Đà Nẵng cuối tuần
Trịnh Công Sơn với Huế
Nhiều người nói Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ của thế giới / nhân loại, của tình yêu / nỗi đau loài người, nhưng trước hết, ông là nhạc sĩ của Huế, mặc dù ông không sinh ra và trưởng thành tại Huế. Trịnh sinh ra ở Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, (ngày 28-2-1939), đến 4 tuổi mới về Huế. Ông cũng không sinh sống hẳn ở Huế, mà ở nhiều nơi như Quy Nhơn, Sài Gòn, Bảo Lộc, nhưng Huế vẫn là nơi đi / về, nơi ông luôn giữ liên lạc, là vùng sinh quyển trong đời sống tinh thần của ông.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Một đặc điểm dễ nhận ra trong ca từ của Trịnh Công Sơn hầu như không hề nhắc đến những địa danh của xứ Huế. Với những nơi khác, ông có thể có những dòng âm thanh dào dạt như Sài Gòn mùa xuân, hoặc Nhớ mùa thu Hà Nội… còn Huế lại rất hiếm hoi.
Cái chất Huế thấm đẫm trong ông không chỉ ở con người, ngấm vào máu chảy trong huyết quản mà còn ở tâm thức sáng tạo, nó không biểu hiện ra bên ngoài thành hình tượng âm thanh, hoặc ca từ mà lặn vào bên trong trở thành giá trị nghệ thuật, chất lượng hình tượng, tỏa ra một thứ ánh sáng siêu thực, bẻ gãy cùm xích của khuôn hình, sắp xếp chữ nghĩa theo một ngữ pháp riêng, khảm thành những bức tranh lạ lẫm, mới mẻ, thể hiện sự sang trọng một cách đài các và quý phái rất Huế: nắng thủy tinh, cây bạc đầu, ngàn cây thắp nến, vòng tay xanh xao…
Ở những tác phẩm viết về tình yêu, người nhạc sĩ tài hoa đã phổ hồn mình lên những vòm cong âm thanh theo vóc dáng ba vòng cong tuyệt đẹp của dáng hình mỹ nữ, cho dù người đó ông gặp ở đâu, cũng được ông hình dung là người con gái Huế: dáng em gầy guộc nhỏ, cho tay em dài gầy thêm nắng mai, hàng cây lá xanh gần với nhau…
Ví như, trong thời gian ở Bảo Lộc, ông có quen một thiếu nữ “môi tươi thắm, nhưng không thoa son, mắt to, ít nói, ít cười, đến cả ít ngồi, thích đứng nhìn, chân thoăn thoắt, chực biến” (Bửu Ý, Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ thiên tài, tr.58), tạo cho ông sự thấp thỏm, đăm chiêu để tạo nên Như cánh vạc bay vẫn mang dáng dấp người con gái và không gian xứ Huế: nắng có hồng bằng đôi môi em / mưa có buồn bằng đôi mắt trong…
Không chỉ ở góc nhìn của một cảm quan hiện thực của con người xứ Huế tạo cho ông có cách nói nhuốm màu siêu thực, mà còn tích hợp với triết học hiện sinh, là trào lưu triết học du nhập vào miền Nam mà hầu hết trí thức thế hệ ông đều ít nhiều có sự ảnh hưởng: tôi là ai, là ai, hư vô, phù du, vô thường, lưu vong… Bên cạnh đó còn phải kể đến giai điệu âm thanh nhịp 2/4 nhưng biến hóa khôn lường. Có đến hơn một nửa tiêu đề bài hát trong gia tài đồ sộ ông đều chỉ có bốn chữ: Một cõi đi về, Dấu chân địa đàng, Để gió cuốn đi…
Trịnh Công Sơn là một trong những tài năng hiếm hoi tạo dựng một hệ thống ca từ đẹp lấp lánh, trong đó không hề trộn lẫn mà có sự tồn tại song song hai loại hình nghệ thuật có sử dụng đến ngôn từ là ngôn ngữ ca khúc trong âm nhạc và giọng điệu thơ ca trong văn chương. Có rất nhiều bài khi hát lên lập tức thành nhạc, thành ca khúc, nhưng khi đọc, khi ngâm lại thành thơ. Trong hơi thở của mỗi bản nhạc đều ẩn náu một nỗi buồn của Huế.
Trước khi bước vào một cõi đi về ngày 1-4-2001, Trịnh Công Sơn đã kịp mang hồn cốt của xứ Huế đến với mọi miền đất nước, đến với cả thế giới (có đến 13 cuốn sách và hàng nghìn bài báo trong và ngoài nước viết về ông!); đáp lại Huế đã có một con đường dọc theo bờ sông Hương mang tên Trịnh Công Sơn. Còn nhiều dự định như đặt tên cho một trường học hoặc xây dựng một nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn tại Huế đã được đề xuất, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện!
PHẠM PHÚ PHONG