Đà Nẵng cuối tuần

Sông nước Cần Thơ

11:08, 29/10/2017 (GMT+7)

Trước khi đến Cần Thơ, nơi thường được gọi là xứ Tây Đô, thủ đô của miền Tây - tôi cứ ngẩn ngơ với tên địa danh này. Chắc xứ đó rất đẹp giàu chất thơ hay ít nhất là cũng  gợi cho các thi sĩ tìm …tứ thơ. Lục tìm các cuốn sách khảo cứu về Cần Thơ thì thấy nhà nghiên cứu Huỳnh Minh đưa ra giả thuyết cắt nghĩa về xuất xứ cái tên Cần Thơ.

Khi chưa lên ngôi vua, Nguyễn Ánh vào Nam đi qua nhiều nơi ở châu thổ sông Cửu Long. Và khi đoàn thuyền vào đến địa phận  Trần Giang (Cần Thơ xưa), đêm xuống nghe vọng lại nhiều câu ngâm thơ, hò hát, tiếng đàn tiếng sáo  hân hoan ở vàm sông (Bến Ninh Kiều ngày nay). Chúa thầm khen về cảnh quan sông nước hữu tình và  ban cho con sông này cái tên đầy thơ mộng là Cầm Thi giang. Dần dần hai tiếng Cầm Thi lan truyền rộng trong dân chúng và nhiều người nói trại ra thành Cần Thơ.  

Chợ nổi Cái Răng sôi động hẳn bởi người bán, người mua í ới gọi nhau từ tờ mờ sáng.  Ảnh:THANH TÌNH
Chợ nổi Cái Răng sôi động hẳn bởi người bán, người mua í ới gọi nhau từ tờ mờ sáng. Ảnh:THANH TÌNH

Cần Thơ kiêu hãnh với bến Ninh Kiều: “Cần Thơ có bến Ninh Kiều – Có dòng  sông đẹp với  nhiều giai nhân”, bến nước địa danh du lịch văn hóa được hình thành từ thời Gia Long. Là nơi nhìn ra dòng Hậu Giang đỏ nặng phù sa nằm ở vị trí đắc địa ngay ngã ba sông Hậu,  sông Cần Thơ nên có vị trí trung chuyển giao thương hàng hóa tấp nập.

Xưa kia các  tàu, ghe lục tỉnh đều ghé bến Ninh Kiều đưa đón khách, vận chuyển hàng hóa đi khắp nơi. Ngoài vẻ đẹp của miền Tây sông nước, bến Ninh Kiều còn mang một tên địa danh lịch sử oai hùng. Đó là trận đánh ở bến Ninh Kiều (Tuy Động) ở ngoài Bắc xưa kia của Lê Lợi đã khiến cho quân Minh khiếp đảm. Tôi mới hiểu vì sao con đường đẹp nhất, lớn nhất ở thành phố Cần Thơ được mang tên đại lộ Lê Lợi.

Về với miền sông nước Cần Thơ không thể bỏ qua tham quan chợ nổi, một “Văn hóa chợ” khá độc đáo. Không biết chợ đã hình thành từ khi nào? Phải chăng từ những chiếc ghe thương hồ xuôi ngược. Đến đây tôi mới hiểu hai chữ: “Phong lưu” của người xứ này. Phong lưu ngay trong nghèo khó, phong lưu ngay trong ứng xử, dù chật vật bươn chải tối ngày thì vẫn dành cho những phút giây thư giãn với đờn ca tài tử.

Phong lưu trong  lời ăn tiếng nói cả trong đong đếm bán buôn. Và tôi  nghĩ đến phận chợ nổi, đời chợ nổi như phận khóm lục bình mà chỉ có sông nước nơi này mới có, mới nuôi dưỡng, mới trôi dạt, mới đồng hành vỗ òa vào mình và chia sẻ với mình. Chỉ khi long đong cùng sông nước, lục bình mới thể hiện được bản chất, vẻ đẹp và sức sống tươi tắn, ngời ngời của nó. Đằm sâu nhưng  không thụ động không cùng quẫn mà trải dài thăm thẳm, mênh  mông, cởi mở...

Các ghe thuyền áp sát tàu du lịch để bán trái cây cho du khách.Ảnh:THANH TÌNH
Các ghe thuyền áp sát tàu du lịch để bán trái cây cho du khách. Ảnh:THANH TÌNH

Chúng tôi đã dậy sớm từ lúc 5 giờ sáng để đi chợ nổi Cái Răng cách trung tâm thành phố Cần Thơ 6km. Chợ họp từ lúc tờ mờ sáng cho đến 9 giờ thì vãn. Chợ họp quanh năm trừ mồng 1, mồng 2 Tết và Tết Đoan Ngọ. Hàng trăm chiếc ghe to, nhỏ khẳm lừ đậu sát vào nhau thành một dãy dài, người bán người mua trùng trình trên sóng nước.

Buổi sớm  mai đó là buổi của những chiếc xuồng con của các chị, các má bán hàng ăn sáng. Mùi thơm của các tô hủ tiếu, các loại bánh lan tỏa xa hơn cả tiếng rao hàng. Buổi của những chủ ghe tấp nập bày biện sao cho mớ hàng hóa của mình mới mẻ, tươi tắn và tinh tươm nhất. Ta cứ nhìn các nhánh cây thon dài buộc ở trên đầu mũi ghe  (gọi là cây bẹo) treo gì thì ghe bán thức ấy.

Đó là một cách tiếp thị chào hàng rất độc đáo trông cứ lúc la lúc lĩu, sống động và tươi rói bắt mắt lạ thường với màu đỏ thanh tao của trái đu đủ chín cây, đỏ au au của chùm chôm chôm vàng ươm của khóm, xoài, xanh riết của  cóc, ổi, cà tím. Và tôi tò mò hỏi về xuất xứ: Cái Răng của cái chợ nổi khá nổi tiếng này.

Cô hướng dẫn viên du lịch giải thích Cái Răng là nơi đất tốt đông dân cư được lập làng từ thời Minh Mạng. Khoảng năm 1889-1890 người Pháp cho đào tại đây một con kênh chưa đặt tên. Tên Cái Răng bắt đầu từ chiếc cà ràng – Cái bếp nấu bằng đất không chỉ với mỗi nhà trên đất liền mà vào tận vùng sâu, vùng xa khẩn hoang lại còn đánh bạn đồng hành với người nghèo chuyên nghề long  đong sông nước.

Cà ràng vốn của người Khơ-me làm bằng loại đất sét đặc biệt lấy ở chân núi Nam Vi (Tri Tôn – An Giang) có tính năng dính kết tốt đốt lửa to không nứt. Theo lộ trình thuận tiện của dòng Hậu Giang về đây bán. Dòng kênh mới đào này trở thành “Tổng đại lý” phân phối hàng nên gọi là “Chợ Cà Ràng” sau nói trại ra là chợ nổi Cái Răng.

Mà thật ra cái miền Tây sông nước này tên địa danh đọc lên là đã nghe sướng, đã hào sảng đã thương nhớ bời bời. Riêng về cái tên đầu có chữ Cái liệt kê đã là một dãy dài như: Cái Bè, Cái Bé, Cái Côn, Cái Hiêu, Cái Mòn, Cái Nai, Cái Sắn, Cái Thia, Cái Vừng… Cái miền mà quơ chỗ nào cũng đụng nước, ngó chỗ nào cũng thấy sông, dứt sông là dứt hơi thở, cạn nước là cạn huyết.

Cô hướng dẫn viên thật vui tính, mặc chiếc áo bà ba và quàng phơ phất chiếc khăn rằn quen thuộc.  Một hình ảnh rất Nam Bộ vừa duyên dáng vừa gần gũi lại mộc mạc và rất chân tình. Chiếc áo bà ba không túi làm nổi bật dáng hình eo thắt tính nữ vừa kín đáo lại rất cởi mở. Cô bảo tôi:  Đố anh nhà báo biết ở đây “Treo cái này bán cái nọ” là gì.

Tôi chột dạ nghĩ đến cái câu mà dân Bắc hay nói với nhau khá kỳ thị “Treo đầu dê bán thịt chó”. Nhưng không, ở đây là một cách chào hàng khá sành điệu với nhiều liên tưởng bay bổng mà thật thà chứ không dối trá. Thấy tôi lúng túng đỏ mặt, cô giải thích: Đó là những người muốn bán ghe họ treo trên cây sào một tấm lá tranh lợp bằng dừa.

Ra thế! Còn đố anh “Không treo mà bán”. Dễ quá rồi. Đó là các món hàng ăn sáng, hàng giải khát làm sao mà treo được ly cà-phê thơm nức, bát hủ tiếu sóng sánh bao hương vị. Nhìn các chị bán hàng ăn, hàng uống len lỏi trên những con xuồng nhỏ trông thật điệu nghệ với một tay cầm chèo đứng chênh vênh  như người làm xiếc, hồ hởi chào khách bằng nụ cười tươi tắn. Thì cầm lòng sao được mà không kêu xuồng lại để thưởng thức ẩm thực miền sông nước trong làn gió mát sớm mai bịn rịn. Dù xuồng chao đảo bởi  sóng nước thì các chị vẫn thoăn thoắt làm hàng nóng rẩy nước lèo bốc khói đố sánh ra ngoài một giọt.

Đến chợ nổi Cái Răng tôi mới hiểu thêm một lớp người thật đặc biệt làm nên cái nền tảng căn cốt hồn vía cái chợ nổi này đó là khách thương hồ! Đó cũng chính là hộ chiếu của đặc trưng sông nước Cần Thơ. Họ là những lớp người học bơi từ trước khi học chữ lênh đênh khắp nơi, lấy ghe làm nhà, lấy sông làm đất ở. Phận người thương hồ thể hiện rõ tính cách của người nơi đây: Hào sảng, thật thà, chân chất và bấp bênh trong cuộc sinh nhai.

Cứ thế đời con tiếp nối đời cha nổi chìm như những con sóng từ tiền kiếp xô về.  Nghề nghiệp của người thương hồ chính là buôn bán. Hàng hóa đa phần là trái cây, nông sản được mua đi bán lại theo kiểu mùa nào thức nấy. Đi tới đâu cũng có bạn bè tri kỷ và hơn hết là cái tình người thương hồ luôn đằm sâu và chân thành. Khách thương hồ  thường thích nhất là câu: “Đạo nào cho vui bằng đạo đi buôn – Xuống bể, lên nguồn, gạo chợ, nước  sông”.

Trên sông khách thương hồ thường cất  giọng hò: “Ngồi buồn vọng nước dợn trăng – Nước xa trăng dợn biết rằng về đâu”. Họ rày đây mai đó vì vậy có những nỗi niềm sướng khổ riêng. Họ là những kẻ hải hồ lang bạt, mượn bốn phương làm nhà nếm trải nhiều miếng ngon vật lạ, thuộc lòng từng nẻo xa xôi nhưng họ cũng là người chịu nhiều  thiệt thòi vì con cái ít được học hành.

Con lớn thì gửi cho ông bà trên bờ. Con nhỏ thì khi sinh ra đã ở với bố mẹ trên ghe, phải giăng lưới quây lại vì sợ con bò ra mép thuyền rơi xuống nước. Nói thế nhưng người thương hồ rất mơ mộng và lãng mạn. Chính cái chất  lãng tử này thì dù có hạn hẹp về không gian ghe chật nhưng tâm hồn đã có sông, có nước, mở ra phóng khoáng vô cùng. Chỉ có họ mới phát hiện được ra vẻ đẹp của hoa cúc vàng: “Cúc  mọc dưới sông kêu bằng Cúc thủy”.

Tôi hỏi một chị “thương hồ” bán hàng trên ghe dưa hấu: Mua bán hằng ngày có đủ sống không chị? Chị vui vẻ: Cũng tạm được chú à. Vì ngày nào cũng có đồng ra đồng vào chứ làm ruộng trên bờ phải 3 đến 4 tháng mới thu hoạch mới có tiền cầm tay. Anh chồng thì cười, vất vả cũng sống được, sống vui quen rồi. Bạn nhiều. Ngày làm tiêu pha xong còn ít nữa thì góp lại chút đỉnh, không thì chẳng sao.

Nhưng tối thì phải có nhậu, phải có ca hát. Trời cho sức khỏe không ốm đau thì sông đó, nước đó, hàng đó lo gì. Rồi anh kể, bạn khách thương hồ mấy thuyền tối về chụm lại nhau. Nấu lồi lẩu cá dưa chua, thêm mấy quả cóc thế là xoay vòng cụng ly. Khi ngà ngà say quẳng hết lo toan bụi bặm ngày thường là ca vọng cổ. Không đàn, chỉ đôi đũa gõ vào xoong nhôm nồi lẩu mà hay đáo để. Rồi trăng lên thả giấc. Mai dậy sớm cho phiên chợ nổi Cái Răng mới…

Đến Cần Thơ tôi cảm nhận được điều đặc biệt “Văn hóa sông nước” xuồng ghe đã bềnh bồng lên cả đất liền. Đi đâu tôi cũng thấy lắc lư cánh võng. Võng vườn cà-phê là đặc trưng của vùng này. Trong khu vườn mát bắc hàng chục chiếc võng bạt cạnh đó là những chiếc bàn nhựa để khách nhâm nhi cà-phê vừa mở trang nhật báo buổi sáng điểm tin tức hằng ngày.

Các nhà vườn cũng mắc nhiều võng cho du khách. Chỉ cần hai cái cây gần nhau là đủ mắc một cánh võng. Không gì thú vị bằng nằm võng ngắm trái cây lúc lĩu, vít  võng nghe tiếng chim vườn lảnh lót và  giấc ngủ trưa cũng vừa thiu thiu chợt đến - Giấc mơ được ướp trong hương trái ngọt ngào của miền nắng gió Tây Đô…

NGUYỄN NGỌC PHÚ

.