Đà Nẵng cuối tuần

Nữ biệt động mưu trí, dũng cảm

07:58, 22/10/2017 (GMT+7)

Với dáng người gầy yếu, giọng nói nhẹ nhàng và gương mặt hiền từ, nhìn bà ít ai biết rằng, có một thời bà đã từng là nữ biệt động mưu trí, dũng cảm, xây dựng cơ sở cách mạng, vận chuyển vũ khí vào nội thành Đà Nẵng.

Bây giờ tuổi đã cao, sức đã kiệt mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương trên cơ thể bà Trang luôn tái phát hành hạ bà cả ngày lẫn đêm. Bà Trang vẫn lạc quan sống vui vẻ bên người chồng - ông Nguyễn Đình Chương - người một thời cùng bà vào sinh ra tử trong các trận đánh ở nội thành Đà Nẵng.
Bây giờ tuổi đã cao, sức đã kiệt mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương trên cơ thể bà Trang luôn tái phát hành hạ bà cả ngày lẫn đêm. Bà Trang vẫn lạc quan sống vui vẻ bên người chồng - ông Nguyễn Đình Chương - người một thời cùng bà vào sinh ra tử trong các trận đánh ở nội thành Đà Nẵng.

Bà Hoàng Thị Thùy Trang, (hiện ở tại K71/10 Hải Hồ, Đà Nẵng) sinh ra và lớn lên trên quê hương Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam. Năm 1963, lúc đó 20 tuổi, bà tham gia vào phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh thuộc Tổng đoàn Thanh niên sinh viên, học sinh chống Mỹ, cứu nước thành phố Đà Nẵng. Với vỏ bọc là chủ tiệm may áo dài Thùy Trang (số 134 Ông Ích Khiêm), bà Trang thường xuyên cung cấp tiền của để in, xuất bản nhiều tài liệu, đặc biệt là Báo Quyết thắng giặc Mỹ (năm 1965). Tiệm may Thùy Trang cũng là nơi bí mật tiếp nhận và phát hành tài liệu tuyên truyền trong phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh.

Sau nhiều năm bí mật hoạt động, đến đầu năm 1967, phong trào bị lộ, nhiều đồng chí bị địch bắt như Hồ Duy Lệ, Nguyễn Văn Minh, Hoàng Hổ… bị đưa vào lao Thừa Phủ (Huế) và nhà lao Quân đoàn 1 tại Đà Nẵng. Rất may, trong lần này, đồng chí Hoàng Mai - người thường xuyên trực tiếp liên lạc với bà Trang đã thoát về được căn cứ cách mạng ở Duy Xuyên nên bà Trang không bị lộ.

Sau một thời gian ngắn, bà Trang đã tìm mọi cách để kết nối với Ban Công vận tỉnh Quảng Đà để tiếp tục hoạt động cách mạng trong nội thành. Bà được giao nhiệm vụ hoạt động đơn tuyến, tiếp tục tuyên truyền, vận động công nhân tham gia kháng chiến; phát động, xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng hoạt động ngay trong nội thành.

Chuẩn bị cho đợt X2 - Mùa thu Mậu Thân 1968, bà Trang được mời về căn cứ gặp anh Kim, Quận đội trưởng quận Nhất, anh Hồng, Phó Ban công vận để bàn kế hoạch đánh vào Đà Nẵng. Tại đây, bà Trang được giao nhiều nhiệm vụ hết sức quan trọng. Thứ nhất, điều tra nắm tình hình hoạt động và vẽ sơ đồ từ bên ngoài vào bên trong Đài phát thanh của địch ở đường Quang Trung để gửi về căn cứ. Thứ hai, là vận chuyển vũ khí từ bên ngoài vào nội thành. Thứ ba chuẩn bị vị trí tập kết cho lực lượng biệt động thành và cả kho chứa vũ khí các loại. Ba nhiệm vụ được tổ chức giao thật vô cùng quan trọng đối với bà Trang, nhưng bà tin ở bản thân mình với lợi thế có ít nhiều kinh nghiệm trong cao trào hoạt động của Tổng đoàn Thanh niên sinh viên học sinh. Với lòng dũng cảm và đa mưu, bà Trang lần lượt thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Quá trình điều tra nắm tình hình ở Đài phát thanh của địch, bà biết được quản đốc đài phát thanh có tên là Tạ Trọng Huy, là bạn thân với giám đốc cảng Đà Nẵng. Bà nhớ ngay đến người cháu đang làm trợ lý cho vị giám đốc cảng này. Và thông qua người cháu, bà đã mời được vị giám đốc cảng đến tiệm may Thùy Trang của bà chơi và tham dự bữa cơm thân mật, tất nhiên trong bữa cơm này, có vị quản đốc Đài phát thanh Tạ Trọng Huy. Với tài khéo léo trong cách ăn nói của cô thợ may tuổi đôi mươi ngày nào, qua một bữa cơm thân mật, bà Trang đã thuyết phục được vị quản đốc đồng ý cho bà nhiều lần vào tham quan đài. Nhờ đó, mục tiêu thứ nhất bà đã hoàn thành - sơ đồ của đài phát thanh từ ngoài vào trong, vị trí lính gác, vị trí đặt máy… đã được bà vẽ lại cụ thể và chuyển về căn cứ an toàn.

Bắt tay vào nhiệm vụ thứ hai, bà Trang ngày đêm trăn trở, suy nghĩ tìm mọi cách để thực hiện nhiệm vụ - đưa vũ khí vào nội thành. Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nếu không cẩn thận, bị lộ, thì giữa sự sống và cái chết như việc úp - ngửa bàn tay. Khi “Chiến tranh đặc biệt” thất bại, trong âm mưu xâm lược Việt Nam, từ tháng 3-1965 Mỹ đã đổ quân vào miền Nam, vào Đà Nẵng. Thành phố Đà Nẵng trở thành một căn cứ liên hợp khổng lồ với các quân binh chủng “sừng sỏ”. Mỹ ngụy đã rải quân chốt điểm đóng căn cứ dày đặc, kết hợp với đánh phá xúc tác gom dân thành những vùng trắng dân, xây ấp chiến lược trên mọi nẻo đường ra vào thành phố… Nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ vùng căn cứ vào thành phố càng trở nên khó khăn và vô cùng nguy hiểm.

Qua quá trình theo dõi, từ Điện Bàn ra Đà Nẵng, bà Trang phát hiện có từ 3 đến 4 trạm kiểm soát của Mỹ ngụy luôn kiểm tra, lục soát chặt chẽ, nên việc vận chuyển vũ khí theo phương án xe đò, xe máy và cả xe đạp là không thể được. Sau nhiều đêm suy nghĩ, bà biết duy nhất chỉ có một phương án là vận dụng người của địch mới vận chuyển trót lọt vũ khí vào thành phố, nhưng bằng cách nào đây?

Bà dũng cảm đến tìm gặp ông chủ tiệm may Đồng Tân nhờ mối quan hệ mua bán đô-la với vợ ông Tân trước đó. Ông Tân là Nghị viên Hội đồng thị xã Đà Nẵng. Không để lộ mục đích của mình, bà nói: Tôi có đô-la từ Núi Thành về, nhưng đến cầu Câu Lâu thì không thể tiếp tục ra được Đà Nẵng. Bà đưa ra giá trao đổi “hời” nên ông Tân đồng ý đưa xe chở bà Trang vào Câu Lâu nhận đô-la.

Chiếc xe Mazda bóng nhoáng của ông Nghị viện Hội đồng chở vợ chồng ông và bà Thùy Trang vào Duy Xuyên được khởi hành, xe qua tới đâu, cũng được các bót gác ra hiệu cho đi suôn sẻ bởi nhờ tấm thẻ của ông Nghị viện Tân. Sau khi giao dịch đô-la thành công ở Câu Lâu, trên đường về, bà Trang bày tỏ ý định muốn mua thử vài thùng thuốc lá từ Thanh Quýt vào thành phố để bán kiếm lời. Nhờ bà Trang chỉ dẫn mua được một số đô-la giá “hời”, nên mới nghe ý định của bà Trang, vợ chồng ông Nghị viện đồng ý chở giúp. Vậy là những thùng vũ khí được ngụy trang bởi thuốc lá được đồng đội chuẩn bị sẵn ở Thanh Quýt được đưa lên xe ông Nghị viện, vượt qua các trạm kiểm soát mà thẳng tiến vào nội thành.

Hơn 10 khẩu AK và vũ khí các loại được đưa vào nội thành an toàn, cất giấu bên trong tiệm may áo dài Thùy Trang trên đường Ông Ích Khiêm. Việc vận chuyển vũ khí hoàn thành. Bà Trang bước vào nhiệm vụ thứ 3 cũng không kém phần nguy hiểm, đó là chuẩn bị vị trí tập kết gần mục tiêu chiến đấu (Đài Phát thanh địch) sao cho dễ ngụy trang, địch ít chú ý nhằm chuẩn bị cho lực lượng biệt động thành từ 10 đến 20 đồng chí, cả kho chứa vũ khí các loại. Bà Trang nhanh chóng tìm hiểu và thuê số nhà 38B Quang Trung vị trí gần đối diện với Đài phát thanh địch để khai trương cơ sở 2 tiệm may áo dài Thùy Trang. Sau khi khai trương tiệm may xong, bà nhờ chồng là Nguyễn Đình Chương, là thợ cơ khí nhưng cũng là cán bộ dân vận, mặt trận quận nhì, lấy ô-tô của người anh là Nguyễn Đình Lương để vận chuyển vũ khí được cất giấu trong các tủ may mặc từ cơ sở  may 1 sang cơ sở may 2 để bàn giao cho 2 nữ biệt động núp dưới danh nghĩa là thợ may đang trực tại đây.

Mưu trí, dũng cảm hoàn thành xuất sắc 3 nhiệm vụ được tổ chức tin tưởng giao phó, công lao của bà Thùy Trang đã đã góp phần thắng lợi cho trận đánh Đài phát thanh - chốt đánh phản kích Xương Bình vào đêm và ngày 23 tháng 8 năm 1968 cùng các trận đánh khác đã tạo được dấu ấn không thể nào quên của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1968.

Sau trận đánh này, tiệm may 38B Quang Trung bị địch niêm phong. Toàn bộ tài sản của bà bị tịch thu. Sáng 24-8-1968 chúng tìm cách vây bắt bà và đưa về giam ở CIA Thanh Bình. Tại đây, bà bị tra tấn 81 ngày đêm với nhiều hình thức hết sức dã man, nhưng địch vẫn không khai thác được thông tin ở bà, buộc chúng chuyển sang nhà lao Kho Đạn (gần chợ Cồn). Tại đây bà bị bọn địch tuyên án 3 năm tù cho hưởng án treo. Tuy nhiên, bọn chúng cố tình không thả bà mà đưa vào nhà giam Thủ Đức, sau đó chuyển sang nhà giam Tân Hiệp (Biên Hòa).

Tại đây, bà Trang tiếp tục tham gia đấu tranh trong tù, đòi quyền dân sinh, dân chủ… Khi phong trào lên đến đỉnh điểm, bọn chúng ném lựu đạn cay vào nhà giam, cũng như nhiều đồng chí khác, bà Trang bị cháy da, nám phổi. Thấy bị thương nặng, bọn chúng đưa vào bệnh viện Biên Hòa và thả bà Trang ở đó. Sau nhiều tháng chống chọi với bệnh tật và được gia đình đưa về điều trị tích cực ở Sài Gòn, bà Trang về lại Đà Nẵng. Đến cuối năm 1972, bà thoát ly khỏi thành phố, tiếp tục hoạt động cách mạng cùng đồng chí, đồng đội ở vùng căn cứ cách mạng cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

ĐẶNG NỞ

.