Đà Nẵng cuối tuần
Lũ về - Người đi
Sáng thức dậy, thấy con ngõ quen bỗng trở nên lạ lẫm. Chỉ một đêm sau cơn mưa, nước đã bao phủ lên mọi ngóc ngách của con phố nhỏ. Cô con gái vén quần đặt đôi bàn chân nhỏ xíu xuống nước rồi hỏi mẹ “Nước như vậy làm sao con đến trường?”. Nghe con hỏi, lòng bỗng rưng rưng, cũng những cơn lũ như thế này đã ôm vào lòng bao nhiêu hình hài bé thơ mãi mãi không bao giờ còn đến trường được nữa.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Bấm điện thoại gọi về quê, mẹ trả lời với giọng buồn não nuột: Lũ vào mấp mé thềm rồi con ạ, chỉ vài trận mưa nữa là nước ào vào nhà. Đôi bò và mấy chú lợn mấy hôm nay ngâm mình trong nước. Bố lo xa đã chèo thuyền đi mua mấy thùng mì tôm phòng khi mất điện hay không thể nấu cơm. Đêm qua bố mẹ thức suốt đêm xếp bàn ghế để kê lúa lên cao. Cầu trời đừng đổ mưa thêm nữa.
Quê tôi miền Trung vốn đã chẳng còn xa lạ gì với những biến cố từ thiên nhiên, hết hạn hán đến bão giông, hết nắng cháy da đến mùa lụt lội. Hồi nhỏ, lũ trẻ con chúng tôi cực kỳ hào hứng mỗi khi lũ về. Vì con thuyền gác trên chái nhà sẽ được hạ xuống. Chúng tôi hò nhau chèo thuyền qua những cánh đồng mênh mông nước, luồn lách trong những con đường làng nhỏ nước ngang đầu gối. Các anh sẽ mang theo vài ba manh lưới để bắt cá, lũ con gái đi theo hò hét mỗi khi con thuyền chòng chành. Mấy cu choai choai còn cố tình đụng thuyền vào nhau, thuyền nào xui xẻo sẽ lật nhào khiến cả lũ ướt như chuột lột.
Những đêm trăng mùa lũ mới thật là nên thơ. Con thuyền lướt nhẹ dịu dàng, trăng soi ánh vàng loang loáng trên mênh mông nước. Con trai con gái trêu đùa nhau, kể chuyện, hát hò vui như hội. Tuổi trẻ vui niềm vui của tuổi trẻ, vô tâm trước ánh mắt trĩu nặng của người già, trước nỗi lo mất mùa này mùa sau vô chừng no đói.
Giờ đã có chút tuổi rồi, đã chẳng còn mơ màng chuyện gió trăng. Mỗi mùa lũ đi qua, xót xa khi ngang qua cánh đồng thấy những bông lúa sắp chín vàng lập lờ trên mặt nước, những mái nhà thấp bé cứ chìm dần đi.
Nỗi đau nối tiếp nỗi đau. Mới lũ cuốn ở Mù Cang Chải, lại đến bão quét ở Hà Tĩnh, Quảng Bình. Và bây giờ lũ giăng ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái... Đồi sạt lở, cầu sập bất ngờ, những con nước vốn mềm mại hiền hòa nay bỗng hung hăng như quỷ dữ giang tay ôm vào mình bao nhiêu sinh mạng. Người chết. Người mất tích. Hàng trăm ngôi nhà sập đổ. Hàng nghìn ngôi nhà ngập nước. Hàng vạn người dân phải di dời. Bao nhiêu lúa, hoa màu, gia súc gia cầm trôi theo dòng lũ.
Trong mất mát, tổn thất, tang thương, người ta cầu trời, trách móc thiên nhiên. Và bên ấm trà tôi lại nghe các cụ già nói về những cánh rừng bị tàn phá tan hoang, những cây to bị chặt hạ, những biệt phủ xa hoa, những ngôi nhà được xây dựng tuyền bằng gỗ quý. Và lòng chợt nghĩ, thực ra rừng đã bao lần chảy máu kêu gào, thiên nhiên đã bao lần cầu cứu.
Lũ đến, nhiều người mất nơi trú ngụ, trẻ em không thể đến trường, những vật sản của nhà nông tích cóp quanh năm trong phút chốc như vô hình vô ảnh. Lũ đến, có những đứa trẻ suốt đời không còn được gọi tên mẹ tên cha, có những chàng trai cô gái đang phơi phới sức xuân bất ngờ trái tim thôi không còn đập nữa. Và cả những bé thơ đã rời vòng tay mẹ cha hòa vào dòng lũ chưa biết trôi dạt về nơi nao.
Mưa rồi sẽ thôi rơi, nước rồi sẽ rút dần, của cải mất đi rồi lại làm ra được. Chỉ có nỗi mất mát về con người là không gì bù đắp. Người mất cũng đã mất rồi. Người sống vẫn phải oằn mình mà sống, dù khó khăn, dù khổ sở chất chồng. Nhưng dẫu cho hiện tại không còn gì nữa cả thì vẫn còn tương lai phía trước. Phía trước ấy chắc chắn có nhiều nụ cười, phía trước là bầu trời đầy nắng. Chỉ cần sự sống còn tiếp diễn là vẫn còn hy vọng.
LÊ GIANG