Sự học bên ngoài giảng đường

.

“Chuyện học cần có sự cần cù, tận dụng thời gian, không gian tối đa để thực hành những gì mình đã học được trên giảng đường, ứng dụng vào cuộc sống để rèn luyện kỹ năng”, Trần Hồng Quyên, sinh viên (SV) ngành ngôn ngữ Nhật, khoa Nhật - Hàn - Thái, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng chia sẻ.

Học đi đôi với hành

Từng có ước mơ trở thành một doanh nhân thành đạt trong suốt những năm theo học THPT, nhưng tốt nghiệp lớp 12, cô bé Trần Hồng Quyên lại bất ngờ đổi hướng, chọn cho mình con đường theo học tiếng Nhật. Qua 3 năm theo học ngành ngôn ngữ Nhật, Quyên luôn ghi danh mình trong nhóm SV có thành tích học tập xuất sắc nhất lớp.

Trần Hồng Quyên (trái) tham gia tình nguyện viên Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 tại Đà Nẵng.
Trần Hồng Quyên (trái) tham gia tình nguyện viên Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 tại Đà Nẵng.

Quyên vinh dự nhận giấy khen “Sinh viên tiêu biểu” năm học 2016-2017 của Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ và được vinh danh trong lễ tuyên dương sinh viên tiêu biểu của ĐH Đà Nẵng đầu năm học 2017-2018.

Chia sẻ về kinh nghiệm học tập của mình, Quyên cho biết, với bất cứ ngành học nào, ngoài năng lực, bản thân mỗi sinh viên cần có kế hoạch học tập khoa học và sự cần cù chăm chỉ trong việc học, nhất là với các môn học ngoại ngữ thì sự chăm chỉ ấy đòi hỏi rất lớn. “Trong hai năm đầu tiên, ngoài giờ lên lớp em ưu tiên thời gian rèn luyện từ vựng, ngữ pháp và phát âm tại nhà để nắm được một lượng kiến thức căn bản nhất”, Quyên chia sẻ.

Khi vốn kiến thức nền đã kha khá, Quyên bắt đầu lập kế hoạch để rèn luyện sâu hơn, nhất là phần luyện nói. Bạn tham gia các hoạt động ngoại khóa, tham gia các phong trào, các hội trại, các lễ hội văn hóa Việt Nam - Nhật Bản; học thêm từ các nguồn tư liệu thông qua mạng Internet… “Với tiếng Nhật, phải tham gia thật nhiều hoạt động mới có cơ hội trau dồi khả năng giao tiếp được. Em học giao tiếp trong bất kỳ hoàn cảnh nào, học ở thầy, học ở bạn, học ở cả những du khách người Nhật mà em bắt gặp đâu đó trên đường, nhà ga, các điểm du lịch của Đà Nẵng”, Quyên nói.

Việc học bên ngoài giảng đường cho Quyên sự tự tin trước đám đông. Đó cũng chính là yếu tố quan trọng giúp Quyên tham gia các cuộc thi hùng biện tiếng Nhật, Festival Văn hóa Việt - Nhật năm 2016, 2017; tham gia tình nguyện viên tại sự kiện ABG5…

Kết nối tình hữu nghị từ những điều nhỏ nhất

Bước vào năm cuối đại học, Quyên đầu tư nhiều hơn thời gian cho việc học với ước mơ sau ngày tốt nghiệp sẽ tìm được một suất học bổng du học ở xứ sở Phù Tang. Quyên kể, ước mơ này của em được nhen nhóm từ năm đầu tiên vào ĐH, nhưng nó thực sự có động lực khi lên năm 3, Quyên gặp một bạn sinh viên đến từ Nhật trong một buổi giao lưu  với các sinh viên đại học Nagasaki đến từ Nhật Bản.

Sau buổi giao lưu, cả hai đã có những chuyến đi trải nghiệm đầy thú vị ở các di tích, thắng cảnh, thưởng thức những món ăn đặc sản của thành phố bên bờ sông Hàn. Quyên bộc bạch: “Khi nói tới quan hệ giữa hai đất nước người ta sẽ nghĩ tới những điều lớn lao như những dự án kinh tế, viện trợ hay các chính sách đối ngoại. Nhưng với em, nó xuất phát từ những tình bạn giản đơn. Mặc dù có thể giao tiếp bằng tiếng Anh nhưng khi gặp các bạn Nhật, tụi em lại nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt và tiếng Nhật. Em nghĩ khi được nói chuyện và nghe tiếng mẹ đẻ của mình, chắc hẳn các bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc. Nhờ những câu chuyện ấy mối quan hệ của tụi em xích lại gần nhau hơn”. Với Quyên, tình hữu nghị cũng bắt đầu từ những điều đơn giản như thế.

Quyên bật mí, em đã hoàn thành chương trình thi năng lực tiếng Nhật cấp độ N2. Cấp độ còn lại em sẽ cố gắng hoàn thành trong năm học cuối này. Em dự định tìm kiếm học bổng du học. Sau này em sẽ làm một phiên dịch viên để giới thiệu những truyền thống văn hóa, điểm đến hấp dẫn của đất nước mình với bạn cũng như làm cầu nối thông tin cho các bạn trẻ Việt Nam muốn tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản”.

Thiên Lam

;
.
.
.
.
.