21 quốc gia thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm hơn 54% diện tích rừng thế giới nhưng cũng chiếm 60% chất thải công nghiệp và 44,6% lâm sản thế giới. Chính vì thế, cuộc họp lần thứ 4 các Bộ trưởng Lâm nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra từ ngày 30-10 tới 1-11 ở Seoul, Hàn Quốc là dịp để các đại biểu nhìn nhận rừng đang phát triển như một vấn đề xuyên suốt liên quan tới biến đổi khí hậu, đói nghèo và xã hội hiện đại.
Hàn Quốc thành công với việc khôi phục rừng. |
Hàn Quốc là một điển hình của thế giới về công việc phát triển rừng. Thủ tướng Lee Nak-yon cho rằng, Hàn Quốc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong việc khôi phục rừng mà họ đã thực hiện sau khi kết thúc cuộc chiến 1950-1953. Hàn Quốc chỉ cần chưa tới hai thập niên đã thành công trong việc trồng rừng nhờ nhận được sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế.
Cơ quan Kiểm lâm Hàn Quốc (KFS) biến chuyển đất hoang thành đất rừng từ những năm 1970 và đưa vào khai thác tài nguyên rừng từ cuối những năm 1980. Hàn Quốc hiện có 6,3 triệu ha rừng, chiếm 63,2% diện tích đất của mình. Tính đến năm 2015, Hàn Quốc có tỷ lệ rừng cao thứ tư trong số các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế. Con số này gấp đôi con số trung bình của thế giới là 31%.
KFS ước tính giá trị rừng của Hàn Quốc hồi năm 2014 là 148 tỷ USD, chiếm hơn 10% tổng sản phẩm quốc nội. Ngành công nghiệp chế biến lâm sản của Hàn Quốc từ gỗ, thảo mộc, nấm, rau xanh tới sản xuất đá thương mại và làm vườn đã tạo ra giá trị 35 tỷ USD và khoảng 250.000 việc làm. Rừng cũng mang lại những lợi ích vô hình như bảo vệ nguồn nước ngọt trên mặt đất, chống sạt lở đất, giảm phát thải khí nhà kính và bảo tồn đa dạng sinh học. Năm 2016 có tới 16,4 triệu người tới thăm 166 khu rừng giải trí; trong khi đó 9 khu rừng dành cho thiền đón 1,2 triệu du khách.
Thủ tướng Lee nói rằng rừng giúp đối phó với thay đổi khí hậu và những thách thức về môi trường khác. Ông cũng kêu gọi khu vực hợp tác để ngăn chặn việc khai thác gỗ trái phép thông qua cơ chế hợp tác đa phương; đồng thời đề xuất các nỗ lực chung để mở rộng rừng, chống lại việc khai thác trái phép, bảo tồn và quản lý cây hiện có.
Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC có trụ sở tại Singapore là Alan Bollard khuyến khích ngoài những lợi ích đã nói ở trên thì trồng rừng còn là cách phát triển du lịch. APEC đặt mục tiêu có một tỷ du khách vào năm 2020 nhưng du lịch liên quan tới rừng còn hạn hẹp bởi vì không chỉ mở rộng du lịch sinh thái mà còn tạo thêm nhiều việc làm cho vùng nông thôn. Châu Á Thái Bình Dương đặt kế hoạch tăng thêm 20 triệu ha rừng vào năm 2020.
A.T (Theo Korea Herard, Korea Times)