Đà Nẵng cuối tuần
Từ chính sách vượt trội
Từ sau chương trình “Thành phố 3 có”, Đà Nẵng đã chi một nguồn vốn ngân sách khá lớn để đầu tư nhà ở xã hội. Tính đến tháng 8-2017, đã đưa vào khai thác 188 khối nhà với 10.380 căn hộ để cho thuê và bán theo đề án thí điểm. Nhiều doanh nghiệp cũng đầu tư nhà ở xã hội để bán 21 khối nhà với 2.135 căn hộ.
Chung cư dành cho cán bộ, công chức, người thu nhập thấp thuê tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Ảnh: H.N |
Đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội gồm cán bộ công chức, viên chức, người công tác trong lực lượng vũ trang và gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, có thu nhập thấp đang sinh sống, làm việc lâu dài trên địa bàn thành phố. Bằng việc xây dựng các khu chung cư cao 5, 7 và 12 tầng, tập trung ở các quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn…, những dự án nhà ở xã hội của Đà Nẵng giải quyết một phần không nhỏ nhu cầu nhà ở của người dân, giúp hàng nghìn người có thu nhập thấp có cuộc sống ổn định, có nhà, an cư để lạc nghiệp.
Lối vào chung cư
Với hàng chục khu chung cư tập trung ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, dành cho người dân tái định cư khi thành phố đầu tư mở ra con đường Bạch Đằng Đông từ hơn 15 năm trước, và sau này một lượng lớn cán bộ, công chức đang làm việc tại các cơ quan, ban, ngành trong thành phố chuyển đến, tuyến đường nên thơ dọc bờ sông cũng được đổi thành Trần Hưng Đạo. Khu vực làng chài bên này sông có mật độ chung cư đông, tổng số dân cũng tăng gần gấp đôi so với trước năm 2000, trình độ dân trí cũng tăng theo.
Khu chung cư C2 phường Nại Hiên Đông gồm 4 khối nhà cũng được phân chia theo hoàn cảnh từng đối tượng được thuê, như khu nhà A dành cho công chức, khu nhà C tập trung nhiều chị nuôi con một mình. Chị Ngân, ở nhà C bảo, hai mẹ con may mắn được xét thuê căn hộ năm 2013, thoát cảnh ở nhờ nhà ông bà ngoại có đông cậu, dì, khổ sở vì vô đụng ra chạm.
Mức giá nhà thuê chung cư trung bình vào khoảng 250.000 - 300.000 đồng/hộ/tháng, chưa tính phí thang máy và giá điện hành lang. Nếu tính cả phí thang máy vào khoảng trên dưới 500.000đồng/hộ/tháng, chỉ bằng ¼ giá nhà thuê dành cho căn hộ trên thị trường.
Năm 2016, 5 khối nhà thuộc chung cư 12T cũng trên địa bàn được đưa vào sử dụng, 3 block nhà dành cho người thuê thu nhập thấp, hộ giải tỏa, gia đình chính sách… Riêng hai block T1 và T2 người dân được đăng ký mua trọn gói, chỉ sau vài tháng đã lấp đầy.
Chị Huỳnh Thị Xuân Trang, ở căn hộ 412 block 12T2 cho biết, diện tích căn hộ chị mua là 52m2, giá 385 triệu đồng, trả một lần. Và đến nay sau gần một năm nhận nhà chị sẽ được nhận sổ chủ quyền nhà. Nhưng phải sau 2 năm mới được sang nhượng.
Nhiều người cho rằng với số tiền khoảng 400 triệu đồng hiện rất khó mua được một mảnh đất để làm nhà. Nếu mua thì phải đi rất xa, về những vùng dân cư ở Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) hoặc lên Hòa Vang, về Điện Ngọc (Quảng Nam).
Trong khi chỉ cần sang bên này sông, cách trung tâm thành phố chừng 4-5km, là mỗi gia đình trẻ có thể sở hữu một căn hộ. Chưa hết, việc sống ở chung cư, không cần có đất riêng bắt đầu làm thay đổi quan điểm một số người, giống như cư dân ở hai thành phố đầu đất nước đã quen sống cả đời ở chung cư. Căn hộ chung cư vì thế có sức hút đối với người có thu nhập thấp và trung bình.
Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc, ở căn hộ 303 block 12T1 cho biết, quê chị ở Huế, quê chồng ở Hà Nam, khi đăng ký mua căn hộ trị giá gần 400 triệu đồng 2 năm trước, chị và khá nhiều gia đình ở đây được hỗ trợ vay tiền từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà dành cho người nghèo, người thu nhập thấp của Chính phủ.
Vợ chồng chị Trúc vay 250 triệu trong vòng 15 năm. Hiện nay mỗi tháng chị trả gốc và lãi gần 2,4 triệu đồng. Số tiền ấy coi như là tiền đi thuê nhà hằng tháng, buộc phải chắt bóp dành dụm mới có ngôi nhà để ở, nhưng bù lại 15 năm sau mỗi gia đình có chủ quyền với căn hộ của mình.
Anh Lê Hồng Công, kỹ sư tin học, mua được căn hộ tầng 1 của khu nhà ở xã hội Blue House trị giá 404 triệu đồng vào tháng 10-2016. Anh cho biết, khi nghe tin dự án này bán nhà ra thị trường, đến Công ty Quản lý nhà nộp hồ sơ thì chỉ còn vài căn tầng 1, trong khi càng lên cao giá mỗi căn sẽ rẻ hơn khoảng 10 triệu đồng.
“Hồ sơ mua nhà ở xã hội phải thể hiện mức thu nhập của người mua. Lúc đó thu nhập của tôi chưa chịu thuế (đóng thuế thu nhập cá nhân) nên mới được xét. Ở đây mỗi tháng chỉ phải trả thêm 200.000 đồng phí quản lý, điện hành lang, vệ sinh, trong khi an ninh rất bảo đảm”, anh Công cho biết.
Ngoài những gia đình là người Đà Nẵng, thì hàng trăm cặp vợ chồng và cả những người độc thân chọn Đà Nẵng là quê hương thứ hai để sinh sống, lập nghiệp đã có một mái ấm đúng nghĩa, không phải lo tìm nhà, chuyển nhà thuê hay nơm nớp sống trong cảnh nhà thuê tạm bợ.
Thêm nhiều dự án sắp mở bán
Thành phố Đà Nẵng là đơn vị đi đầu trong cả nước về số lượng nhà ở xã hội được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng với hình thức cho thuê nhà; đáp ứng một phần nhu cầu của người có thu nhập thấp về ổn định chỗ ở. Ngoài nhà ở xã hội đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, thành phố còn kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội bằng việc giao đất “sạch” (đã giải phóng mặt bằng và đầy đủ hạ tầng bên ngoài dự án) và không thu tiền sử dụng đất.
Cùng với việc tăng dân số cơ học, vẫn còn rất nhiều người có nhu cầu nhưng chưa được thuê/mua nhà. Từ năm 2016, thành phố tổ chức bán nhà ở xã hội đầu tư từ nguồn vốn ngân sách theo Đề án thí điểm nhằm tái đầu tư các dự án nhà ở xã hội khác, trên cơ sở tính toán giá bán nhà bảo toàn vốn đầu tư, không tính tiền sử dụng đất, lợi nhuận và thuế VAT nhằm hỗ trợ để nguời thu nhập thấp được tiếp cận mua nhà.
Mức giá bán thí điểm chung cư 12 tầng Khu tái định cư Làng cá Nại Hiên Đông (286 căn) là từ 360 – 450 triệu đồng/căn; Khu chung cư 9 tầng cho người thu nhập thấp Khu tái định cư Đại Địa Bảo (Blue House - 230 căn) là từ 260- 404 triệu đồng/căn.
Theo thông tin từ sở Xây dựng Đà Nẵng, thành phố đang chuẩn bị mở bán 330 căn hộ thuộc dự án Chung cư 11 tầng tại Khu tái định cư Phong Bắc, quận Cẩm Lệ. Với nhà ở do doanh nghiệp đầu tư, đang tiến hành bán 360 căn hộ thuộc khu chung cư nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh (giai đoạn 1), quận Liên Chiểu.
Trong đó ưu tiên 60% cho đối tượng là công nhân, người lao động đang làm việc tại các KCN trên địa bàn thành phố. Thành phố cũng sắp tiến hành bán dự án 324 căn hộ chung cư cho người thu nhập thấp ở An Trung 2, quận Sơn Trà.
Điều kiện để được mua nhà bao gồm: Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua thuê nhà ở xã hội tại các dự án khác; chưa được nhà nước hỗ trợ về đất ở; có hộ khẩu Đà Nẵng hoặc tạm trú thì có hợp đồng lao động 1 năm trở lên có đóng bảo hiểm xã hội; không thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, Phó Giám đốc Công ty Quản lý nhà chung cư Đà Nẵng cho rằng, đề án thí điểm bán căn hộ đã giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của người dân, giá thấp hơn giá nhà ở thương mại do đã có trợ giá đất. Ngoài ra, phần diện tích được bán là diện tích bên trong căn hộ, không tính diện tích sử dụng chung giúp kéo giảm giá nhà xuống.
Ngoài ra, thành phố tiếp tục hỗ trợ chi phí quản lý vận hành ở mức 220.000 - 250.000 đồng/căn hộ/tháng. Tuy nhiên, sau khi bán chung cư T1, T2, gói hỗ trợ vay mua nhà của Chính phủ không còn nên hiện nay không giúp cho người mua được phần vốn vay.
Ngoài số căn hộ chung cư được mở bán, tính đến tháng 10-2017, Công ty Quản lý nhà chung cư đã bố trí cho người dân thuê 9.216 căn hộ. Vẫn còn trống 240 căn nằm rải rác ở các block nhà khác nhau và sắp tới sẽ cho thuê thêm 330 căn ở chung cư Phong Bắc. Trước đây người thuê nhà yêu cầu phải có 10 năm làm việc ở một cơ quan nào đó, nay thời gian này được rút xuống còn 7 năm.
Từ năm 2014 đến nay, người có nhu cầu thuê nhà chung cư nộp đơn qua Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố thay vì trước đây nộp đơn ở Hội đồng Nhân dân thành phố. Số liệu từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2014 tiếp nhận 2.148 đơn, bố trí 250 căn hộ (chiếm 20%); năm 2015 nhận 919 đơn, bố trí 216 căn (chiếm 23,4%); năm 2016 nhận 701 đơn, bố trí 313 căn (chiếm 44,6%); và tính đến tháng 9-2017 nhận 434 đơn, bố trí 134 căn. |
Hoàng Nhung