Đà Nẵng cuối tuần
Sát thủ sân cỏ
Bốn bên khán đài đồng loạt đứng dậy, già trẻ gái trai cùng vỗ tay trong tư thế trang nghiêm, mắt hướng về trời xanh xa thẳm. Phút 71 trong trận đấu giữa đội chủ nhà Chapecoense (Brazil) và đội Atletico Nacional (Colombia), sân bóng Arena Condo (thành phố Chapeco) diễn ra phút tưởng niệm đầy xúc cảm dành cho 71 nạn nhân vụ máy bay rơi tháng 11 năm rồi. 19 cầu thủ của Chapecoense cùng 24 thành viên khác đi theo đội ngày ấy tử nạn trong hành trình đến Colombia tranh tài ở giải đấu lớn thứ nhì của bóng đá Nam Mỹ. Tất cả họ đã yên nghỉ dưới lòng đất hơn 4 tháng rồi nhưng vẫn được thương yêu, nhắc nhớ trên sân cỏ quê nhà.
Thủ môn Jackson Follmann đội Chapecoense (Brazil) ngồi trên xe lăn với chiếc chân phải bị cưa sau vụ rơi máy bay tháng 11 năm 2016, tay cầm cúp Copa Sudamericana và được đồng đội đưa ra sân. (Nguồn: baomoi.com) |
Chiến thắng 2-1 đầy chất khích lệ cho nỗ lực làm lại từ đầu của đội chủ nhà sau biến cố, góp phần xoa dịu vết thương của người còn sống. Nhưng trên tất cả là cảm xúc về phút hồi sinh của bóng đá, của cái đẹp vươn lên từ tro tàn thảm họa tai ương. Không riêng hai bàn thắng của chủ nhà, cả bàn thắng gỡ hòa của đội khách từ cú sút xa của tiền vệ Macnelly Torres cũng được cả sân vỗ tay tán thưởng nhiệt thành. Từ cầu thủ đến khán giả, từ huấn luyện viên chủ nhà lẫn quan chức đội khách, tất cả đều khẳng định rằng đây là trận đấu lớn nhất, cuộc tranh tài có một không hai trong lịch sử bóng đá, nơi cái đẹp và các giá trị nhân văn mà sân cỏ đem lại cho con người vượt khỏi bốn đường biên.
Trận bóng ở sân Arena Condo diễn ra vào lúc sân cỏ thế giới nóng lên bởi nhiều tranh luận đủ điều liên quan đến bóng đá, về cái đẹp và tính thực dụng, về tính công bằng sân cỏ qua những xử phạt từ các cơ quan điều hành, về lợi thế dành cho đội này và thua thiệt nhắm vào đội kia. Mải mê tìm lý do biện minh cho thất bại hoặc hả hê tụng ca chiến công, không ít người quên đi cái đẹp nguyên trinh mang tính cội nguồn của bóng đá, hướng đến niềm vui của con người.
Ở Anh là cuộc đối đầu lạnh lùng cay nghiệt giữa những thế lực bóng đá, tập trung vào phong độ những Chelsea, Manchester United, Arsenal với sự tranh đua kèn cựa giữa những đầu tàu trên băng ghế huấn luyện. Ở Tây Ban Nha, cuộc chiến không đội trời chung giữa Real Madrid và Barcelona càng đến cuối mùa càng căng thẳng, gay gắt với thái độ gièm pha, hiềm khích giữa các nhà lãnh đạo, giữa cầu thủ, giữa cổ động viên, trên sân bóng và tại các diễn đàn. Chuyện tương tự cũng diễn ra hằng ngày ở Đức, Ý, Pháp…
Gần hơn là sân cỏ V-League với những tranh tụng không hồi kết liên quan đến các nhà điều hành bóng đá, đến năng lực trọng tài, mới nhất là cuộc chiến giữa các ông bầu- cùng có chân trong Ban chấp hành VFF- sau sai lầm của trọng tài ở trận đấu giữa Hoàng Anh Gia Lai và Quảng Nam. Tiếng vỗ tay đầm ấm, ánh mắt ngưỡng vọng chân tình từ cái sân bóng nhỏ ở Brazil kia còn quá lẻ loi thầm kín, làm sao đủ sức lay động để nhắc nhở người ta quay về với cái đẹp.
“Chơi bóng mà không có nguồn hứng khởi, không khát khao sáng tạo vì cái đẹp thì chẳng khác nào giết chết bóng đá”. Nhận xét của một nhà phê bình sân cỏ? Không, đây chính là lời tự bạch của tuyển thủ quốc gia Pháp Hatem Ben Arfa trên tạp chí France Football. Dẫn thực tế từ cách thức cầm quân của hai huấn luyện viên Mourinho ở Manchester United và Diego Simeone ở Atletico Madrid và từ những ràng buộc trong cách chơi bóng của bản thân mình, cầu thủ đang khoác áo câu lạc bộ Paris Saint Germain này thú nhận rằng chính họ và cả chính mình đang góp phần giết chết bóng đá.
Tính thực dụng, những toan tính bên ngoài sân cỏ ngày càng thắng thế, đẩy cái đẹp đi xa. Nhưng liệu tiếng than của chàng trai Pháp và tiếng vỗ tay ở Chapeco có đủ sức lay tỉnh nhiều người?
ĐÌNH XÊ