Đà Nẵng cuối tuần

Đà Nẵng vươn lên tầm cao

07:49, 05/11/2017 (GMT+7)

Lịch sử phát triển Đà Nẵng có nhiều tương đồng với đất nước Singapore. Singapore cũng xuất phát từ một làng chài nghèo khi tách ra khỏi Malaysia và đã vươn lên thành một con rồng của châu Á, là một mô hình tiêu biểu cho phát triển kinh tế-xã hội của châu Á và cả thế giới. Đà Nẵng cũng xuất phát từ một làng chài ven biển và đang từng bước trỗi dậy mạnh mẽ, vươn mình để trở thành một con rồng mới trong tương lai.

Các nhà đầu tư nước ngoài trao đổi tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017. Ảnh: THÀNH LÂN
Các nhà đầu tư nước ngoài trao đổi tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017. Ảnh: THÀNH LÂN

Đà Nẵng là một vùng đất giao thoa giữa con sông lớn và Biển Đông. Nơi đây hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên như núi, sông, biển, đảo để làm nên một vùng non nước hữu tình và thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.

Vùng đất sinh ra từ huyền thoại

Người Đà Nẵng vẫn nhớ về truyền thuyết, ngày xửa ngày xưa có một cụ già từ miền biển phía Bắc xa xôi bơi thuyền đến cập vào bãi biển Đà Nẵng, cụ lên bờ và dựng một túp lều tranh sống hiu quạnh một mình với công việc chài lưới. Một hôm, trời đất đột ngột đổi thay. Trong tiếng gầm rít của gió, tiếng gào thét của sóng, một con Rồng khổng lồ xuất hiện, làm mặt đất rung chuyển, cát bụi bay mù mịt. Sau một tiếng sấm vang lên, từ dưới bụng Rồng lăn ra một quả trứng lớn.

Rồng từ từ quay ra biển và biến mất sau những đợt sóng khổng lồ. Trời yên biển lặng, một con Rùa Vàng từ ngoài khơi tiến vào đào một lỗ trên cát rồi vùi quả trứng xuống. Rùa Vàng quay lại bảo cụ già: “Ta là thần Kim Quy, ta muốn ngươi phải gắng sức bảo vệ giọt máu này của Long Quân”… Trứng cứ lớn mãi, lớn mãi choán gần hết căn nhà tranh bé nhỏ của cụ. Vỏ trứng lấp lánh như một hòn ngọc khổng lồ. Đến nay, những hòn núi đá cẩm thạch ấy vẫn còn trơ gan theo cùng năm tháng bên cạnh Biển Đông mà dân gian vẫn quen gọi là hòn Non Nước hay Ngũ Hành Sơn.

Dân gian có câu “Đất lành chim đậu”, Đà Nẵng còn hơn thế nhiều. Mảnh đất Đà Nẵng đã được Long Quân chọn để gửi gắm đứa con của mình nên đây là mảnh đất đáng sống, đáng để trải nghiệm. Trải bao năm tháng, người dân khắp nơi chuyển đến đây sinh cơ lập nghiệp và dần dần hình thành nên một thành phố Đà Nẵng như ngày hôm nay. Lịch sử phát triển Đà Nẵng có nhiều tương đồng với đất nước Singapore. Singapore cũng xuất phát từ một làng chài nghèo khi tách ra khỏi Malaysia và đã vươn lên thành một con rồng của châu Á, là một mô hình tiêu biểu cho phát triển kinh tế-xã hội của châu Á và cả thế giới. Đà Nẵng cũng xuất phát từ một làng chài ven biển và đang từng bước trỗi dậy mạnh mẽ, vươn mình để trở thành một con rồng mới trong tương lai.

Nơi quần long hội tụ

Đà Nẵng đã được lựa chọn làm nơi tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Để có được sự lựa chọn này, chính quyền, người dân Đà Nẵng đã phấn đấu không mệt mỏi qua nhiều năm tháng và đã chứng minh được Đà Nẵng đáp ứng các yêu cầu khắt khe về an ninh, hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, năng lực quản lý, trình độ và kinh nghiệm tổ chức các sự kiện lớn mang tầm vóc quốc tế.

Tham gia Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng sẽ có lãnh đạo cao cấp của 21 nền kinh tế thành viên APEC, với sự tham gia của Tổng thống Mỹ Donal Trump, Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình... Bên cạnh các cuộc họp của lãnh đạo APEC, sẽ có lãnh đạo của hơn 1.000 tập đoàn, doanh nghiệp trên khắp thế giới đến Đà Nẵng để tham gia các diễn đàn, triển lãm về đầu tư phát triển kinh tế.

 Hoạt động sản xuất ở Công ty sản xuất ô-tô TCIE (Công ty thành viên của Tập đoàn Tan Chong, Malaysia) tại Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN
Hoạt động sản xuất ở Công ty sản xuất ô-tô TCIE (Công ty thành viên của Tập đoàn Tan Chong, Malaysia) tại Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN

Chúng ta có thể nói, đây là nơi “quần long hội tụ”, nơi các tinh hoa về lãnh đạo chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục của 21 nền kinh tế thành viên tụ họp để đề ra các sáng kiến, chính sách nhằm phát triển kinh tế-xã hội của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và của cả thế giới.

Nắm bắt vận hội, hướng đến tương lai

Qua 28 năm hình thành APEC, Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 tổ chức tại Đà Nẵng và Việt Nam vinh dự trở thành nước thứ 10 được tổ chức 2 lần (năm 2006 tại Hà Nội). Duy chỉ có Thái Lan tổ chức 2 lần đều ở Băng-cốc, còn lại các nước khác đều tổ chức ở 2 thành phố năng động khác nhau. Ví dụ: Nhật Bản tổ chức ở Osaka (1995) và Yokohama (2010), Hàn Quốc ở Seoul (1991) và Busan (2005), Trung Quốc ở Thượng Hải (2001) và Bắc Kinh (2014), Hoa Kỳ ở Seattle (1993) và Honolulu (2011)…

Nhìn lại lịch sử, ngay từ thập niên 90 của thế kỷ 20, APEC tổ chức tại các thành phố Canberra (Úc), Singapore, Seoul (Hàn Quốc), Bangkok (Thái Lan), Seattle (Hoa Kỳ), Bogor (Indonexia), Osaka (Nhật Bản), Subic (Philippines), Vancouver (Canada), Kuala Lumpur (Malaysia),… chúng ta thấy hầu hết các thành phố này ngày nay trở thành các trung tâm công nghiệp, tài chính, dịch vụ, du lịch, văn hóa quan trọng không những của chính quốc gia đó mà còn là của châu lục và thế giới.       

Nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia từng đăng cai APEC, Francis Hualupmomi, Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Victoria (New Zealand) nhận thấy, những lợi ích về kinh tế và chính trị mà nước chủ nhà thu được luôn vượt xa chi phí mà họ bỏ ra. Ông đã chỉ ra những lợi ích dễ nhận thấy nhất là việc gia tăng đầu tư trong các lĩnh vực du lịch và kinh doanh sẽ giúp tạo ra việc làm; uy tín của nước chủ nhà, của thành phố đăng cai được nâng cao; phát triển hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội được đẩy mạnh và mở rộng năng lực cùng khả năng quốc phòng…

Về lâu dài, những cơ hội từ việc tổ chức APEC sẽ góp phần không nhỏ làm tăng thêm thương mại và đầu tư trong khu vực cho nước đăng cai. “Philippines từng là chủ nhà của hai kỳ APEC (1996 và 2015). Họ đang chứng kiến mức tăng trưởng 8% - mà một phần nguyên nhân chính là kết quả của sự tăng trưởng đầu tư mạnh mẽ diễn ra trong thời kỳ từ 1996 đến 2015”, GS Francis Hualupmomi nhìn nhận.

Đà Nẵng đã được trao cho một cơ hội lớn khi được chọn tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC, trao cơ hội tiếp đón hàng ngàn nhà báo trong  khu vực và quốc tế để xướng tên Đà Nẵng ra thế giới. Với quy mô và tầm quan trọng của mình, APEC khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp uy tín hàng đầu thế giới sang làm ăn, kinh doanh và đầu tư vào Việt Nam, tạo ra cơ hội “vàng” cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác và phát triển.

Đây là cơ hội không thể tuyệt vời hơn để giới thiệu, quảng bá về con người, thiên nhiên, năng lực tiếp nhận đầu tư, năng lực quản lý và hợp tác với 21 nền kinh tế APEC và cả thế giới.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ khẳng định: “Đây cũng là cơ hội để chúng tôi quảng bá, giới thiệu, kêu gọi sự đầu tư vào Đà Nẵng, đặc biệt là những tổ chức hàng đầu, những tổ chức thiết kế chính sách góp phần làm thay đổi môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp”. (baochinhphu.vn)

Cơ hội đã được trao nhưng nắm bắt cơ hội đó thế nào, ứng xử trước cơ hội đó như thế nào mới là quan trọng, mới thể hiện được tài năng và năng lực thực sự của thành phố. Tranh thủ cơ hội để phát triển là vô cùng cấp thiết, đòi hỏi phát huy tối đa trí tuệ, tâm huyết, công sức của toàn Đảng, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng.

Hãy chứng minh cho thế giới thấy hình ảnh thực sự của con người Đà Nẵng là văn minh, mến khách, yêu chuộng hòa bình, năng động, sáng tạo và khao khát hợp tác để phát triển. Hãy chứng minh cho thế giới thấy Đà Nẵng chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng, đáp ứng tất cả các điều kiện để đón nhận những làn sóng đầu tư hậu APEC.

Đây cũng là cơ hội để chúng tôi quảng bá, giới thiệu, kêu gọi sự đầu tư vào Đà Nẵng, đặc biệt là những tổ chức hàng đầu, những tổ chức thiết kế chính sách góp phần làm thay đổi môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp”.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng
Huỳnh Đức Thơ

 GS.TS Trần Văn Nam
Giám đốc Đại học Đà Nẵng
 

.