Những "chiến binh" quả cảm

.

Cùng mơ ước trở thành bác sĩ nhưng cả hai cô bạn Dương Thị Lanh và Phạm Thị Tường Vi (SV năm 4, ngành Công nghệ thực phẩm, khoa Hóa, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) đều bỏ dở ước mơ. 4 năm ngồi trên giảng đường cũng là chừng đó thời gian hai bạn âm thầm “chiến đấu” với bệnh tật. Những lần xạ trị nghỉ học cả tháng, những lần lặn lội ra Bệnh viện Trung ương Huế để tái khám, mỗi ngày phải uống cả vốc thuốc… nhưng ngoài gia đình, bạn bè và thầy cô không hề hay biết. Lanh và Vi  nói rằng: “Nếu biết tụi em bệnh, thầy cô và bạn bè sẽ quan tâm nhiều hơn. Tụi em không muốn như vậy. Tụi em muốn được mọi người xem là những SV bình thường…”.

Hai sinh viên nhỏ nhắn nhưng có tinh thần chiến đấu quả cảm với bệnh tật của những “chiến binh”. Ảnh: Q.T
Hai sinh viên nhỏ nhắn nhưng có tinh thần chiến đấu quả cảm với bệnh tật của những “chiến binh”. Ảnh: Q.T

Đón nhận hung tin

Lanh khá gầy gò nhưng có nụ cười tươi và đôi mắt sáng rất thu hút. Năm học 12, sau ngày thi tốt nghiệp THPT, Lanh được ba mẹ cho ra Đà Nẵng thăm chị gái. Đó cũng là ngày đầu tiên Lanh cảm nhận, cơ thể đang hoạt động không theo ý mình. Lanh không tự ngồi dậy được, tay, chân bất động. Chị gái tức tốc chở Lanh đến Bệnh viện Quân y 17 khám. Tại đây, thấy biểu hiện bệnh lạ, bác sĩ cho chuyển thẳng ra Bệnh viện Trung ương Huế. Thời điểm đó, chỉ còn vài ngày là thi đại học. Và, ước mơ trở thành sinh viên ĐH Y của Lanh lăn dài theo những dòng nước mắt trên giường bệnh.

Lanh được chẩn đoán bị nhược cơ và u tuyến ức. Sau điều trị một tháng, Lanh có dấu hiệu đáp ứng thuốc và được cho về nhà điều trị. Về nhà, không nghỉ ngơi ngày nào, cô bạn vùi đầu vào ôn luyện để tiếp tục cho lần thi năm sau. Thế nhưng, ngay trước thềm kỳ thi đại học 2 tháng, biểu hiện nhược cơ lại tái phát. Nằm trên giường bệnh mà lòng như lửa đốt, không chịu được nữa, trước kỳ thi 1 tuần, Lanh xin bác sĩ về để đi thi. Năm đó, cô bạn chuyển hướng thi ngành công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng vì… sợ ôn luyện chưa đủ để thi Y. Năm đó, Lanh đậu đại học với số điểm khá cao. Niềm vui vỡ òa với cô gái nhỏ kiên cường và cả gia đình.

Nếu như Lanh biết rõ về bệnh tình của mình thì Vi lại được gia đình giấu kín. Khi đang học lớp 11, những cơn đau vô cớ đến liên tục khiến gia đình đưa Vi ra Bệnh viện Đà Nẵng kiểm tra. Thời điểm đó, Vi đã được chẩn đoán ung thư tuyến giáp nhưng ba mẹ bảo là em bị… bướu cổ. Lần đó, Vi nghỉ học 3 tháng để chữa bệnh, những tưởng dở dang một năm học. Nhưng sau khi ra viện, với sự giúp đỡ của cô giáo chủ nhiệm cùng bạn bè, Vi đã theo kịp kiến thức trên lớp. Mỗi tháng, Vi phải xạ trị một lần tại khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Đà Nẵng. Vi kể, mỗi lần xạ trị về là cô bạn phải cách ly với gia đình 1 tháng, nếu không muốn mọi người bị nhiễm phóng xạ. Mãi đến khi đang học năm nhất đại học, trong một lần cùng mẹ đến bệnh viện tái khám, ngồi ngoài phòng chờ, nghe những bệnh nhân khác trò chuyện, Vi mới biết, mình đã bị ung thư. Vi sa sút tinh thần nghiêm trọng, lực học tụt dốc không phanh… Từ một cô bé học giỏi, vui tươi, Vi trở nên buồn bã, trầm cảm.

Và, đứng lên “chiến đấu”

Những tưởng 2 căn bệnh nhược cơ và u tuyến ức đã đủ dày vò cô gái bé nhỏ, nhưng không, đến năm 2 đại học, Lanh lại phát hiện bị u tuyến yên. “Lúc đó, em không suy sụp, em chỉ nghĩ, dường như ông trời thấy chừng đó khó khăn là chưa đủ với mình nên phải thử thách thêm”, Lanh chia sẻ. Chữa ung thư với những gia đình có điều kiện đã vất vả, huống gì với SV đến từ miền quê nghèo. Lanh nói, em không xin tiền của bố mẹ. Bố mẹ ở quê (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) còn nuôi 4 người con nữa. Em tự đi làm thêm tại các cửa hàng áo quần, quán ăn… “Mỗi tuần em chỉ dùng 80.000-100.000 đồng cho tiền ăn. Em đi bộ đến trường nên không tốn chi phí đi lại. Mỗi tháng, tiền sinh hoạt của em khoảng 600.000 đồng thôi. Tiền đi làm thêm dư được một ít em cất lại để dành đi khám. Em phải ra Huế tái khám 2 tháng/lần. Trước khi đi, phải đến Bệnh viện Đà Nẵng chụp cắt lớp MRI, mỗi lần cũng hơn 2 triệu đồng…”, Lanh chia sẻ.

Tương tự Lanh, Vi cũng xuất thân từ gia đình nghèo ở xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Dẫu ngày nào cũng phải uống thuốc, sức khỏe yếu đi thấy rõ nhưng ngoài giờ học, Vi đi phụ bán ở quán bánh canh từ 4 giờ chiều đến 10 giờ đêm. Chủ nhật, Vi tranh thủ đi làm tại nhà hàng tiệc cưới từ 2 giờ chiều đến 10 giờ 30 tối. Mỗi lần, chỉ được 100.000 đồng. “Hồi em bị bệnh năm lớp 11, bác sĩ bảo em chỉ uống thuốc đều đặn 2 năm là khỏi bệnh. Em nghe lời, uống đầy đủ. Vậy mà ngoảnh lại, giờ đã 5 năm sống chung với bệnh rồi. Bác sĩ nói em sẽ còn sống chung với bệnh, với thuốc cả đời. Tuy vậy, giờ tinh thần em đã tốt hơn trước nhiều. Em muốn mình vững vàng để ba mẹ đỡ lo lắng. Em là chị Hai, phải làm gương cho các em nữa”, Vi bộc bạch.

Những tháng ngày qua của Vi và Lanh là những ngày chia sẻ giữa giảng đường và bệnh viện. 4 năm, mỗi lần nhập viện là phải nghỉ học hằng tháng trời. Vậy mà với tinh thần lạc quan, dũng cảm, hai bạn không chỉ kiên trì đối đầu với bệnh tật mà còn đạt thành tích tốt trong học tập. Với Vi, sau năm đầu tiên suy sụp, bạn đã lấy lại tinh thần. Năm tiếp theo học khá, năm 3, năm 4 đạt loại giỏi. Lanh cũng tương tự.

Điều đặc biệt, dù học cùng lớp, Lanh và Vi không hề biết nhau bị bệnh. Hai bạn chỉ mới biết bệnh của bạn mình từ đầu năm nay, khi nhà trường thông báo làm hồ sơ xét hỗ trợ cho SV khó khăn. Giờ đây, hai bạn trở nên thân thiết, chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống. Vi và Lanh đồng lòng: “Bớt tìm hiểu về bệnh tật, tập suy nghĩ tích cực, sống hòa đồng với mọi người xung quanh. Còn sống được ngày nào là phải vui vẻ và sống có ích”.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.