Đà Nẵng cuối tuần

Nghĩ

Đụng đâu cũng "yêu" trẻ

07:46, 09/04/2017 (GMT+7)

Mỗi ngày, chúng ta lại nghe nhiều hơn những câu chuyện trẻ em bị lạm dụng tình dục, trong đó có những bé chỉ mới 4 - 5 tuổi khiến bao người có cảm giác tuổi thơ của các bé sao đầy rủi ro, dù cha mẹ có cố bao bọc con đến cỡ nào.

Người lạm dụng tình dục những đứa trẻ còn thơm mùi sữa cũng làm cha, làm chú, làm ông, nghĩa là họ cũng có con, cháu trạc tuổi này sao nỡ hành động như vậy? Họ có đau đớn không nếu con, cháu mình rơi vào tình huống tương tự? Nhưng nhìn lại bao nhiêu vụ cha ruột rồi đến cả ông nội “bắt tay” lạm dụng con, cháu của chính họ, thì không ai còn muốn đặt ra một câu hỏi nào khác ngoài sự căm phẫn trong bất lực.

Người ta nói lạm dụng tình dục trẻ em là tội ác, im lặng cũng là tội ác. Nghĩa là biết chuyện trẻ bị xâm hại mà không lên tiếng đấu tranh cho các bé là tội lỗi lớn, nhưng lên tiếng kiểu gì cho hiệu quả khi chúng ta vẫn thấy việc giải quyết, xét xử những vụ trẻ em nghi/bị lạm dụng tình dục còn đầy những “lỗ hổng” và “khoảng trống” như thừa nhận của những người có trách nhiệm và chuyên môn trong bảo vệ trẻ em.

Tại cuộc làm việc giữa Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với các cơ quan hữu quan về việc chấp hành quy định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em vào cuối tháng 3 vừa qua, các bên liên quan đã thẳng thắn cho rằng còn quá nhiều bất cập trong điều tra, xét xử các vụ trẻ em bị xâm hại tình dục. Nào là phải có bằng chứng trực tiếp, gián tiếp, phải có kết luận giám định pháp y (trung tâm giám định pháp y chỉ có ở cấp tỉnh!) và đủ thứ đòi hỏi khác, trong khi việc đánh giá, quan tâm đến tâm lý và sự khủng hoảng tinh thần của trẻ thì gần như chưa được coi trọng đúng mực ở góc độ người làm công tác điều tra lẫn những ngành liên quan như y tế.

Cũng vì thực tế này, đã có biết bao bà mẹ đi đòi công lý cho con trong khổ đau, vô vọng khi “chưa đủ chứng cớ”. Họ hết lần này đến lần khác đứt ruột mô tả lại cảnh con mình bị xâm hại cho các “cơ quan chức năng” thấu hiểu nhưng dường như điều đó vẫn là chưa đủ. Tháng 4-2016, một bà mẹ tìm đến Báo Đà Nẵng kêu cứu cho đứa con gái của mình bị cha ruột lạm dụng sau khi chị đã gõ cửa khắp nơi. Đến đâu chị cũng gặp khó chỉ vì “chưa đủ bằng chứng theo quy định của pháp luật”! Phóng viên Báo Đà Nẵng đã vào cuộc cùng chị trên hành trình gian nan này, kể cả tìm luật sư hỗ trợ mẹ con chị miễn phí. Thế nhưng, đổi lại cho những nỗ lực ấy không phải là chút “ánh sáng cuối đường hầm” mà là sự “biến mất” không rõ nguyên do của mẹ con chị. Không biết vì quá mỏi mệt, vì càng kêu cứu càng không giải quyết được gì hay vì một lý do nào khác mà cả phóng viên và luật sư sau đó đều không thể liên lạc được với chị. Không người mẹ bình thường nào lại đi “dựng chuyện” như vậy về đứa con gái mới 7 tuổi của mình, thế thì vì sao chị lại không tiếp tục đấu tranh cho sự thật? Im lặng là tội ác hay im lặng là cách giải thoát với mẹ con chị trong hoàn cảnh này?

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thống kê năm 2016 cả nước có 1.211 trẻ em bị xâm hại. Còn Bộ Y tế cho biết mỗi năm giám định khoảng 2.000 vụ xâm hại, trong đó trẻ vị thành niên chiếm 1/3. Dù đó đã là thực trạng quá nhức nhối nhưng các cơ quan này vẫn khẳng định con số trên chưa… chính xác. Số thực lớn hơn nhiều do bị hại và gia đình họ chưa thể nói ra.

Thôi thì cứ tự bảo vệ con mình bằng cách dạy con biết tự bảo vệ bản thân. Mỗi ngày tắm cho con, tôi lại ra rả màn hỏi-đáp: “Người khác chạm vào chỗ này (nói tới đâu tôi chỉ tay tới đó) thì sao?” – “Con không cho và về méc mẹ”, hai đứa con trai nói như hát. “Người ta hù nếu méc mẹ họ sẽ đánh con thì sao?” – “Thì con càng phải méc mẹ”, chúng lại đua nhau nói. Cứ thế đến khi mẹ chỉ cần mào đầu màn hỏi là hai thằng đáp rổn rảng. Con thuộc bài mẹ cũng chẳng vì thế vui, bởi cái tuổi ấy lẽ ra chỉ có yêu thương và sự trong sáng soi chiếu tâm hồn con thì con lại phải nhai đi nhai lại bài học đề phòng và cách nhận biết cái ác.

Một ngày đưa con ra đường. Trong lúc mẹ mải mê lo chuyện riêng, hai thằng vô tư trêu đùa với một người đàn ông lớn tuổi không quen biết đứng bên cạnh. Người đàn ông có ý định trêu tay vào “chim” của con khiến hai thằng… hí hửng cười toe toét! Thấy người ta cưng nựng mình, cu cậu khoái chí, chỉ có mẹ nhảy đứng phản ứng kịch liệt bất kể người khác có cảm thấy mẹ quá đáng hay không. Khổ, hóa ra lời mẹ dạy chỉ được thuộc trong phòng tắm nhà mình!

Nựng trẻ con kiểu này hình như không có gì sai ở mình thì phải?! Thấy trẻ con, người lớn chẳng cần quen hay lạ cứ thế thoải mái bẹo má, ôm hôn, thậm chí véo vào “chỗ kín” của trẻ như cách thể hiện tình yêu thương. Hình như chẳng mấy người cho rằng hành động của mình là một kiểu xâm phạm thân thể trẻ em, chẳng mấy ai nghĩ trêu đùa và lạm dụng trong hoàn cảnh này chỉ khác nhau về tên gọi. Có lẽ vì vậy nên khi nghe thông tin một nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam phải ngồi tù 9 tháng ở Mỹ vì tội ấu dâm, không ít người bất ngờ trước sự cứng rắn của pháp luật nước này. Tuy nhiên, nếu biết rằng ở Mỹ, các hành động tắm chung, ngủ chung, các tiếp xúc thân thể, âu yếm cơ thể trẻ, sờ, nghịch bộ phận sinh dục trẻ có thể bị quy vào tội lạm dụng tình dục thì mọi người sẽ không còn ngạc nhiên với mức phạt dành cho nghệ sĩ này. Cái đáng để bất ngờ chính là quyền trẻ em và sự riêng tư của trẻ cho đến nay ta vẫn còn mơ hồ và lạ lẫm, nên những chuyện “véo” chỗ này, “thơm” chỗ kia trên thân thể trẻ đều được quy vào “văn hóa yêu thương”.

Dạy con biết tự bảo vệ mình vẫn không đủ nếu người lớn không được giáo dục về tôn trọng quyền và sự riêng tư của trẻ. Tôi nhớ bản thân mình từ nhỏ đến lớn chưa từng được học về việc chạm vào những chỗ nào của trẻ thì bị xử lý như thế nào. Từ mình, tôi suy ra nhiều người lớn khác. Từ chỗ không biết, nhiều người “lạm dụng” trẻ mà cứ ngỡ yêu thương. Nhiều người đang bị “lạm dụng” cứ ngỡ bình thường…

CHÍCH BÔNG

.