Đà Nẵng cuối tuần
Sáng tạo với tăm tre
Đến quán cà-phê Souvenir (đường Bạch Đằng), giữa những món quà lưu niệm được bày bán ở đây, nhiều du khách không khỏi tần ngần đứng ngắm mô hình những cây cầu bắc ngang sông Hàn thu nhỏ được làm bằng nguyên liệu tăm tre. Những sản phẩm này được làm từ đôi bàn tay khéo léo của anh Hứa Văn Minh, ở phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà.
Để làm ra một sản phẩm anh Minh cần rất nhiều thời gian, sự tỉ mỉ và kiên trì bởi mỗi sản phẩm là cả hàng trăm chi tiết khác nhau. Ảnh: N.H |
Từ cây tre, một nguyên liệu rất dân dã, anh Minh đã biến thành hình cầu Rồng, cầu Sông Hàn, cầu Trần Thị Lý, cầu vượt ngã ba Huế hay tòa nhà Trung tâm hành chính… theo chân du khách đi khắp mọi nơi, vượt cả ra ngoài biên giới Việt Nam. So với nhiều món quà lưu niệm khác, những cây cầu được làm bằng nguyên liệu này trông khá to, nhưng vẫn gọn, nhẹ, tính thẩm mỹ cao.
Hứa Văn Minh vốn là kỹ sư cầu đường, suốt ngày rong ruổi với các công trình, năm 2015 anh rẽ sang làm quen với mây tre và mày mò làm các sản phẩm mình yêu thích. “Lúc đầu cũng chỉ là làm chơi, tặng cho bạn bè nhưng sau được mọi người nhận xét đẹp, có tính thẩm mỹ nên mình bắt đầu nghiêm túc hoàn thiện các sản phẩm”, Minh chia sẻ. Nhận thấy du lịch Đà Nẵng đang rất phát triển trong đó mảng quà tặng có nhiều tiềm năng nên Minh tập trung vào yếu tố này.
Theo Minh, để làm ra một sản phẩm thủ công cần rất nhiều thời gian vì đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác. Ngay cả khâu lựa chọn và xử lý nguyên liệu cũng là một vấn đề. Để sản phẩm có độ bền, tránh mối mọt, Minh luộc nguyên liệu trong nước sôi sau đó phơi cho khô rồi mới bắt đầu chế tác. Một sản phẩm hoàn thiện có khi cần tới hàng trăm chi tiết, với hàng ngàn tăm tre lớn, nhỏ ở các kích cỡ khác nhau nên cần sự kiên trì, tỉ mỉ. Sau hơn 2 năm, gia tài của Minh là khoảng 40-50 sản phẩm gồm hình ảnh các cây cầu ở Đà Nẵng, hình ảnh chùa Cầu (Hội An), chùa Một Cột (Hà Nội)…
Lúc đầu các sản phẩm Minh làm ra chủ yếu giới thiệu trên trang cá nhân tới bạn bè, ai thích thì đặt làm. Sau này Minh ký gửi sản phẩm ở Souvenir. Vì đây là các sản phẩm làm hoàn toàn bằng thủ công, nên một tháng Minh làm được khoảng 10-15 món. Việc cắt, dán để hình thành nên sản phẩm không hề dễ, nhất là mô hình chiếc tháp Effel (Paris) với hàng trăm chi tiết Minh làm gần nửa tháng, Minh cũng ấp ủ dự định sẽ làm mô hình những kỳ quan thế giới nhưng hiện tại đang tập trung làm những sản phẩm du khách yêu thích. Anh bảo, mỗi khi hoàn thiện một mô hình hay thấy sản phẩm được du khách chào đón và theo chân khách đi khắp nơi, anh cảm thấy rất vui và hồ hởi, có động lực để tiếp tục công việc, nhất là khi những mô hình của Minh khác biệt với nhiều sản phẩm có trên thị trường.
Hứa Văn Minh cho biết, dù Đà Nẵng có rất nhiều khách sạn có thể ký gửi sản phẩm nhưng anh chưa tính đến vì chưa có kết nối chắc chắn đảm bảo đầu ra, mặt khác một mình Minh không thể đáp ứng được khối lượng sản phẩm lớn. Anh dự kiến sau này có được thị trường khách ổn định, Minh sẽ chia sẻ với những người khuyết tật về công việc này để họ có thể làm và kiếm thêm thu nhập.
NHẬT HẠ