Đà Nẵng cuối tuần
Thang giá trị văn hóa khác ở nông thôn
Đặc trưng cơ bản của gia đình ở huyện Hòa Vang hiện nay là đời sống kinh tế chưa cao, nhiều thế hệ cùng chung sống, còn phảng phất nét văn hóa gia đình truyền thống Việt Nam...
Tuyên dương các gia đình văn hóa thôn Phú Hòa 1, xã Hòa Nhơn. (Ảnh do đơn vị cung cấp) |
Nói về những điểm khác biệt về gia đình giữa nông thôn so với thành thị, ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin (VH-TT) huyện Hòa Vang, phân tích rằng đây là địa bàn nông nghiệp, nông thôn nên vẫn còn mang đậm đặc trưng của gia đình truyền thống Việt Nam. Sau lũy tre làng, văn hóa gia đình được giữ gìn và bảo lưu tốt. Do có nhiều thế hệ cùng chung sống nên các thành viên có sự tiếp xúc thường xuyên, có nhiều thời gian để dành cho nhau sự quan tâm, chăm sóc.
Gia đình nhiều thế hệ có nhiều mặt tích cực nhưng cũng tồn tại không ít hạn chế. Do hoàn cảnh lịch sử khác biệt nên quan điểm của các thế hệ cũng không tương đồng dẫn đến xung đột nhau trong một số trường hợp; ví dụ như việc chăm sóc, dạy bảo trẻ nhỏ; việc đi đứng, tham gia vào các nhóm xã hội của con cháu… Có nhiều trường hợp bất đồng không giải quyết được nên con cái, sau khi lập gia đình, dọn ra ở riêng.
Ở nông thôn, sự cố kết giữa các gia đình trong cùng họ tộc đã tạo nên một giềng mối nhân luân bền chặt, ai cũng hướng đến một lối sống đạo đức. Rộng hơn, sự cố kết giữa các họ tộc trong cùng một đơn vị hành chính cố hữu là làng, từ bao đời nay như những hòn đá tảng góp phần làm nên con đê chắn giữ những tác động ngoại lai làm xói mòn văn hóa truyền thống.
Xã Hòa Phong có 2 đình làng được xếp hạng di tích quốc gia: đình Túy Loan và đình Bồ Bản. Các lễ hội mở ra ở đình – lễ trang nghiêm, hội sôi nổi – là dịp để nam phụ lão ấu các họ tộc quay về với truyền thống văn hóa làng, soi mình vào những giá trị luân lý đạo đức cha ông truyền lại để sống với nhau ngày một tốt đẹp hơn.
Chị Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết, mỗi khi về dự các hội làng ở Hòa Phong quê mình là cảm thấy như được sống lại những ngày thơ bé cũ. Làng quê ấm áp nghĩa tình, dẫu có đi xa nơi đâu vẫn khó thể nguôi quên. Người ta ra phố sống, làm việc, nhưng mỗi khi làng quê có hoạt động gì là sốt sắng quay về tham gia với tâm thế một người con của quê hương bản quán. Có khi làng xưa giờ đã không còn nguyên vẹn nhưng những giá trị văn hóa nghìn đời thì vẫn còn bàng bạc đâu đó. Ví như làng Túy Loan, về hành chính giờ đã chia tách thành 4 thôn nhưng vẫn một hội làng duy nhất, giềng mối văn hóa làng vì thế mà luôn bền chặt.
Nói thế không có nghĩa là người dân nông thôn ngày nay cứ khư khư níu giữ những lề xưa thói cũ. Hòa Vang trên đường xây dựng nông thôn mới đã vạch ra cho mình những tiêu chí về nếp sống văn hóa, văn minh phù hợp với môi trường, phong tục tập quán địa phương.
Ví như ở xã Hòa Nhơn, ông Đồng Đắc Chanh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã cho hay, hiện cả 15 thôn trong xã đều đã có quy ước và cơ bản đã triển khai thực hiện rồi. Tuy nhiên, một số nội dung của quy ước chưa sát với văn bản pháp luật, cần phải điều chỉnh, như trong thực hiện văn hóa về việc tang cần phải đưa vào nội dung bỏ các hủ tục như đãi đằng, rải vàng mã,... Bộ tiêu chí xây dựng Gia đình văn hóa (GĐVH) cũng gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, như: không xả nước ra đường, không xây chuồng trại chăn nuôi hay phơi phóng quần áo trước nhà, giữ vệ sinh môi trường,... Thôn Phú Hòa 1, Ban Công tác Mặt trận phối hợp với Chi hội Phụ nữ tổ chức phân loại rác thải ngay tại các hộ gia đình. Các loại chai, bao sau khi phân loại được đem bán, lấy tiền mua 353 giỏ nhựa tặng cho mỗi hộ để đi chợ thay cho túi ni-lông.
Phong trào xây dựng GĐVH được huyện Hòa Vang triển khai thực hiện từ năm 1995 đến nay. Theo lãnh đạo Phòng VH-TT huyện Hòa Vang, gần 80% tiêu chí của phong trào trùng với Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nên kết quả thực hiện phong trào những năm qua đã trở thành nền tảng giúp huyện Hòa Vang hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trước thời hạn.
Năm 2016, xã Hòa Phong có 3.569/4.279 hộ được công nhận GĐVH. Đến Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 18-11 hằng năm, xã tổ chức họp ký kết xây dựng GĐVH, hộ dân giữ một bản, xã giữ một bản. Đến ngày 18-11 năm sau tổng kết, xét duyệt, công nhận. Những gia đình nào ít tham gia hội họp, không tham gia phong trào ở địa phương, không đóng góp nghĩa vụ hoặc nặng hơn là sống không thuận hòa với xóm làng,... sẽ không được công nhận GĐVH và Ban quân dân chính thôn sẽ nêu lý do cụ thể tại buổi họp bình xét để mọi người “tâm phục khẩu phục”.
Đời sống gia đình ở nông thôn Hòa Vang có một thang giá trị văn hóa khác so với nội thành, song tựu trung tất cả đều hướng đến một Đà Nẵng văn hóa, văn minh, an bình, đáng sống.
“Những khó khăn về kinh tế và hạn chế trong quan niệm, nhận thức là một rào cản trong công tác xây dựng gia đình hiện nay ở Hòa Vang: - Mặt bằng chung về kinh tế còn thấp nên việc nâng cao chất lượng bữa ăn gia đình, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng cho trẻ em cũng thấp tương ứng. Hiện nay, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở Hòa Vang vẫn cao hơn so với các quận của thành phố. Bên cạnh đó, nhiều gia đình vì khó khăn, bế tắc về kinh tế dẫn đến bất hòa, thậm chí xung đột không thể hòa giải dẫn đến ly hôn. - Ở nhiều gia đình vẫn còn nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ nên quyền của bà mẹ và trẻ em gái không được bảo đảm; các ưu đãi thường chỉ dành cho con trai trong gia đình. - Mặt bằng chung về dân trí và nhận thức pháp luật còn hạn chế nên cũng dẫn đến những vụ bạo lực gia đình đáng tiếc...” Trưởng phòng VH-TT huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân |
VĂN THÀNH LÊ