Đà Nẵng cuối tuần

Ấn tượng nụ cười Thái Lan

17:07, 15/10/2017 (GMT+7)

Tạo nên ấn tượng Thái Lan chính là con người Thái Lan!

Vừa bước xuống sân bay đi vào phòng kiểm tra hành lý là nụ cười thân thiện có mặt. Nụ cười của người thuộc bộ phận phụ trách an ninh, mới lạ chứ! Ta như vừa thấy người quen nơi quê nhà lâu ngày gặp lại. Mà số lượng khách nườm nượp thế. Du khách nào cũng được đối xử thân thiện.

Ảnh: internet
Ảnh: internet

Không như mươi năm trước ở lần đầu tiên qua Bangkok, con đường cao tốc từ sân bay vào trung tâm thành phố kẹt xe ôi là kẹt xe. 4-5 cây số là một lần kẹt. Có khi phải chờ đến 2, 3 tiếng đồng hồ mới thông đường. Năm nay đã khác, đường trên cao vừa hoàn thành năm 2015 cả mấy chục cây số chạy bon bon vào khu vực trung tâm không còn chút vướng bận. Có chăng là khi xe đi vào các con đường phụ, tài xế nhiều lần phải nhường cho người đi đường. Là điều ở Việt Nam chưa làm được. Đang băng băng, nhìn thấy người đi bộ là tự nhiên tài xế giảm tốc. Vụ này, quen thói ở nước nhà, có bận đi dạo phố băng qua đường, thấy vài chiếc ô-tô phóng tới, tôi đã vội kéo người bạn dừng lại. Nhưng không, dừng chính là mấy chiếc xe, chứ không phải người bộ hành. Dường biết mình là dân Việt Nam sao ấy, anh tài vẫy tay ra hiệu bác cứ tự nhiên.

Dân Thái Lan đa phần xài xe con, nên tắc đường là một đặc trưng, có khi còn hơn TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội nữa. Chỉ mỗi điều họ khác ta, là dù tắc đường đến đâu, họ không gây lộn xộn, ồn ào. Tiếng còi xe bóp inh ỏi - không; tiếng kêu la nộ nạt người đi trước hay bên cạnh càng không, nói chi chuyện chạy xe lên vỉa hè.

Luật đi đường ở Thái Lan khá nghiêm ngặt, chứ không như ở ta, cứ xe là bồi thường cho người, xe lớn là phải đền cho xe bé. Ai phạm lỗi là bị xử nghiêm. Biết điều, bạn phải giữ đúng phép nước mà đi, ỷ y là cứ lấy luật ra mà xử.

Sài Gòn với Bangkok cũng tầm tầm nhau, xưa - ở mức độ nào đó, ta còn ăn đứt người Thái nữa, vậy mà hôm nay họ làm được nhiều việc để giải quyết phương tiện đi lại cho dân mình. Ngoài đường bộ khá hiện đại, Thái Lan còn tạo ra rất nhiều phương tiện tiện ích nhanh, rẻ, tiện lợi. Ở đó, Skytrain rất phổ biến, đó là chưa kể đến xe điện ngầm. Ngoài ra, Thái Lan còn có cái hay khác là giao thông đường sông. Thấy “xe buýt đường sông” ở Bangkok chạy mà bắt thèm, và tôi cứ lan man suy nghĩ phải chi một số đô thị nước ta đừng vội lấp kênh, lấp sông làm đường, để ta có thể dùng làm phương tiện đi lại, không hay hơn sao. Đẹp, giải quyết tắc nghẽn, và nhất là đa dạng hóa phương tiện đi lại. Mỗi sáng từ ban công khách sạn nhìn xuống con sông, tấp nập bao nhiêu là loại thuyền, tàu to, nhỏ chở du khách đi lại tham quan các nơi trong thành phố. Trong khi ta chỉ có mỗi thứ: đường bộ. Quy hoạch tiếp nối quy hoạch, rồi bao nhiêu cầu vượt làm ra cũng không giải quyết nổi sự trương nở của dân số từ các nơi đổ về đô thị lớn.

Khách sạn 5 sao The Oriental Hotel nằm dọc theo bờ phía tây của sông Chao Phraya có ban công riêng nhìn ra sông Chao Phraya. Đập vào mắt tôi đầu tiên không phải cái gì khác, mà chính là bảng tên các nhà văn nổi tiếng được treo trang trọng trước cửa phòng VIP: “William Somerset Maugham đã lưu trú tại khách sạn chúng tôi một tháng để sáng tạo tại phòng này”, hay “André Malraux đã dành một tuần tại đây để hoàn thành kiệt tác La Voie Royale”! Lối PR khách sạn độc đáo kiểu đó, không phải văn minh sao? Có dân làm ăn nào ở ta nghĩ, và làm được công việc đơn sơ mà sang trọng đó.

Cuối cùng, ở đó - ấn tượng mạnh và sâu đậm nhất chính là: nụ cười Thái Lan. Nụ cười thường trực trên môi người Thái: mềm dịu, sâu đậm và đầy mời gọi. Đã có cuốn sách hẳn hoi viết về nụ cười này: The Smile of Thailand. Nó thường trực nhưng không giả tạo. Vừa khi bắt gặp ánh mắt ta là nụ cười kia xuất hiện, như là nó đã có đó tự bao giờ, sẵn sàng đón nhận và ban phát. Và xoa dịu, xóa nhòa bao khổ não, lo âu của khách phương xa. Có thể đó là cái cười được huấn luyện có bài đến trở thành bản năng thứ hai của người Thái. Theo tôi, hơn thế nữa, nó bắt nguồn từ truyền thống văn hóa Thái Lan, nền văn hóa xây dựng trên nền tảng triết lý Nhà Phật: khiêm cung và vui sống.

Đi kèm với nụ cười kia, là cung cách chào nhau của người Thái. Ở đây tôi bắt gặp bóng dáng lối chào của dân tộc Chăm xưa, phong thái hiện nay chỉ tồn tại trong các nghi thức lễ hội. Mỗi ngày là một lễ hội, lễ hội tạ ân khi ta được ban thêm một ngày mới để sống: Tạ ơn chén cơm đói lòng, điếu thuốc hút dở/ tạ ơn dòng sông mơ hồ chảy qua tuổi nhỏ/…tạ ơn bước chân hoang, trái tim lầm lạc…

INRASARA

.