Đà Nẵng cuối tuần
Phủ rộng bảo hiểm y tế toàn dân
Tính đến tháng 6 năm 2016, Đà Nẵng cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân theo kế hoạch đề ra, số người tham gia BHYT là 993.444 người, chiếm tỷ lệ 96,5%. Đà Nẵng tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia, phấn đấu đạt độ bao phủ 100% vào năm 2020 theo tinh thần thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”.
Hầu hết người dân hiện nay đi khám, chữa bệnh đều có sổ BHYT (ảnh chụp tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu).Ảnh: H.N |
Thể hiện sự nhân văn và công bằng xã hội
Tính theo tỉ lệ dân số, từ năm 2012, Đà Nẵng đã đạt chỉ tiêu về BHYT toàn dân, là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước có trên 90% người dân tham gia BHYT. Quỹ BHYT đã tiến hành thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh đối với nhiều đối tượng, góp phần trực tiếp giảm tỷ lệ người dân phải tự bỏ tiền khi đi khám chữa bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân mắc ung thư, bệnh nhân là thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; người nghèo và cận nghèo cũng được BHYT chi trả phần lớn, còn người bệnh chỉ phải chi trả tối đa 20% chi phí khám chữa bệnh.
Cùng với cả nước, Đà Nẵng cũng xây dựng lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015, và hiện nay đang tiến tới mốc 2020. Bên cạnh việc hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia BHYT, các cơ sở khám chữa bệnh nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, người bệnh được hưởng các dịch vụ cao giúp tạo lòng tin đối với người dân. Các bệnh viện không ngừng đầu tư, nâng cấp trang thiết bị y tế, đáp ứng nhu cầu khám bệnh của người dân, thu hút người bệnh không chỉ ở Đà Nẵng mà hằng năm còn thu hút khoảng 30% bệnh nhân BHYT từ các tỉnh lân cận đến khám chữa bệnh và tỷ lệ này xu hướng gia tăng.
Theo thông tin từ Sở Y tế Đà Nẵng, tính đến cuối năm 2015 tỷ lệ bác sĩ đạt 15,18 bác sĩ/10.000 dân (toàn quốc là 8 bác sĩ/10.000 dân). Nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu được áp dụng vào chẩn đoán và điều trị đã kịp thời cấp cứu người bệnh hiệu quả, giảm tỷ lệ chuyển bệnh nhân đi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...
Ngoài ra, từ đầu năm 2016, việc thông tuyến quận, huyện trong khám chữa bệnh đối với bệnh nhân có thẻ BHYT được hưởng quyền lợi như ở nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu đã giúp người bệnh có được quyền lựa chọn bệnh viện; cũng như các bệnh viện phải nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng chuyên môn mới có thể thu hút bệnh nhân. Đơn cử, tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, trong 2 năm qua thu hút thêm được 21 bác sĩ, nâng tổng số bác sĩ lên 61 người. Từ con số mỗi ngày chỉ có 6-7 bàn khám thì nay số bàn khám tăng lên 20 bàn, giúp bệnh nhân không phải chờ đợi. Trước đây mỗi ngày chỉ có khoảng 800 bệnh nhân đến khám bệnh thì nay mỗi ngày bình quân có trên 1.000 bệnh nhân, có những ngày cao điểm các y, bác sĩ đón trên 1.800 bệnh nhân đến khám và điều trị.
Bác sĩ Bùi Long Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Liên Chiểu cho biết, hầu hết công nhân trên địa bàn có thẻ BHYT do công ty mua, một số người dân, người lao động có thể không mua BHYT, bởi vậy các y, bác sĩ vừa điều trị vừa tuyên truyền về giá trị của thẻ BHYT. Ngoài ra, chế độ viện phí tính đủ hiện nay khá cao, nếu tính thời gian chi phí 1 tuần điều trị có thể tốn ngang bằng việc mua nhiều thẻ BH, nên hầu hết người dân đều có ý thức về quyền lợi khám chữa bệnh bằng BHYT. Đây cũng là thuận lợi cho bệnh viện trong quá trình khám chữa bệnh.
Không ngừng hoàn thiện các chính sách hỗ trợ
Chị Nguyễn Thị Bích Trâm, nhân viên Văn phòng HĐND-UBND xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, một trong hai nhân viên kiêm nhiệm lĩnh vực bảo hiểm xã hội của xã, cho biết hiện Hòa Tiến có trên 95% người có thẻ BHYT tham gia theo hình thức hộ gia đình. Cách đây 2 năm, khi áp dụng BHYT hộ gia đình, có nhiều bất cập như phải đem theo sổ hộ khẩu khi mua thẻ hay khi mua mới phải đem theo hồ sơ gốc để đối chiếu; thì hiện nay thủ tục mua BHYT hộ gia đình rất đơn giản: người tham gia - kể cả thường trú và tạm trú, chỉ cần kê khai duy nhất một mẫu giấy TK1-TS và phụ lục bổ sung (danh sách những thành viên trong hộ) mà không phải trình bất kỳ giấy tờ nào khác.
Đối với người tham gia BHYT hộ gia đình từ ngày 1-7-2017 sẽ giảm bớt một phần chi phí không nhỏ (phần chi phí giảm bớt đó chính là sự chia sẻ của những người tham gia). Theo đó nếu mua riêng lẻ, mỗi người sẽ phải bỏ ra 702.000 đồng/thẻ; nếu mua theo hộ thì người thứ nhất phải bỏ ra 702.000 đồng/thẻ, người thứ 2 sẽ được giảm 30%, còn 491.400 đồng/thẻ, người thứ 3 sẽ được giảm 40%, còn 421.200 đồng/thẻ, người thứ 4 sẽ giảm 50%, còn 351.000 đồng/thẻ… Chị Bích Trâm cho rằng Hòa Tiến phân cấp đại lý bảo hiểm theo thôn nên mọi chính sách mới hay số người tham gia đến đâu được các chị nắm rõ, tự đi tuyên truyền nên việc triển khai dễ dàng hơn. “Chính sách mua BHYT cho phép người mua từ 3 tháng trở lên. Trong cùng một gia đình, nếu người mua thứ 2 không cùng thời gian với người thứ nhất thì các đại lý sẽ linh hoạt bán từng giai đoạn để trùng thời hạn sử dụng với nhau, sẽ giúp tính giảm cho người mua, nhờ đó số người có thẻ BHYT ở Hòa Tiến lên xấp xỉ con số tuyệt đối”, chị Bích Trâm giải thích.
Từ ngày 1-9-2017, người tham gia BHYT hộ gia đình sẽ được cấp mã số Bảo hiểm xã hội, mã số này khi được khai báo ở những lần tiếp theo sẽ xác định quá trình đóng BHYT liên tục của mình để giúp người dân được hưởng quyền lợi khi tham gia BHYT 5 năm liên tục. Đại diện cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng cho rằng, BHYT hộ gia đình hiện nay được đơn giản thủ tục, mang lại lợi ích rõ ràng, thiết thực cho người tham gia, đặc biệt là đối tượng khó khăn, cận nghèo. Tuy nhiên do công tác thông tin tuyên truyền về chính sách này vẫn chưa được sâu rộng nên một bộ phận người dân chưa hiểu hết để chủ động tham gia.
Bắt đầu từ đầu năm 2017, hộ gia đình nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình được ngân sách thành phố hỗ trợ 50% mức đóng (351.000 đồng/12 tháng); đây là một nỗ lực của thành phố trong việc hỗ trợ cho nhóm đối tượng này. Xã Hòa Tiến với hơn 70% dân số tham gia nông nghiệp, nên số người tham gia dạng BHYT này hứa hẹn sẽ tương đối cao. Chị Phạm Thị Cúc Thúy, phụ trách bảo hiểm xã hội của xã Hòa Tiến cho biết, theo khảo sát những người có thu nhập trên mức cận nghèo đến trung bình (trên 1,1 triệu đến 1,430 triệu đồng/người/tháng) ở xã có khoảng 1.000 hộ. Nhưng phải sang năm 2018 thì chính sách này mới áp dụng rộng rãi do năm 2017 người dân đã đăng ký mua BHYT trước khi có chủ trương hỗ trợ.
Ông Hồ Bảy, Phó Giám đốc BHXH quận Sơn Trà cho biết, toàn quận có 33.339/37.375 hộ gia đình đã tham gia BHYT. “Nếu như trước đây người dân chưa hiểu hết chính sách BHYT, thì nay đa số đã hiểu và tự bỏ tiền mua thẻ. Hai năm gần đây số hộ gia đình tham gia tăng bình quân 20%/năm. Sắp tới chúng tôi sẽ tuyên truyền mạnh mẽ trong các trường học, bởi hiện nay có 1.603/25.213 học sinh-sinh viên chưa có thẻ BHYT. Nếu như các gia đình đều biết năm học 2016-2017, bảo hiểm đã chi hàng trăm triệu đồng cho 12 trường hợp (chỉ lấy con số cao nhất) có chi phí viện phí từ 12 triệu đến 145 triệu đồng, thì họ mới hiểu giá trị của BHYT đối với con em mình”, ông Hồ Bảy phân tích.
Để đạt mục tiêu BHYT toàn dân thì việc phát triển đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình là đặc biệt quan trọng, vì nhóm đối tượng này đang chiếm tỷ lệ chưa tham gia cao nhất. Bảo hiểm xã hội thành phố đã có nhiều giải pháp trong vấn đề này như đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các cơ quan thông tấn báo chí, đẩy mạnh phổ biến luật bảo hiểm y tế đến người dân phát triển đồng thời 2 hệ thống đại lý thu BHYT (đại lý thu tại xã, phường và đại lý thu Bưu điện) để tạo thuận lợi cho người tham gia và tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong khai thác phát triển đối tượng. Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của bệnh nhân BHYT. Qua đó mục tiêu đạt 100% BHYT toàn dân là điều mà Đà Nẵng có thể thực hiện được khi chỉ còn 3 năm nữa là đến mốc 2020.
HOÀNG NHUNG