửa chén của dự án khởi nghiệp Minh Hồng tại SLUSH 2016 ở Phần Lan. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Lý Phương Dung giới thiệu sản phẩm nước rửa chén của dự án khởi nghiệp Minh Hồng tại SLUSH 2016 ở Phần Lan. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Đến thủ đô Helsinki, Phần Lan, vào cuối tháng 11 với tiết trời -30 độ C, Phương Dung bảo chưa bao giờ thấy câu nói: “Không ai đầu óc bình thường lại đến Helsinki vào tháng 11” đúng như thế. Câu nói này được ghi trên trang web chính thức của SLUSH 2016, với đoạn sau là: “Ngoại trừ 17.500 “cái đầu công nghệ’.”

Phương Dung đại diện cho dự án Minh Hồng của Đà Nẵng (sản xuất nước rửa chén từ rác thải hữu cơ) tham gia chương trình Tăng tốc Khởi nghiệp tạo tác động toàn cầu (Global Impact Accelerator) và Hội nghị khởi nghiệp lớn nhất châu Âu SLUSH 2016 tại Phần Lan. Đây là phần thưởng dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp có tác động xã hội xuất sắc nhất trong cuộc thi HATCH! Fair 2016 dành cho các nhóm khởi nghiệp toàn quốc.

Nhớ lại lần đầu tiên bước vào địa điểm tổ chức sự kiện – một không gian làm việc chung do Microsoft thành lập tại Helsinki -  Phương Dung vẫn còn thấy ấn tượng. “Mọi thứ từ cà-phê, thức ăn cho đến máy tính, máy in 3D và các dụng cụ cao cấp khác đều miễn phí cho “dân” khởi nghiệp,” Dung nói, “Ngay cả trong nhà vệ sinh, Microsoft cũng lắp đặt những tấm gương thông minh, hiển thị các ứng dụng công nghệ mới nhất. Sau này mình mới biết, nhờ vậy mà họ thu được một khoản lớn từ quảng cáo để duy trì không gian làm việc chung này.”

Dung kể, để chào đón các học viên mới, ông Peter Vesterbacka, đồng sáng lập SLUSH và là “Đại bàng huyền thoại” của Rovio (công ty phát triển trò chơi Angry Birds) nói: “Chúng tôi đang xây dựng đường hầm xuyên biển để kết nối Phần Lan và Estonia. Chúng tôi tin rằng việc kết nối hợp tác có ý nghĩa hơn là xây dựng bức tường ngăn sự trao đổi qua lại giữa hai nước.” Từ giây phút đó, các học viên đều hiểu rằng kết nối để cùng phát triển chính là mục tiêu của chương trình tăng tốc khởi nghiệp quốc tế này.

Phương Dung chia sẻ, trong hơn hai tuần diễn ra sự kiện, cô bạn đã nhiều lần “mồm chữ O, mắt chữ A” khi nghe các nhà khởi nghiệp thuyết trình về dự án của mình. Có nhóm xây dựng mô hình máy bay không người lái để truyền máu trong những trường hợp khẩn cấp.

Có nhóm lập trang web chia sẻ kỹ năng, mỗi người tham gia phải tạo ra một đoạn video “dạy” một kỹ năng mà mình thành thạo, đổi lại, họ sẽ được một người khác “dạy” một kỹ năng khác miễn phí. Có nhóm lập dự án sản xuất băng vệ sinh cho trẻ em gái châu Phi, sử dụng chính nguồn lao động bản địa…

“Hơn hai tuần ăn, ở, làm việc cùng nhau, chúng tôi gần như không còn được định danh bằng tên hay quốc tịch nữa. Chúng tôi và dự án của chúng tôi là một. Chúng tôi được định danh bằng chính những tác động mà chúng tôi có thể đem lại cho xã hội,” Dung kể.

Không chỉ kết nối với xã hội, các nhóm khởi nghiệp còn tự kết nối với nhau để tạo thành mạng lưới bền vững. Trong các buổi thảo luận tại SLUSH, Phương Dung ấn tượng với câu chuyện của Startup Sauna, một chương trình ươm tạo được thành lập bởi chính các sinh viên Phần Lan vào năm 2010.

Chỉ sau 6 năm, chương trình ươm tạo được 194 dự án khởi nghiệp, kêu gọi tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD. “Dự án đi trước sẽ đỡ đầu cho dự án đi sau, cứ vậy, mạng lưới của họ ngày càng mở rộng và bền chặt”, Dung cho biết.

Trở về sau chuyến đi Phần Lan, bài học thiết thực nhất mà cô bạn nhận được chính là ý nghĩa của việc trở thành một thành viên của cộng đồng.

Dung nói: “Ngay trong chính mỗi nhóm khởi nghiệp cũng đã có một cộng đồng. Một dự án có sản phẩm tốt, nhưng sự liên kết giữa các thành viên trong nhóm không tốt thì cũng không đem lại kết quả, mà như vậy thì dù có tham gia chương trình ươm tạo hay các buổi gặp gỡ quan hệ sẽ không mang lại nhiều lợi ích. Ngay cả các nhà đầu tư cũng sẽ nhìn vào sự làm việc hiệu quả của nhóm để quyết định có đầu tư hay không. Có liên kết tốt ngay trong nhóm, thì mới có thể liên kết được với cộng đồng.”

SLUSH được tổ chức tại thời điểm thời tiết… u tối và ảm đạm nhất của đất nước gần cực Bắc địa cầu, hóa ra lại có lý do. Các nhà tổ chức SLUSH hy vọng sự kiện thu hút đổi mới sáng tạo và đầu tư này có thể tạo nên cộng đồng làm bừng sáng thành phố. Chính sự kiện này đã tạo ra một cộng đồng thúc đẩy sáng tạo trong suốt 11 tháng còn lại của Helsinki, thành phố khởi nghiệp hàng đầu châu Âu. “Và nó cũng làm bừng lên lòng khát khao được tiếp tục học hỏi về khởi nghiệp trong lòng tôi,” Dung nói.

Tốt nghiệp cử nhân Thương mại (chuyên ngành Quản trị và Kế toán) tại Trường Đại học Melbourne (thành phố Melbourne, Úc) vào năm 2014, Lý Phương Dung trở về Đà Nẵng, làm việc tại Phòng Quản lý thương mại thuộc Sở Công thương. Năm 2016, Phương Dung tham gia nhóm khởi nghiệp Minh Hồng để hỗ trợ chị Trịnh Thị Hồng (trú quận Liên Chiểu - sáng lập viên dự án) kỹ năng ngoại ngữ, xây dựng mô hình kinh doanh, thuyết trình sản phẩm... Phương Dung đại diện cho dự án Minh Hồng tham gia Hội nghị và Triển lãm Khởi nghiệp Startup Fair 2016 tại Đà Nẵng, HATCH! Fair 2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh và gần đây nhất là SLUSH 2016 tại thủ đô Helsinki, Phần Lan.

SLUSH là một sự kiện khởi nghiệp và công nghệ hàng đầu thế giới, tại đây các doanh nghiệp khởi nghiệp và tài năng công nghệ sẽ được gặp gỡ những nhà đầu tư hàng đầu, lãnh đạo tập đoàn quốc tế lớn.

Thời gian gần đây, phong trào SLUSH đã lan tỏa tới khu vực Đông Nam Á với sự kiện đầu tiên là SLUSH  Singapore vào tháng 9-2016. SLUSH 2016 đã kết nối khởi nghiệp toàn cầu, thu hút một cộng đồng hơn 40.000 người từ hơn 120 nước và xây dựng mạng lưới 2.000 tình nguyện viên là những bạn trẻ muốn thay đổi thế giới thông qua hợp tác phát triển xuyên biên giới.

KHANG NINH

.