Đà Nẵng cuối tuần

Đã thương xin thương cho trót

15:44, 24/09/2017 (GMT+7)

Cũng ở mục này vào tháng 12 năm 2015 tôi có chia sẻ suy nghĩ của mình về việc nuôi nhốt “1 con cầy mực, 1 con trăn, 2 con cá sấu nhỏ (giờ hình như chỉ còn 1), vài con khỉ, vài con nai và… hết” trong Công viên 29-3 (bài Đi coi… nhốt thú!). Lúc đó tôi ước “bầy” thú này được thả khỏi những cái lồng chật chội để chân nó được chạy và mắt nó bớt vô hồn.

Tôi cũng ngại trẻ con vào đây ngắm thú sẽ mặc nhiên coi chuyện con người “cầm tù” thú vật để mua vui cho mình là lẽ thường tình. Thật vui là có lúc suy nghĩ của bản thân lại được gặp ý tưởng chung của cơ quan chức năng khi mới đây Công ty Công viên – Cây xanh đã đề xuất với Sở Xây dựng giải tỏa khu vườn thú, do tại đây nghèo nàn các cá thể, không có đội ngũ nhân viên có chuyên môn và kinh nghiệm chăm sóc thú, kinh phí duy trì hoạt động hạn hẹp.

Nghe thả thì vui, nhưng thả thế nào cũng còn… hồi hộp. Mỗi lần dạo vườn thú này tôi đều thấy con cầy mực đơ như tượng, đến mức mắt nó không hề chớp, ria mép chẳng động đậy, toàn thân ủ dột. Tôi cũng thấy con trăn để mặc con gà sống - bữa ăn tươi của nó, đứng trơ trơ bên cạnh mà chẳng thèm trườn tới đớp. Và tôi đã nhìn rất lâu con cá sấu nằm lạnh tanh trên mép hồ bé tí mặc cho nhiều người đi ngang qua tìm cách đánh động. Tôi không hiểu những con thú này đang nghĩ gì qua kiểu hành động “không làm gì” của chúng. Cái tính nó thế hay cuộc sống “cầm tù” khiến nó chẳng thiết sống cho ra sống?

Đi xem vườn thú, một đứa bé 6 tuổi hỏi tôi: “Vì sao người ta lại nhốt mấy con thú này ở đây?”. Tôi hơi bất ngờ vì cứ nghĩ trẻ con đứa nào cũng thích xem thú, nhưng cũng cố trả lời: “Mấy cô chú mang thú về chăm sóc, cho ăn uống đầy đủ. Những con thú ở đây đỡ phải đi tìm thức ăn”. “Nhưng con nghĩ để cha mẹ chúng chăm sóc ở rừng vẫn tốt hơn là để mấy cô chú nuôi giùm”, đứa bé đáp lại không cần thời gian suy nghĩ. Đó là suy nghĩ của một đứa trẻ và tôi nghĩ có lẽ đôi mắt vô hồn của những con thú này cũng ẩn chứa mong mỏi đó.

Tuy nhiên, nếu giả sử bây giờ cơ quan chức năng xét thấy phải thả chúng về với môi trường thiên nhiên hoang dã thì không biết giải pháp này có thực sự tốt nhất với chúng? Việc bị “thuần hóa” quá lâu trong điều kiện nuôi nhốt chật chội đến mức chúng chẳng buồn nhúc nhích thì liệu chân cẳng có còn đủ khỏe, mắt mũi còn đủ tinh ranh để hòa vào môi trường sống đòi hỏi sự sinh tồn khắc nghiệt? Chúng có thể tranh được con mồi khi tự sống hay sẽ sớm trở thành con mồi ngu ngơ ngay khi vừa thả ra? Chẳng ai nói trước được nhưng e rằng khả năng thứ hai rất dễ xảy đến.

Đã thương xin thương cho trót. Mong rằng, dù là đàn thú quý hiếm hay chỉ với vài cá thể “le que”, già nua, những người có trách nhiệm duy trì vườn thú hoặc có quyền phóng thích vườn thú này cũng sẽ cân nhắc thật kỹ về sự sống của những con thú vốn đã chịu thiệt thòi quá lâu bởi sự quan tâm muộn màng. Nếu thả, hãy thả chúng vào một “ngôi nhà” an toàn và có chất lượng sống tốt hơn nơi chúng đã bị sống suốt thời gian qua.

CHÍCH BÔNG

.