Đà Nẵng cuối tuần
Hướng đến chương trình nghệ thuật đỉnh cao
Với sự nỗ lực của những nhà tổ chức thời gian gần đây, các nghệ sĩ tên tuổi đã được mời gọi đến Đà Nẵng, các chương trình nghệ thuật, những vở kịch mới được đầu tư dàn dựng công phu. Nhưng việc khán giả còn chưa mặn mà với những sân khấu ca nhạc, kịch truyền thống khiến các nhà hát vẫn chưa thể sáng đèn thường xuyên thì khó có thể có những chương trình nghệ thuật đỉnh cao được tổ chức thường xuyên ở Đà Nẵng.
Chương trình “Điều ước cho tình yêu” (tháng 3-2017) là nỗ lực của Nhà hát Trưng Vương trong việc nâng cao chất lượng chương trình nghệ thuật.(Ảnh do Nhà hát Trưng Vương cung cấp) |
Nhận tràng pháo tay khán giả là cả chặng đường
Trong buổi diễn trích đoạn tuồng “Ngoại tổ dâng đầu” ở Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, chúng tôi nhận thấy, trong khi dàn diễn viên với đầy đủ áo, mũ, cân đai thể hiện vẻ đẹp tinh túy trong trích đoạn tuồng thì ở phía khán giả, ngoài một đoàn khách du lịch khoảng gần bốn mươi người, chỉ có khoảng mươi người ở tuổi 60-70 chăm chú nhìn lên sân khấu. Người trẻ thiết tha với nghệ thuật truyền thống vẫn còn quá ít. Nhưng không vì ít khán giả đến nhà hát mà những vở tuồng vơi đi trong cuộc sống tinh thần của người dân.
Từ đầu năm đến nay, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã tổ chức được trên 60 buổi biểu diễn, ở khắp nơi trên địa bàn Đà Nẵng. Tuồng về với người dân. Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho rằng, tần suất như vậy là cao đối với một đơn vị nghệ thuật truyền thống. “Tuy nhiên nhà hát chỉ có một đoàn biểu diễn, do vậy tổ chức nơi này thì lại mất nơi kia. Đầu năm nhà hát tập trung đi phục vụ vùng ven thì số buổi biểu diễn tại nhà hát giảm”.
Nhà hát mới xây dựng thêm hai vở mới là “Lâm Sanh, Xuân Nương” và “Lâm Trọng Hoàng thọ nạn” được khán giả cổ vũ rất lớn, bên cạnh việc tập trung xây dựng các chương trình, tiết mục có chất lượng cao, tăng cường công tác quảng bá, nâng cao chất lượng phục vụ nhằm thu hút khách đến với nhà hát. Tuy nhiên như vậy là chưa đủ. Ngoài việc để tuồng “sống” trong nhân dân, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vẫn duy trì chương trình phục vụ khách du lịch vào tối thứ tư và thứ bảy hằng tuần. “Hiện nay lượng khách đến xem giảm (chủ yếu là khách du lịch) vì thiếu sự hỗ trợ và chia sẻ từ các công ty lữ hành. Nếu xem trích đoạn tuồng mà một phần trong chương trình tour, lượng khách xem sẽ cải thiện ngay. Mặt khác, hiện Đà Nẵng có rất nhiều dịch vụ cũng chia bớt khách cho các hoạt động khác”, ông Tuấn cho biết.
Nếu nhìn lượng khán giả đến chật kín Nhà hát Trưng Vương khi chương trình “Điều ước cho tình yêu” được tổ chức dịp 8-3 vừa qua (chương trình nghệ thuật đầu tiên kể từ khi Nhà hát Trưng Vương chuyển đổi mô hình hoạt động), hẳn người Đà Nẵng sẽ không còn lo nơi này vắng khách, khi sân khấu, âm thanh, ánh sáng, biên tập, dàn dựng chương trình đều được đầu tư kỹ lưỡng; ca sĩ cũng là những ngôi sao hàng đầu trong làng nhạc Việt.
Đây là lần đầu tiên Nhà hát Trưng Vương tự đứng ra tổ chức thực hiện một chương trình nghệ thuật lớn với sự tham gia của nhiều ca sĩ ngôi sao trong cả nước. Làm chương trình nghệ thuật đỉnh cao là mong muốn của tất cả nghệ sĩ yêu nghề. Ca sĩ Quang Hào, quyền Giám đốc Nhà hát Trưng Vương chia sẻ: “Chúng tôi phải nhìn nhận đúng thực lực của mình để làm được và duy trì thường xuyên được chương trình, chứ không thể làm theo kiểu đầu voi, đuôi chuột, hoặc hụt hơi, hoặc để dự án “chết yểu””. Các nghệ sĩ ở đoàn ca múa nhạc Nhà hát Trưng Vương đều mong muốn tự mình có thể tổ chức được những chương trình nghệ thuật đỉnh cao, bảo đảm yếu tố nghệ thuật cũng như thu hút đông đảo khán giả đến nhà hát. Nói chung, để làm được một chương trình nghệ thuật đúng nghĩa và đón nhận được những tràng pháo tay của khán giả là cả chặng đường.
Nỗ lực thu hút khán giả
Anh Vũ Minh Quang, một người Hà Nội từng nói với tôi, khi hai vợ chồng anh sống ở Úc, rất thèm được đi xem những chương trình ca nhạc do ca sĩ trong nước sang biểu diễn, nhưng thỉnh thoảng mới có và giá vé rất cao. Cách đây 5 năm, hai anh chị về làm việc ở Hà Nội thì hầu như tuần nào cũng mua vé đi xem ca nhạc, ở sân khấu ngoài trời hoặc trong nhà, vì nghe nhạc trực tiếp như vậy mới “đã lỗ tai” và “chất” hơn rất nhiều nếu nghe qua đĩa. “Nhưng hơn một năm nay chúng tôi chuyển vào Đà Nẵng vì dự án của vợ thực hiện ở các tỉnh miền Trung, chúng tôi không biết nghe nhạc ở đâu vì lâu thật lâu ở nhà hát mới có một chương trình. Nghe nhạc ở quán cà-phê thì chất lượng âm thanh, ca sĩ cũng không bằng”, anh Quang nói.
Hẳn là chuyện nghe nhạc với âm thanh sống động, ca sĩ tên tuổi sẽ nâng tầm bài hát và cả một chương trình ca nhạc lên rất nhiều lần. Nên nhiều khán giả dù thu nhập chưa cao, vẫn cố gắng đầu tư một cặp vé đi xem ca nhạc có chất lượng khi có biểu diễn. Nhiều người chia sẻ, họ sẵn sàng giải trí bằng âm nhạc, bằng kịch, bằng những buổi hòa nhạc, miễn sao đó là những chương trình có chất lượng, có sự đầu tư âm thanh, ánh sáng…
Ban nhạc, âm thanh, ánh sáng của Nhà hát Trưng Vương đang trong quá trình khôi phục, đầu tư và nâng cao. Ban lãnh đạo nhà hát cho biết vẫn chưa thể tổ chức và duy trì thường xuyên các chương trình nghệ thuật lớn vì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Việc thu hút khán giả đến rạp là một trong những mục tiêu của Nhà hát Trưng Vương. “Chúng tôi luôn mong muốn khuấy động, tạo nhiều không gian âm nhạc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân thành phố. Giá vé có thể là rào cản vì không thể bán vé quá cao, nhưng cũng không thể bán vé quá thấp. Vì vậy, về lâu về dài, chúng tôi phải có những phương án kinh doanh hiệu quả. Theo tôi thấy, khán giả Đà Nẵng khá khắt khe trong việc thưởng thức nghệ thuật. Nếu chúng tôi nắm bắt được những đòi hỏi này, như cách một ca sĩ hiểu về khán giả của mình, thì tôi tin mình sẽ thành công”, ca sĩ Quang Hào cho biết.
Nhà hát cũng đang lên kế hoạch thực hiện dự án chương trình “Tình ca xanh”, làm mới lại những ca khúc đi cùng năm tháng và duy trì 2 tháng/số, vừa bán vé với giá thấp, vừa truyền hình trực tiếp. Số đầu tiên dự kiến vào cuối tháng 4 này với các giọng ca: Trọng Tấn, Lan Anh, Tấn Minh, Quang Linh... “Tôi nghĩ, mình quyết tâm thì sẽ làm được. Tôi đang tìm nguồn lực để thực hiện và rất mong nhận được sự ủng hộ của khán giả Đà Nẵng”.
Nguồn nhiệt huyết từ nhà quản lý trẻ Quang Hào có thể sẽ thổi một luồng gió mới cho những chương trình nghệ thuật được đầu tư công phu, biến Nhà hát Trưng Vương thành một địa chỉ sân khấu quen thuộc, có thể sáng đèn thường xuyên chứ không đìu hiu như lâu nay. Và hơn hết, khi có một nơi luôn âm vang với những chương trình sôi động, những ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi góp mặt, thì thói quen mua vé thưởng thức nghệ thuật của người dân cũng thay đổi.
HOÀNG NHUNG