Đà Nẵng cuối tuần

Cà-phê acoustic

13:31, 16/04/2017 (GMT+7)

Đến các quán cà-phê acoustic để vừa thưởng thức tách cà-phê nóng hổi, vừa đắm chìm vào không gian âm nhạc da diết, ngọt ngào và lắng đọng chắc chắn là một liều thuốc tinh thần tuyệt vời.

Chìm đắm trong không gian âm nhạc tại No Name là thói quen thưởng thức cà-phê và âm nhạc của các bạn trẻ.Ảnh: Q.T
Chìm đắm trong không gian âm nhạc tại No Name là thói quen thưởng thức cà-phê và âm nhạc của các bạn trẻ.Ảnh: Q.T

Nằm khuất trong con hẻm nhỏ (K150/5 Nguyễn Hoàng), Sound Café có một không gian nhỏ nhắn, được thiết kế độc đáo, tinh tế đến từng ngóc ngách. Bàn ghế bằng gỗ, nước gỗ ngả màu thời gian bóng loáng, những tấm bảng đen được viết bằng phấn trắng nguệch ngoạc, mảng tường loang, những chiếc Vespa đời cũ, chậu hoa bằng đất nung nhỏ xinh… Tất cả tạo nên không gian một ngôi nhà cũ kỹ, nhuốm màu thời gian nhưng lại ngăn nắp một cách lạ kỳ. Chừng 8 giờ tối, tiếng đàn guitar dìu dặt vang lên. Bữa tiệc âm nhạc thực sự bắt đầu khi cô ca sĩ lên hát với lời giới thiệu thật dễ thương: một đêm cuối tuần, được ngồi bên ly trà ấm cùng những người thân thương thật là ấm áp phải không các bạn? Sau đây V. xin hát tặng các bạn nhạc phẩm: Forget You...

Năm nào cũng vậy, đều đặn vào những ngày cuối tháng 3, những ai lỡ bước đi ngang qua Sound hoặc theo dõi về Sound trên Facebook sẽ thấy lời giới thiệu đầy “mời gọi”: Tháng tư gần đến, là lúc gợi nhớ trong lòng người yêu nhạc về cố nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn, người đã để lại cho chúng ta những ca khúc tuyệt vời và những giá trị tư tưởng, triết lý sâu sắc. Đêm nhạc với tựa đề “Trịnh Ca” - diễn ra vào tối 30-3 tại Sound Cafe cũng là một cách để thể hiện nỗi nhớ đến người nhạc sĩ đã khuất... Người người tìm đến quán Sound để chìm đắm trong một không gian đặc quánh âm nhạc và lãng đãng tìm về kỷ niệm ngày xưa ấy. Chị Phan Quỳnh (ở đường Võ Văn Tần, quận Thanh Khê) cho biết, chị thường tới những đêm nhạc như thế này, nhấm nháp ly cà-phê cùng người thân, bạn bè. Trong tiếng guitar dìu dặt, tiếng hát nồng nàn, chị thấy lòng lắng lại, những kỷ niệm xưa cũ ùa về, khiến bản thân thư thái hơn rất nhiều, xua tan biết bao bộn bề lo toan trong cuộc sống. Hơn nữa, theo chị, khi “phiêu” cùng giai điệu của âm nhạc, người ta cũng bớt thời gian “chăm chăm” vào màn hình điện thoại, đó cũng là một cách để thay đổi thói quen “đi cà-phê nói chuyện với điện thoại”  thời nay.

Nếu như Sound đại diện cho phong cách giản dị, xưa cũ, hợp với nhiều đối tượng tuổi tác khác nhau thì No Name (199 Nguyễn Văn Thoại) lại mang phong cách trẻ trung, hiện đại, phù hợp với giới trẻ. Bước vào No Name, có lẽ ai cũng cảm nhận rằng “quán cà-phê này Tây quá”. Từ bàn ghế được thiết kế hiện đại, có loại ghế cao, trên mỗi bàn đều có lọ hoa hồng  đỏ và ánh nến vàng tỏa hương dịu dàng, dàn nhạc hiện đại, thức uống đa dạng  và có cả bánh ngọt… Chủ quán No Name Phạm Quốc Vương thuộc lứa tuổi 9X đã tiếp cận, đưa cái trẻ trung, hợp thời vào quán cà-phê của mình. Không như những quán cà-phê acoustic khác chỉ có đêm nhạc sống vào những ngày cuối tuần, ở No Name, đêm nào cũng là đêm nhạc sống. Vương cho hay, nhạc acoustic đã trở thành “đặc sản” của No Name nên dù hằng đêm phải trả thù lao cho ban nhạc từ 900.000 - 1.000.000 đồng, anh vẫn cố gắng duy trì hình thức này. Đặc biệt, đêm nhạc ở No Name không chỉ

dành riêng cho những ca sĩ tài năng mà còn là nơi để khách có thể trình diễn, tập làm ca sĩ. Đến nay, No Name đã trở thành địa chỉ nghe nhạc quen thuộc của giới trẻ bởi phong cách âm nhạc trẻ trung, giá cả hợp túi tiền học sinh, sinh viên.

Ngoài Sound, No Name, hiện Đà Nẵng có nhiều quán cà-phê theo phong cách nhạc acoustic, như: Mercury Cafe (2B Nguyễn Thị Minh Khai), Moon Café (6 Lê Đình Dương), Hằng Café (đối diện Trường Đại học Bách khoa), Ngõ Acoustic Cafe (78 Lê Hữu Trác), Bad Boy (164 Lý Tự Trọng), Madala Café (23 Huỳnh Thúc Kháng)… Âm thanh mộc, giọng hát mộc cùng không gian giản dị là điều làm nên chất riêng của dòng nhạc này. Quang Thái (ca sĩ nghiệp dư) chia sẻ, cái vui của việc thưởng thức cà-phê acoustic là sự tương tác giữa ban nhạc, ca sĩ và người nghe rất cao. Người thích nghe nhạc acoustic cũng có điểm chung giống nhau, đó là họ nghe một cách thưởng thức, lãng mạn, nhẹ nhàng, suy tư. Đặc biệt, những bài hát có ca từ sâu sắc, lắng đọng như Em ơi Hà Nội phố, Chị tôi, Mẹ tôi, Quê nhà… rất phù hợp với không gian như thế này.

Những ca sĩ đã gắn bó với dòng nhạc này đều thừa nhận, hát tại các quán cà-phê acoustic, trong một không gian trầm mặc, êm đềm, người nghe chăm chú khiến ca sĩ thăng hoa hơn. Nguyễn Ngọc (một ca sĩ chuyên hát tại các quán cà-phê acoustic) cho biết, học xong đại học nhưng do đam mê âm nhạc nên Ngọc tham gia nhóm hát acoustic. Hằng tuần, Ngọc đi hát tại các quán. Trong đó, Ngọc gắn bó nhất với Hằng Café, bởi quán này gần Trường ĐH Bách khoa, là nơi các bạn sinh viên thường xuyên lui tới, được hát cho chính những người bạn của mình nghe là niềm hạnh phúc. Dù cát-xê tại các quán cà-phê không cao, chỉ đủ chi tiêu cá nhân nhưng Ngọc bảo rằng mình hát vì đam mê và có một công việc chính, có thu nhập ổn định để tiếp tục nuôi dưỡng đam mê đó.

Khách đến cà-phê acoustic không ngoài lý do tìm một chốn bình yên để tâm hồn được nghỉ ngơi giữa bộn bề cuộc sống.

Thể loại nhạc acoustic chỉ sử dụng hoặc chủ yếu sử dụng các nhạc cụ mộc hoặc cổ điển, trái ngược với việc dùng các nhạc cụ điện tử trong các bản nhạc hoặc ca khúc electro. Không gian của các quán cà-phê nhạc acoustic có lẽ vì vậy  mà cũng khá mộc mạc, giản dị, phù hợp với gu của những người thích sự nhẹ nhàng, sâu lắng. Người hát chỉ sử dụng những nhạc cụ đơn giản như trống, guitar mà không cần sự trợ sức của các nhạc cụ điện, điện tử.

QUỲNH TRANG

.