Đà Nẵng cuối tuần

Lấy đạo nhà làm gốc

07:02, 12/03/2017 (GMT+7)

Một buổi sáng thật trong trẻo, bên chiếc tủ sách nhỏ ánh màu thời gian, có hai mái đầu già trẻ đang bàn luận về bài học làm người từ trang sách xưa… Một hình ảnh hôm nay trở nên “khan hiếm”: cụ ông 86 tuổi Nguyễn Đức Huẩn (Bốn Huẩn) và cô cháu gái Nguyễn Thị Lựu, sinh viên năm 3 ngành Du lịch, đang học đại học ở Huế, vừa được nghỉ mấy ngày về nhà thăm ngoại tại thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang.

Bàn luận về bài học làm người cho con cháu từ trang sách xưa. TRONG ẢNH: Ông Bốn Huẩn chỉ dạy cháu ngoại tại thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang)Ảnh: N.H
Bàn luận về bài học làm người cho con cháu từ trang sách xưa. TRONG ẢNH: Ông Bốn Huẩn chỉ dạy cháu ngoại tại thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang)Ảnh: N.H

Khi cuộc sống sau lũy tre làng của vùng thuần nông Hòa Vang khoác lên chiếc áo hiện đại hơn thì cũng là lúc các mối quan hệ gia đình có nhiều dấu vết đứt gãy. Hình mẫu gia đình kiểu “Tứ đại đồng đường” ngày xưa giờ trở thành của hiếm.

Do nhu cầu công việc mưu sinh, con cái ở riêng hoặc ở xa, có lắm lúc ở cùng nhà nhưng cả ngày không gặp mặt. Hầu như thời gian giành cho hai bên nội ngoại, tộc họ thật hiếm hoi. Rồi quan điểm giáo dục con cháu cũng khác nhau nên ông bà nhiều trở thành khách “ở trọ” trong chính ngôi nhà của mình… Vì vậy, việc gìn giữ một mái ấm gia đình có trên có dưới, con cái, cháu chắt đề huề thuận thảo luôn là trăn trở của nhiều người.

Không con đàn cháu đống như nhiều gia đình khác ở vùng quê Dương Lâm, ông bà Bốn Huẩn chỉ có một cô con gái duy nhất với hai cháu ngoại. Đứa cháu lớn được ăn học ra trường đi làm kế toán cho một trường học, đứa nhỏ là Nguyễn Thị Lựu. Cả hai từ nhỏ sống trong tình yêu thương của ông bà ngoại, được ông dạy bày từ cách ăn, cách nói cho đến cách sống như thế nào cho đúng nếp nhà.

Gia tài quý nhất được ông Huẩn nâng niu cất giữ là cái tủ sách nhỏ, nhưng có nhiều sách giá trị. Như cuốn Việt Nam sử lược, Kinh Dịch,... đặc biệt là cuốn Minh tâm Bảo giám (Gương báu soi sáng lòng), do tác giả Tạ Thanh Bạch dịch chú, NXB Văn học, 1998.

Đây là cuốn sách dạy học làm người, giới thiệu 178 bài có chân giá trị trên căn bản tu thân, xử thế, được lưu truyền suốt ngàn năm ở Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong cái buổi sáng trong trẻo của miền quê Dương Lâm đó, ông giở tìm trang sách cũ, rồi đọc câu châm ngôn mà ông tâm đắc nhất trong cuộc đời mình: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác).

Ông Huẩn kể rằng, nếp nhà ông xưa nay vẫn chú trọng dạy dỗ con cháu lấy đạo nhà làm gốc. Chuyện gìn giữ những cuốn sách xưa để dạy dỗ con cháu đạo làm người là chuyện thường ngày của gia đình ông. Ông và ông Dương Tấn Hưng, nguyên Trưởng đài Truyền thanh Hòa Phong là anh em cọc chèo.

Lúc ông Hưng còn sống, cuối tuần thường đưa vợ đến thăm nhà ông Bốn Huẩn. Hai bà nói chuyện làng trên xóm dưới, chuyện con cái, bếp núc với nhau; còn hai ông thì đàm đạo chuyện sách vở thánh hiền, rất tâm đầu ý hợp.

Mấy đứa cháu ngoại ông Huẩn ban đầu chưa hiểu gì, dần dà thì cái đạo của người xưa thấm vào tâm hồn con trẻ. Hàng xóm láng giềng của hai ông cũng “lây” cái cách sống nền nếp, trong sáng, thanh nhàn, của hai ông. Một cuộc sống giản dị, có sự cân bằng trong tâm hồn như gia đình ông bốn Huẩn như  một gam màu hạnh phúc nhẹ nhàng và ấm áp.

NHƯ HẠNH

.