Cơ quan tư vấn hàng đầu thế giới Chatham House có trụ sở tại London (Anh) nhận định: “Rủi ro ngày một tăng lên khi mọi người trao đổi thương mại về lương thực với nhau do biến đổi khí hậu”. Lý do là thương mại quốc tế về lương thực chủ yếu dựa vào một số ít cảng, eo biển và đường sá chính đứng trước nguy cơ bị gián đoạn do xung đột vũ trang, chính trị nhưng nhất là biến đổi khí hậu.
Kênh đào Panama. |
Gần 25% tổng lương thực tiêu thụ trên thế giới được mua bán trên thị trường quốc tế. Số lượng bắp, lúa mì, đậu tương vận chuyển trên khắp thế giới mỗi năm đủ nuôi sống khoảng 2,8 triệu người. Hơn một nửa của số lượng này ít nhất được vận chuyển qua một trong 14 tuyến đường, cảng, eo biển hay như kênh đào Panama, Suez. Khoảng 20% lúa mì xuất khẩu toàn thế giới được vận chuyển qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi hơn 25% lượng đậu nành xuất khẩu qua eo biển Malacca. Ba nơi gồm Mỹ, Brazil và khu vực Biển Đen chiếm tới 53% xuất khẩu gạo, bắp và đậu tương toàn cầu. Ba loại cây này chiếm tới 60% lượng thức ăn chúng ta ăn hằng ngày. Đậu nành rất giàu đạm như động vật.
Tuy nhiên, hạ tầng của những tuyến đường, eo biển, kênh đào… này lại quá cũ kỹ để có thể “trụ vững” trước thiên tai được cho là ngày càng trở nên thường xuyên và dữ dội hơn do Trái Đất ấm lên. Đường sá ở đất nước xuất khẩu đậu nành lớn nhất thế giới là Brazil đứng trước nguy cơ sạt lở do mưa lớn kéo dài. Cảng Gulf Coast của Mỹ có thể bị ảnh hưởng lớn do nước biển dâng cao. Như vậy sẽ rất rủi ro về an ninh lương thực cho cả nước xuất khẩu lẫn nước nhập khẩu.
Báo cáo của Chatham House kêu gọi chính phủ các nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể “chịu được biến đổi khí hậu” cũng như các biện pháp phòng ngừa khác như đa dạng hóa sản xuất lương thực, nhất là những vùng trồng trọt chính ở Mỹ, Nga và Ukraina. Biến đổi khí hậu cũng làm giảm năng suất cây trồng rất nhiều. Nếu không có cơ chế phản ứng khẩn cấp quốc tế thì nguy cơ xuất hiện sự kiện “Thiên nga đen” (ẩn dụ chỉ những biến cố không ai nghĩ sẽ xảy ra nhưng vẫn có khả năng xảy ra) là rất cao. Biến cố gây tác động lớn ở đây sẽ là thiếu thốn lương thực nơi này nhưng lại dư thừa ở nơi kia do tắc nghẽn giao thông.
Một trong số các tác giả của bản báo cáo là bà Laura Wellesley cho biết, cần phải lập bản đồ rủi ro về an ninh lương thực. Các sự cố thiên tai trong quá khứ như lũ lụt ở Brazil, miền Nam nước Mỹ hay lệnh cấm xuất khẩu lúa mì từ các nước khu vực Biển Đen đã từng tạo ra những bất ổn xã hội với quy mô rộng lớn. Bà Wellesley nhận định chính phủ các nước có khuynh hướng chọn những lợi ích ngắn hạn và trong nước mà như thế sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề toàn cầu. Do đó, chúng ta cần phải có cách tiếp cận mới, hợp tác để lập bản đồ nhằm giảm thiểu mối đe dọa an ninh lương thực ngày càng gia tăng. Robin Willoughby, Chủ tịch Oxfam (một liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công) cho biết thay đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất với cơ hội chiến thắng nạn đói nghèo. Người nông dân sản xuất quy mô nhỏ và người tiêu thụ nghèo thành thị đối diện sự khắc nghiệt nhất của thời tiết thay đổi và biến động giá lương thực.
ANH THƯ (Theo ABS-CBN, Independent)