Đà Nẵng cuối tuần
Trở lại Hòn Tàu
Mỗi khi rời khu phố ồn ào, người, xe và bụi… ra đến những cánh đồng lúa xanh hai bên đường, tôi thường nhìn về phía Tây, nơi xanh xanh một màu trời, xa xa là rặng núi Hòn Tàu - một dãy núi cao trập trùng nối Trường Sơn chạy xuống đồng bằng.
Nhớ Hòn Tàu, tôi nhớ những đường mòn xuyên rừng, nhớ những lần lội dọc theo những con suối cạn gập ghềnh đá, nước trong veo, nhìn thấy những con cá con con, những con ốc đá to bằng đầu ngón tay út. Hai bên bờ suối có những hang hốc đá một thời những cán bộ, phóng viên Báo Giải phóng Quảng Đà từng chọn làm nơi đóng cơ quan. Nói cơ quan, thực ra, ở, ăn, họp hội, viết báo, viết văn, làm thơ, làm ra những tờ báo gửi đến người đọc... cũng đều trong hang đá.
Các đồng chí nguyên là đặc khu ủy viên Quảng Đà thăm căn cứ Hòn Tàu. Ảnh: H.D.L |
Hòn Tàu, cũng là nơi để lại trong chúng tôi nhiều kỷ niệm, nơi chúng tôi còn một món nợ chưa trả thì chưa yên. Đó là, trận bom B52 của Mỹ, cả cơ quan của Ban Tuyên huấn Quảng Đà chết và bị thương đến 15 người, trong đó, bộ phận Báo có anh Hoàng Kim Tùng, Bí thư Chi bộ Báo bị một quả bom tấn chôn vùi trong hang đá cùng bốn anh trong đơn vị. Mãi đến bốn mươi năm sau ngày hòa bình, hài cốt của các anh mới được tìm thấy và đem về quê nhà - nơi vợ con các anh, những người thương yêu vô cùng của các anh đang mong mỏi đến mỏi mòn.
Nơi xanh xanh Hòn Tàu xa xa kia, một lần chia tay núi rừng xuống núi trong mùa Xuân năm 1975, nhiều người trong chúng tôi nghĩ và đã nói rằng là lần xuống núi không trở lại. Vậy mà, nhiều anh em chúng tôi đã trở lại Hòn Tàu nhiều lần để tìm đưa hài cốt các anh bị chôn vùi trong hang đá về Nghĩa trang Liệt sĩ.
Khi giặc Mỹ đổ quân vào thì cuộc chiến trở nên vô cùng khốc liệt, nhiều lần địch lấn chiếm lấy lại gần hết vùng giải phóng của Quảng Đà, hầu hết các cơ quan của Đặc Khu ủy Quảng Đà phải rời vùng đồng bằng Xuyên Thanh, Gò Nổi, vùng B - Đại Lộc, vùng Trung Duy Xuyên, lên núi tìm hang hốc đá để trú quân. Khi lui về đóng trên núi Hòn Tàu, lúc thì ở trong hốc núi Cù Hang - Hòn Quắp, Mặt Rạng, lúc bên con khe Cát chạy dưới chân núi Chúa, lúc ở trong một hang đá bên bờ con khe Dâu - con khe nhiều đá có những cây dâu da sây trái sà tận gốc ấy chảy qua đất Quế Sơn hay đất của Duy Xuyên! Từ một hang đá trên bờ con khe Dâu, từ một căn hầm bên sườn núi dưới chân “miếng Lở” bên khe Cát… chúng tôi xuống Đồng Lùng, Phú Diên, Gò Dê, Núi Đất, Xuyên Trà, Duy Ninh, Bà Rén… mua gạo, mắm, sữa, đường.
Ngày ấy, lương thực cũng quan trọng như vũ khí, nhiều khi cần hơn vũ khí. Để chủ động mọi tình huống, cơ quan, đơn vị nào cũng phải tổ chức sản xuất tự túc để tăng thêm nguồn lương thực. Chúng tôi qua đèo Đòn Gánh xuống Đồng Lùng, Nghi Sơn, tìm đất trồng rau, chúng tôi băng rừng, vượt đèo Le, lên Sơn Phúc - nơi một thời là “Đồng Nai con” của Quế Sơn tìm đất dân làng bỏ hoang cuốc đất trồng khoai, cấy lúa. Từ trong hang đá, chúng tôi thường lần ra xóm dân trụ bám tìm rau, xin sắn về cải thiện bữa ăn thường là muối hay mắm cái pha muối và nước, thêm chút bột ngọt.
Vùng núi Hòn Tàu thuộc Duy Xuyên chạy dài từ thung lũng Quế Sơn, qua Ba Ao, hang Ba Mạng, chạy quanh chân núi Chúa gần khu đền tháp Mỹ Sơn - nay là Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, chạy qua núi đồi phía nam hồ - đập Vĩnh Trinh, qua những đồi núi cao dần lên đến Hòn Quắp, Hòn Cóc phía Đông - Na; Hòn Bằng - Non Trược - Trà Kiệu - những tên gọi đã đi vào trang sử, trang văn.
Bên kia Hòn Tàu, dưới chân Đèo Le thuộc thung lũng Quế Sơn có những tên gọi gắn vào lịch sử oai hùng chống giặc Mỹ như Hốc Xôi, Mương Đôi, Lộc Đại, Nghi Sơn. Từ thung lũng Quế Sơn băng qua đèo Le lên Trung Phước, lên Tý Sé, Dùi Chiêng, Hòn Kẽm - Đá Dừng. Từ Đèo Le ra Trung Phước, qua sông Thu Bồn, gặp làng cây trái bốn mùa của Đại Bình, qua vùng B của Đại Lộc lên Giằng, lên Hiên - vùng dân tộc ít người - căn cứ cách mạng của miền Tây Quảng Nam - Đà Nẵng.
Từ vùng núi Duy Xuyên chân Hòn Tàu đi bộ khoảng hai đến ba giờ đồng hồ thì đến đồng đất của Xuyên Thanh, Xuyên Lộc, đến với các làng ven sông có các chợ Mỹ Lược, La Tháp, Trà Kiệu, Bà Rén, chợ Gò, Nam Phước, nơi khi chưa bị máy bay Mỹ đánh phá tan hoang thì luôn có nguồn lương thực thực phẩm có thể chuyển ra vùng giải phóng. Từ Hòn Tàu xuống vùng đồng bằng Trung Duy Xuyên vượt sông Thu Bồn qua Gò Nổi - Điện Bàn. Nơi đây cũng có những cửa khẩu thu hút nguồn lương thực, thực phẩm từ trong vùng địch kiểm soát, nơi đây còn là địa bàn xây dựng cơ sở nội thành, xây nên những bàn đạp để đặt chân vào Đà Nẵng, Hội An.
Vùng núi Hòn Tàu không có rừng già, không có hang động lớn nhưng dọc theo các khe có nhiều đá nhấp nhô khá hiểm trở, có những hang hóc đá bên dòng nước trong veo có thể che chắn nắng mưa để ở tạm, để cất giấu lương thực, vũ khí, có thể tránh bom, pháo.
Khi cơ quan của Quảng Đà – từ cuối năm 1967, rồi thành lập Mặt trận 4 thì gọi là Đặc Khu ủy Quảng Đà về ở đây thì các cơ quan đơn vị trực thuộc cũng đi theo, thường ở thấp hơn, cách cơ quan của Đặc khu ủy, từ 45 phút đến 1 giờ đi bộ. Các cơ quan như Tổ chức, Tuyên huấn, Binh vận, Đấu tranh chính trị, Thanh niên, Phụ nữ, Mặt trận, Nông hội, Giao bưu… thì ở cách nhau chừng 30 phút đi bộ. Bấy giờ gọi là khu chín chủ.
Ngày ngày các chiến sĩ giao bưu lặn lội qua những con đường chưa mòn trong mé núi, không chỉ để nối thông tin liên lạc từ cơ quan này sang cơ quan khác mà còn chuyển công văn, thư từ và người đến tất cả các huyện thị trong Đặc khu theo yêu cầu. Các cơ quan của Mặt trận Quảng Đà, và cả của Quân khu V, vẫn có quân trú ở Hòn Tàu, nhất là những đơn vị hậu cần luôn trụ ở quanh chân núi Hòn Tàu để đi thu mua lương thực, thực phẩm tại các cửa khẩu liên thông với quốc lộ 1 - đoạn quốc lộ chạy từ Điện Bàn vào đến Núi Thành. Hòn Tàu là căn cứ ẩn quân, là căn cứ trú quân trước khi xuất kích tấn công vào hang ổ quân thù.
Một cuộc xuất quân - Mùa xuân lịch sử năm 1975, Bí thư Khu ủy V, Võ Chí Công, cùng Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy Hồ Nghinh, từng làm Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà, từ căn cứ ở Trà My, trên đường chỉ huy các cánh quân đã dừng chân lại Hòn Tàu trước khi xuống đồng bằng tiến vào Đà Nẵng. Và Trần Thận - Bí thư cùng các vị trong Ban Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà, ngày 24-3-1975 - ngày thị xã Tam Kỳ của Quảng Nam vừa được giải phóng, đã họp bàn triển khai Chiến dịch Xuân 1975 và xuất quân từ căn cứ Hòn Tàu tiến vào giải phóng thành phố Đà Nẵng trưa ngày 29-3-1975.
Nhớ lần đầu trở lại với Hòn Tàu, sau gần bốn mươi năm, mưa gió bão bùng, nước cuốn cát trôi, đá vỡ sạt đổ nhào làm cho địa hình biến dạng, cây gai um tùm che chắn lối nhìn, bịt kín lối đi. Tuy nhiên, ngoài những vật chứng mò soi tìm được dưới mấy lớp đá của hang đá Điện đài như vài mảnh áo cũ sờn, vài mảnh võng mục mềm, cái lon ăng-gô móp méo, mấy đọan dây dù cột võng đen thui, mấy khúc dây điện… Và ba cái hang, gồm hang Văn phòng, hang Báo Quảng Đà và hang Điện đài đá vỡ sụp sệ vì bom, vì pháo, vẫn còn ở vị trí như trong trí nhớ của chúng tôi, nhất là cái giếng đá nhỏ bên cái bếp vẫn còn. Ngày ấy giữa mùa hè nước róc rách phải moi cái hục lấy cái lon múc, nay không có một giọt nước! Và, cái đồi cụt, cách mấy cái hang chừng bảy mươi mét về phía Tây - nơi chôn 5 anh em hy sinh trong cái hang Văn phòng vẫn còn, đó là chị Trần Thị Hồng, em Lê Thị Toán, anh Võ Văn Ấn, anh Nguyễn Đức Tân, em Phạm Phô, chỉ khác là ngọn đồi không trọc lóc với lơ thơ lách, rang, sim còi cọc như ngày ấy mà nay cây cối um tùm, nhiều cây cao xanh mát rượi.
Khi tìm ra được hang đá, tìm ra hài cốt anh em, xuống núi trong chiều thu mưa nặng hạt lòng chúng tôi như nhẹ hơn vì đã làm được một phần việc mà lâu nay luôn là một gánh nặng trĩu tưởng chừng không thể nào vơi đi. Mỗi lần đi tìm các anh chị, lúc quay về xuống đến chân núi, chúng tôi luôn đứng nhìn lên Hòn Tàu. Ai cũng biết nơi núi cao xanh xanh ấy, đâu chỉ có cơ quan của Ban Tuyên huấn Quảng Đà là còn nặng nợ, mà hầu như cơ quan nào trực thuộc Tỉnh ủy, Thành ủy, Khu ủy ngày ấy cũng có người hy sinh nằm lại, có nhiều kỷ niệm khó quên, chưa kể xung quanh khu vực các bệnh xá 78, bệnh xá 76, Bệnh xá Duy Xuyên, Dân y Quảng Đà nơi đã cứu chữa biết bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ bị thương từ các mặt trận ở đồng bằng chuyển về… còn rất nhiều liệt sĩ chôn trên các đồi, chôn bên hai bờ suối chưa tìm ra hài cốt.
Nay đã có con đường cho ô-tô, xe máy chạy đến sát chân núi, ô-tô chạy qua Đồi Lon vào tới nơi từng đóng cơ quan của Đặc Khu ủy Quảng Đà. Đồi Lon là ngọn đồi dài như một cái yên ngựa khổng lồ nằm dưới lừng chừng dãy Hòn Tàu, đứng trên Đồi Lon nhìn ra thấy Núi Chúa, Mỹ Sơn, thấy đồng bằng Duy Xuyên. Để giám sát dãy Hòn Tàu, Mỹ thả bom cháy trụi cây trên dãy yên ngựa rồi đổ quân chốt nhiều ngày, chốt nhiều lần, do đó đã bỏ lại vô số là lon đựng thịt, lon đựng bánh, lon đựng bia, nước ngọt... Anh em đặt cho cái núi yên ngựa không tên này một cái tên như thế. Quanh Đồi Lon, theo khe nước róc rách chảy từ đỉnh Hòn Tàu ra có các cơ quan đơn vị đóng quân...
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã khẳng định giá trị lịch sử của Hòn Tàu, đã đầu tư công sức và kinh phí để lưu giữ những giá trị cần bảo tồn và phát huy giá trị của căn cứ Hòn Tàu - căn cứ cách mạng Đặc Khu ủy Quảng Đà. Và, đặc biệt, đã đầu tư khá lớn làm một con đường cho ô-tô có thể chạy vào sâu trong căn cứ Hòn Tàu, là cơ sở để người lính có điều kiện thuận lợi hơn làm nhiệm vụ Quốc phòng và là điều kiện vô cùng thuận lợi cho những ai dù chân đã yếu, sức đã kiệt muốn thăm lại Hòn Tàu cũng có thể thực hiện và cho những ai muốn biết, muốn khám phá và muốn dã ngoại tận căn cứ Hòn Tàu.
Về với Hòn Tàu, đâu chỉ có kỷ niệm, nơi ấy còn có hồn thiêng núi rừng, hồn thiêng các anh hùng liệt sĩ. Đồng đội và các thế hệ nối tiếp sau không chỉ cảm nhận, mà cần làm tốt hơn nhiệm vụ đền ơn, hết lòng đáp nghĩa, luôn nhớ về các anh hùng liệt sĩ với lòng thành kính, biết ơn!
Hồ Duy Lệ