Cửa sổ tri thức
Chợ Yếm Lụa, chợ Đuổi ở Hà Nội xưa
* Ngày xưa phụ nữ Việt mặc áo yếm, tôi nghe nói ở Hà Nội từng có một chợ chuyên doanh yếm lụa. Chợ này ở đâu và hình thành như thế nào? Hà Nội còn có chợ Đuổi, xin cho hỏi có phải là do từ chợ Đũi (loại hàng dệt bằng tơ gốc) đọc trại ra? (Hoàng Mỹ Anh, Hải Châu, Đà Nẵng).
Ảnh minh họa |
- “Ước gì sông hẹp một gang/ Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”. Câu ca cổ phác họa hình ảnh nên thơ của chiếc yếm và nói lên vai trò quan trọng của nó trong đời sống phụ nữ Việt xưa. Thường thì mỗi lứa tuổi chọn một loại yếm riêng. Các cô gái trẻ thích nhuộm màu hoa đào làm đỏm; các phu nhân, mệnh phụ lại dùng màu điều đỏ thắm để tỏ cái vẻ đoan trang chững chạc.
Ngày đó phụ nữ toàn mặc yếm chứ không dùng các loại áo ngực như bây giờ; vì thế, việc hình thành một chợ chuyên doanh mặt hàng nội y đặc biệt của phụ nữ này là điều tất yếu. Bài viết “Phường bán yếm lụa Hàng Đào xưa” đăng trên danviet.vn (Báo điện tử của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) ngày 5-2-2013 cung cấp nhiều thông tin thú vị chung quanh loại chợ độc đáo này.
Theo đó, tháng 4-2000, đình Đồng Lạc số 38 Hàng Đào, Hà Nội, được tôn tạo. Vật thể quan trọng nhất còn lại của ngôi đình cổ này là một tấm văn bia gắn trên tường bên phải gần điện thờ trên tầng hai. “Trăm năm bia đá cũng mòn”, tấm văn bia dầu dãi nắng mưa rất khó đọc, tuy thế GS Trần Quốc Vượng khi còn sinh tiền vẫn đọc được bốn chữ “Quyến yếm thị đình” (Đình của chợ bán yếm lụa).
Người soạn văn bia là ông Phạm Đình Hoãn, cử nhân, quê ở phủ Khoái Châu, Hưng Yên. Đình này được lập ra từ thời Hậu Lê. Cũng theo GS Trần Quốc Vượng, văn bia đã cho hay: Đình Đồng Lạc, được sáng lập từ thời Hậu Lê do ông Nguyễn Công Trung và bà Nguyễn Thị Từ dựng lên đầu tiên và đã từng bị hỏa hoạn trước năm 1856.
Có thể hình dung ra một nửa phần đầu của phố Hàng Đào xưa là một chợ bán yếm lụa to nhất, nhộn nhịp, đông đúc người bán mua nhất ở Thăng Long. Thứ yếm dệt từ chất liệu tơ tằm được ưa chuộng bởi khi mặc người ta cảm thấy vừa dễ chịu thoải mái, lại vừa kín đáo. Vì thế, chợ Yếm Lụa một thời là nơi lui tới của một nửa thế giới.
Về phố Chợ Đuổi ở Hà Nội ngày trước, tên gọi này không phải do đọc trại từ chợ Đũi (chợ bán một loại lụa tơ tằm, chất liệu hơi giống bố nhưng mềm và mịn hơn) mà có một nguồn gốc khác.
Theo bài viết “Khảo cứu chợ Việt xưa” đăng trên 36phophuong.vn, chợ ở Đông Kinh - Kẻ Chợ (các tên gọi khác của Hà Nội) xưa thường họp từ 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều, có chợ kéo dài đến 5 giờ chiều. Thời gian họp chợ chốn kinh thành dài hơn chợ nông thôn, thường từ sáng sớm 5 giờ sáng cho tới 16 - 17 giờ. Song ở Kẻ Chợ còn có các loại chợ họp theo những giờ đặc biệt, đó là chợ Hôm chuyên họp lúc chiều tối ở Nam Phố (phố Hàng Bè); lại có những chợ chỉ họp lúc tinh mơ như chợ Mơ vùng Hoàng Mai. Có một chợ Hôm khác ở làng Giáo phường, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương (phố Huế) vốn là một chợ nhỏ cũng chỉ họp lúc chiều hôm. Sang đầu thế kỷ XX, chợ này lớn dần chỉ thua chợ Đồng Xuân và họp suốt ngày từ sáng sớm, bởi vậy mới có câu ca dao: Chợ Đuổi họp lúc chiều tà/ Chợ Hôm họp sáng… chợ Hàng Da họp ngày!
Sau 6 giờ chiều, các ông “khán chợ” (bảo vệ chợ) đóng cổng chợ. Vì kế sinh nhai, dân chúng bèn kéo nhau về bãi cỏ làng Thể Giao... họp chợ tiếp. Và dần dần hình thành nên chợ Đuổi còn lưu tên phố cho tới ngày nay.
ĐNCT