Đà Nẵng cuối tuần

Được người dân gửi gắm niềm tin

07:47, 09/04/2017 (GMT+7)

Quận Liên Chiểu có khoảng 200.000 dân, 31.000 công nhân tạm trú, 27.000 sinh viên. Nhiều cảnh sát khu vực (CSKV) phải quản lý từ 700 đến trên 1.000 hộ dân. Tâm huyết với công việc, đề ra nhiều cách quản lý sáng tạo, giữ nếp sống gắn bó, xem trọng tình làng nghĩa xóm, các CSKV đang nỗ lực không ngừng góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, giúp cuộc sống người dân bình yên nơi cửa ngõ phía bắc thành phố.

Thượng úy Huỳnh Ngọc Tài (giữa) tại điểm tiếp dân khu vực Đa Phước, phường Hòa Khánh Bắc. Ảnh: Hồng Nghĩa
Thượng úy Huỳnh Ngọc Tài (giữa) tại điểm tiếp dân khu vực Đa Phước, phường Hòa Khánh Bắc. Ảnh: Hồng Nghĩa

Tận tụy vì dân

Chỉ vào đống giấy tờ chất trên bàn làm việc, trên tủ và xung quanh, Thượng úy Huỳnh Ngọc Tài, CSKV kiêm nhân viên tổng hợp của Công an phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu nói rằng: “Ngoài công việc chuyên môn, ở đây ai cũng phải kiêm luôn những việc khác của cơ quan, rồi đi trực, tuần tra kiểm soát, tiếp dân tại khu dân cư. Về dưới mấy tổ dân phố, anh em tụi tôi luôn được bà con thương, được mời đi ăn đám giỗ, đám cưới, về nhà mới, như thể người nhà, nên có việc gì bà con cũng a-lô mình”.

Phường Hòa Khánh Bắc có 47.000 dân, trong đó có 1.717 nhà trọ với trên 9.000 phòng trọ, 23.000 sinh viên, công nhân, người lao động tạm trú nên CSKV có rất nhiều việc phải làm. Riêng việc quản lý tạm trú tạm vắng, mỗi CSKV phải nắm trong tay khoảng 800 hộ. Do nhu cầu đăng ký tạm trú của người dân rất lớn nên từ tháng 9-2016, Công an phường triển khai 8 điểm tiếp dân tại khu dân cư, mỗi tuần có 1-2 đêm tiếp dân từ 19 giờ 30 đến 21 giờ (tiếp dân còn có tổ trưởng dân phố, CSKV và phó công an phường). Theo Thượng úy Tài, việc tiếp dân - ngoài giải quyết các thủ tục hành chính, còn là dịp để mỗi CSKV gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, lắng nghe những vấn đề về an ninh trật tự để sớm giải quyết và không để kéo dài gây phức tạp.

Với 7 tháng tiến hành cấp sổ tạm trú, đã có 515 trường hợp công nhân, sinh viên được quản lý ổn định. Đây quả thực là con số biết nói, phản ánh tinh thần, thái độ phục vụ tận tụy nhân dân của người chiến sĩ CSKV; được người dân hưởng ứng, đồng tình so với cách đăng ký truyền thống như lâu nay là phải đến trụ sở công an phường, trong khi phần lớn người ở trọ đi học, đi làm cả ngày theo giờ hành chính.
Khu vực Đa Phước, nơi Thượng úy Huỳnh Ngọc Tài phụ trách thời điểm trước 2014 xảy ra một vài vụ mất cắp xe, đồ dùng, anh phối hợp với tổ trưởng dân phố cứ buổi trưa là vào các khu vực nhà trọ đóng tấm biển cảnh báo làm bằng giấy nhựa: “Đề phòng mất xe máy”. Hành động “rung cây nhát khỉ” ấy không ngờ có hiệu quả, sau đó công an phường nâng lên thành “Nội quy nhà trọ” và phát triển ra toàn phường. 800 biển nội quy đã được lắp đặt nơi có an ninh trật tự phức tạp, tình hình trị an nhờ đó cũng ổn định hơn trước.

Đại úy Vương Đình Tuân, Phó trưởng Công an phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, người có 10 năm làm CSKV, quản lý trên 2.200 hộ dân tâm sự thật lòng: làm nghề gì cũng cần có cái tâm, đặc biệt là CSKV. “Quy định trách nhiệm của ngành giao thì phải làm. Nhưng khi trên địa bàn xảy ra nhiều vụ việc phạm pháp hình sự, như mất một cái xe đạp cũng phải để tâm xử lý cho người dân, nếu không xử lý rốt ráo dân sẽ mất niềm tin. Rồi chuyện gần gũi, gắn bó, lắng nghe tâm tư để giúp dân giải quyết vấn đề phát sinh ở khu dân cư… Nghe thì lý thuyết nhưng đúng như thế. Nếu CSKV làm việc bằng cái tâm của mình, sẽ có niềm tin yêu nơi người dân”, Đại úy Tuân tâm sự.

Ghi dấu ấn đẹp trong lòng dân

Trong 10 năm (từ 2003 đến 2012) làm CSKV, phụ trách khu vực Trung Nghĩa và Hòa Mỹ với trên 2.200 hộ dân là quãng thời gian Đại úy Vương Đình Tuân có nhiều kỷ niệm đẹp với bà con, lập nhiều chiến công xuất sắc và góp phần “kéo” nhiều thanh thiếu niên trở lại con đường sáng của cuộc đời. Như có một thời gian anh đã xin việc giùm, rồi hằng ngày đến nhà chở một thanh niên đến chỗ làm khi biết người này gia đình khó khăn, sau khi đi cải tạo về. Sau này anh còn có nhận xét tích cực và hỗ trợ để người thanh niên ấy vào làm ở lực lượng bảo vệ dân phố.

Đại úy Tuân cho rằng, CSKV ngoài chuyện đi sát nắm tâm tư nguyện vọng nhân dân, phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (mỗi CSKV phải tự lập kế hoạch, tổ chức và tuyên truyền trước hàng nghìn người dân), tuyên truyền phổ biến pháp luật, tham gia phá án, thì trong đó việc làm dân vận khéo nhằm vận động nhân dân bảo đảm an ninh trật tự, giáo dục cảm hóa đối tượng vi phạm pháp luật. Trong thời gian làm CSKV, anh được người dân cung cấp 120 nguồn tin, trong đó có 75 tin có giá trị về an ninh trật tự, 25 tin giúp điều tra phá án. Anh đã cảm hóa giáo dục được 15 đối tượng tiến bộ.

Phường Hòa Minh có số dân cao thuộc loại hàng đầu so với các phường trong thành phố, địa bàn rộng giáp ranh với 5 phường của 3 quận, với trên 10.000 hộ dân, trên 50.000 nhân khẩu. Trong 31 khu dân cư của toàn phường có đến 2/3 có chỉnh trang đô thị, tái định cư, do đó việc quản lý địa bàn được xem là phức tạp này gây nhiều khó khăn cho các CSKV. Mỗi CSKV quản lý trên dưới 1.000 hộ dân, có những nơi như khu vực Trung Nghĩa CSKV quản lý khoảng 1.200 hộ. Có 25 block chung cư là người dân ở nơi khác đến sinh sống, 700 nhà cho thuê trọ… gây khó khăn không nhỏ trong việc quản lý cư trú, trật tự xã hội và tệ nạn xã hội. Trong cái khó đó, nhiều mô hình hay được áp dụng và bước đầu đem lại nhiều thành công để quản lý an ninh trật tự trên địa bàn. Như mô hình công an phường và mặt trận “Quản lý thanh thiếu niên vi phạm pháp luật theo họ tộc”, “Gia tộc không có tội phạm và tệ nạn xã hội”… được lồng ghép trong các cuộc họp tổ dân phố, tạo khối đoàn kết thống nhất trong dân. Hay mới đây, Công an phường Hòa Minh đưa ra sáng kiến in số điện thoại của CSKV, số máy trực của công an phường lên móc khóa và phát miễn phí cho người dân khu vực Hòa Mỹ và Trung Nghĩa. “Trước mắt phường sẽ thí điểm phát ở hai khu vực phức tạp này, nếu in khá đầy đủ thì cần đến 1.000 cái móc khóa/1 người cho 11 CSKV của phường”, Đại úy Tuân cho biết.

Thượng tá Đặng Văn Đấu, Phó trưởng Công an quận Liên Chiểu cho biết, quận có địa bàn rộng, phường nào cũng diện tích trên dưới 8km2. Hòa Minh từ khi thành lập quận đến nay, dân số tăng hơn gấp đôi, Hòa Khánh Bắc thì dân tạm trú hết hơn 50% trong tổng số gần 50.000 người. Cả quận có khoảng 31.000 công nhân tạm trú, 27.000 sinh viên, có khoảng 200.000 dân có biến động về nơi ở, người nghèo khá nhiều và có liên quan đến việc làm không ổn định, trộm cắp, ma túy, tệ nạn xã hội. Theo quy định, mỗi CSKV quản lý khoảng 300-600 hộ dân, song hầu hết các chiến sĩ các phường Hòa Minh, Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam phải quản lý từ 700 đến trên 1.000 hộ dân. “Cái được là anh em tâm huyết với công việc, đề ra nhiều cách quản lý sáng tạo và các mô hình đều được nhân rộng ra toàn quận. Chúng tôi vẫn mừng khi nói với nhau là người dân nhiều nơi trên địa bàn quận vẫn giữ nếp sống gắn bó, quan trọng tình làng nghĩa xóm, đùm bọc nhau nên anh em CSKV thực hiện nhiệm vụ có phần đỡ khó khăn, tình hình an ninh trật tự nhờ đó tương đối ổn định”, Thượng tá Đấu nói.

Với 46 CSKV phụ trách ở 5 phường, các chiến sĩ đang nỗ lực không ngừng góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, giúp cuộc sống người dân bình yên nơi cửa ngõ phía Bắc thành phố.

HOÀNG NHUNG

.