Đà Nẵng cuối tuần
Giao thương giữa các tiểu quốc Champa và đế chế Khmer
Trong những thế kỷ từ thứ 8 đến 13, [các] vương quốc Champa đã trở nên thịnh vượng khi có mối quan hệ thương mại với các thương nhân Ả Rập cũng như với thời Đường và Tống của Trung Hoa, và đặc biệt, với các tiểu vương quốc lân cận ở vùng Campuchia và Lào ngày nay.
Những mối quan hệ này được đề cập đến trong nhiều sử liệu của Việt Nam, Ả Rập, Trung Hoa cũng như trong văn bia của Champa.
Hệ quả của những mối quan hệ kinh tế này đã mang đến cho Champa những xu hướng mới trong kỹ thuật xây dựng đền-tháp cũng như điêu khắc thông qua sự trao đổi nghệ thuật với các nghệ nhân trong vùng, điều đó có thể thấy rõ trên các công trình nghệ thuật tôn giáo của Champa tồn tại ở miền Trung Việt Nam.
Ngôi đền gạch Prasat Ta-nang, tỉnh Rattanakiri, Campuchia, thế kỷ VIII-IX. Ảnh: T.K.P |
Phát hiện mới về khảo cổ học ở vùng đông-bắc Campuchia
Những tác phẩm Khmer mới được phát hiện nhằm minh chứng cho mối tương tác nghệ thuật trong vùng giữa Champa với thời Tiền Angkor và Angkor của vương quốc Khmer bằng cách phục dựng và tìm hiểu về vai trò quan trọng của con đường bộ trong mối tương tác kinh tế và văn hóa dựa vào những phát hiện mới về khảo cổ học dọc theo sông Sê-kông ở Nam Lào, đông bắc Campuchia, và Tây Nguyên.
Gần đây, các nhà nghiên cứu đang không ngừng phát hiện nhiều chứng cứ khoa học mới, nhằm cung cấp thêm thông tin về mối quan hệ giữa các vương quốc cổ hầu bổ sung kiến thức để tìm hiểu lịch sử trong vùng. Những khám phá mới này góp phần tích cực để tìm hiểu về quá trình quan hệ giữa đế chế Khmer và [các] vương quốc Champa.
Rất nhiều thông tin được ghi nhận qua các cuộc khai quật và nghiên cứu các di chỉ khảo cổ học trong vùng; chúng đã giúp các nhà nghiên cứu nhận định lại mối quan hệ giữa đế chế Khmer và [các] vương quốc Champa, mà trong đó, yếu tố địa lý tự nhiên và sự năng động của các cộng đồng cư dân sinh sống tại đây đã đóng vai trò rất quan trọng.
Căn cứ vào mật độ phân bố dày đặc của những di tích kiến trúc tôn giáo mới được phát hiện tại tỉnh Attapue (Nam Lào), cùng với hệ thống các di chỉ khảo cổ khác được phát hiện ở tỉnh Stueng Treng và Ratanakiri ở đông bắc Campuchia, chúng đã chứng minh một mối quan hệ khắng khít về kinh tế và văn hóa-nghệ thuật ở lưu vực vùng hạ sông Mê-kông.
Mạng lưới sông ngòi của những dòng sông lớn gồm Mê-kông, Sê-kông, Sê-san và Srê-pok là hệ thống đường thủy giữ vai trò quan trọng trong quá trình hình thành lịch sử ở khu vực này từ khoảng thế kỷ thứ 8 hoặc sớm hơn.
Những con sông này có tầm ảnh hưởng rất lớn, chẳng hạn: Phân bổ nguồn lực, khai thác và sản xuất tài nguyên; thiết lập mạng lưới giao thương; giữ vai trò chủ đạo trong quá trình trao đổi kinh tế và văn hóa; phát triển mạng lưới xã hội. Nhìn chung, chúng không chỉ giúp các nhà khoa học định hướng sự hiểu biết về quá trình tiếp xúc giữa đế chế Khmer và [các] vương quốc Champa; mà còn giữ vai trò tích cực để tìm hiểu về sự hình thành cơ tầng kinh tế-xã hội vào thời điểm đó.
Xét về mặt cảnh quan văn hóa, vùng đông bắc Campuchia từ tỉnh Stueng Treng đến Ratanakiri và xa hơn về phía đông, vùng này có thể kết nối với Tây Nguyên. Địa hình có đặc điểm là cao nguyên đất đỏ bazan rộng, kết nối với nhau thông qua các ngọn đèo thấp, chính hệ thống giao thông thuận tiện này đã giúp kết nối các tộc người nói tiếng Môn-Khmer ở cao nguyên với các khu vực đồng bằng của người Chăm định cư dọc theo bờ biển phía đông và rồi liên kết với hệ thống hải thương quốc tế. Đặc biệt, vùng cao nguyên và miền núi này là khu vực rất giàu tài nguyên rừng để cung cấp và trao đổi sản phẩm với vùng duyên hải.
Bản đồ mạng lưới giao thương đường bộ dựa trên các di tích khảo cổ học và dân tộc học.(Thiết kế Trần Kỳ Phương) |
Không gian giao thương kéo dài từ miền xuôi lên đến miền ngược
Quá trình trao đổi hàng hóa đã diễn ra trong mối tương quan với điều kiện môi trường thiên nhiên, nó mang đến nguồn lợi kinh tế thiết yếu cho các cộng đồng cư dân sinh sống ở miền núi và các vùng lân cận, không gian giao thương kéo dài từ miền xuôi lên đến miền ngược.
Các tuyến đường này được kết nối thông qua bản làng (mường) của các sắc tộc thiểu số, để từ đó hình thành “con đường hoàng gia” kết nối đế chế Khmer và [các] vương quốc Champa. Dựa trên những nghiên cứu mới, các học giả đưa ra những luận cứ thuyết phục để chứng minh nhiều nhóm sắc tộc thiểu số đã tham gia tích cực vào hệ thống giao thương đường bộ và đã tạo nên mối tương tác văn hóa giữa các sắc tộc nói tiếng Nam Đảo-Chàm với các sắc tộc nói tiếng Môn-Khmer.
Tỉnh Stueng Treng có thể xem là trung tâm kết nối vùng đông bắc Campuchia với Tây Nguyên của Việt Nam qua hệ thống sông Sê-san; mà trong đó, cộng đồng người Jarai-thuộc ngữ hệ Nam Đảo (Austronesian) đã giữ vai trò trung gian. Người Jarai, có hai vị vua huyền thoại là Vua Lửa/Hỏa Xá (Patau Apui) và Vua Nước/Thủy Xá (Patau Ia); cho đến đầu thế kỷ 17, hằng năm hai vị vua này đều được các quốc vương Khmer gửi sứ giả sang triều cống.
Theo nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi, các vị vua huyền thoại của người Jarai chính là các thủ lĩnh cầm đầu các liên minh bộ lạc, tạo sức mạnh liên kết trong các cuộc chiến tranh ngắn hạn đồng thời nhằm kiểm soát mạng lưới giao thương đường dài từ duyên hải miền Trung lên đến vùng nội địa đông-bắc Campuchia.
Gần đây một chứng cứ sinh động mới được phát hiện để chứng minh cho sự tồn tại của con đường giao thương trọng yếu này, đó là sự khám phá một ngôi đền gạch tên là Prasat Ta-nang (Yeak Naang) tọa lạc trong một ngôi làng của dân tộc Jarai gọi là Dor Touch, thuộc huyện Ô-ya-đao, tỉnh Rattanakiri.
Ngôi đền này là cơ sở vững chắc để chứng minh sự kết nối mang tính lịch sử của mối quan hệ kinh tế-văn hóa giữa vùng Stueng Treng/Rattanakiri với Tây Nguyên. Ngôi đền gạch này nằm bên bờ một con sông nhỏ tên là Ô-tang, cách biên giới Campuchia và Việt Nam chỉ khoảng 10km.
Nó bị rừng cây phủ kín cho đến khi được phát hiện vào năm 2009. Khi chúng tôi đến khảo sát tại đây vào tháng 3-2014, đã chứng kiến nhiều khối gỗ lớn bị đốt cháy dang dở nằm vung vãi trong khu vực đền.
Về mặt lịch sử, ngôi đền Prasat Ta-nang cho biết nơi đây đã từng tồn tại một trung tâm thương mại quy mô để trao đổi hàng hóa cho toàn khu vực. Ngôi đền Prasat Ta-nang, là một trung tâm tôn giáo, là nơi hành hương để các thương nhân đến đây cầu nguyện và cúng lễ cho các vị thần cầu mong được sự hộ trì trên lộ trình giao thương đầy nguy hiểm. Ngôi đền cũng là một biểu tượng cho sức mạnh và uy thế của vị lãnh chúa địa phương trong việc kiểm soát các tuyến đường thương mại trong vùng.
Cho đến thời điểm hiện nay, đây là di tích duy nhất minh chứng một cách sống động cho sự tồn tại của mạng lưới giao thương kết nối từ đồng bằng lên vùng cao ở Đông Nam Á lục địa, được xác minh vào khoảng đầu thế kỷ thứ 8 cho đến thế kỷ thứ 9.
Nhìn vào bản đồ mô phỏng các tuyến đường thương mại có từ thời cổ đại, giữ vai trò kết nối các trung tâm chính trị và thương mại ở Đông Nam Á lục địa, chúng ta thấy rõ chúng là những tuyến đường đã kết nối giữa đế chế Khmer với [các] vương quốc Champa. Bản đồ này bộc lộ sự năng động và thể hiện tính tương tác giữa các nền văn hóa khác nhau; giữa các nhóm ngôn ngữ khác nhau qua nhiều thế kỷ; thay vì mang tính khu biệt trong từng vị trí địa lý riêng rẻ hoặc trong các khu định cư biệt lập theo những nhận định trước đây.
TRẦN KỲ PHƯƠNG