Đà Nẵng cuối tuần

Chia sẻ gánh nặng học đường

09:34, 17/12/2017 (GMT+7)

Bước vào cổng trường đại học, nhiều sinh viên (SV) nghèo, có hoàn cảnh khó khăn như được tiếp thêm sức mạnh, quyết tâm ăn học thành tài khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính nhà trường và các tổ chức xã hội khác…

Đại diện Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng, bên trái) và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam trao thỏa thuận ký kết hỗ trợ trả lãi vay cho sinh viên nghèo. (Ảnh do Trường ĐH Kinh tế cung cấp)
Đại diện Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng, bên trái) và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam trao thỏa thuận ký kết hỗ trợ trả lãi vay cho sinh viên nghèo. (Ảnh do Trường ĐH Kinh tế cung cấp)

Đa dạng cách hỗ trợ sinh viên

Về Trường ĐH Đông Á, hỏi SV Cao Thị Mỹ Nhung, ngành Ngôn ngữ Anh, người vừa được doanh nhân người Pháp gốc Việt Jean-Pierre Angella trao tặng suất học bổng toàn phần trị giá 88 triệu đồng (bao gồm toàn bộ học phí và sinh hoạt phí trong 4 năm học) dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 vừa qua, dường như ai cũng mừng cho cô trò nhỏ.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Quảng Nam, chuyện Nhung đậu đại học, đến trường đã là niềm vui lớn của gia đình. Còn nhớ, ngày nhận giấy báo nhập học, ba mẹ Nhung đã cùng ngồi lại, bàn bạc chuyện làm thế nào để có đủ nguồn kinh phí lo cho Nhung ăn học trong suốt 4 năm.

Qua tính toán, ba Nhung nhận phần lo kinh phí cho em tới trường, mẹ đỡ đần cùng ba, lo vun vén chuyện bếp núc, sinh hoạt phí trong gia đình. Nhưng tai ương ập đến, vừa nhập học được hơn một tháng thì ba và em trai Nhung đột ngột qua đời trong một vụ tai nạn thảm khốc. Mọi tính toán ban đầu bỗng vụt tan. Mẹ Nhung buồn  đau, chẳng thiết ăn uống, làm lụng. Còn Nhung như lạc lõng giữa giảng đường, giữa những vui tươi, hạnh phúc của bè bạn xung quanh.

Rồi vượt qua tất cả, trong ngôi nhà thiếu vắng bóng dáng hai người thân thiết, trước di ảnh của ba, Mỹ Nhung tự hứa với lòng sẽ cố gắng đến trường, trở thành điểm tựa tinh thần cho mẹ. Cứ thế, ngày đi học, tối Nhung đi làm thêm, tằn tiện để tự lo cho cuộc sống của mình, ráng không tạo thêm gánh nặng cho mẹ. Ngày nhận được suất học bổng quý giá này, Mỹ Nhung vui mừng nói, đó thực sự là món quà quá lớn giúp em và gia đình giảm bớt gánh nặng về tài chính trong thời gian tới.

Cùng với Mỹ Nhung, đợt này cũng có 1.367 SV nghèo, vượt khó học giỏi khác của Trường ĐH Đông Á được nhận học bổng khuyến học, khuyến tài với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng, trích từ Quỹ học bổng Hoa Anh Đào cùng sự hỗ trợ của một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Đông Á cho biết, trong số hơn 8.000 SV đang theo học tại trường, có không ít SV con  nhà nghèo, sinh sống ở các huyện vùng sâu, vùng xa, điều kiện ăn học còn rất hạn chế. Thấu hiểu và chia sẻ điều đó, nhiều năm qua, nhà trường luôn cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em yên tâm học tập. Mỗi món quà không chỉ là sự hỗ trợ về mặt vật chất, mà còn gói gém vào đó những yêu thương, chia sẻ để các em vững tin, nỗ lực hơn nữa trong cuộc sống.

Cũng với mục tiêu này, cách đây 4 năm, Trường ĐH Đông Á bắt tay với Công ty CP 579 – STT  và Công ty CP Đức Mạnh trong chương trình “Hỗ trợ sinh viên trong giai đoạn kinh tế khó khăn”. Theo đó, Ký túc xá (KTX) Sinh viên DMC – 579 quyết định bố trí 2.000 chỗ ở tại 2 khu KTX phía Tây (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) và khu phía Đông (quận Ngũ Hành Sơn) cho SV đang theo học tại Trường ĐH Đông Á.

Trong đó, nhà trường sẽ hỗ trợ chi trả 50% phí lưu trú cho mỗi SV lưu trú tại đây. Chương trình này nằm trong 3 gói hỗ trợ (hỗ trợ chi phí ở KTX, hỗ trợ học phí, hỗ trợ việc làm), ưu tiên cho đối tượng SV nghèo, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Chưa kể, nhiều năm nay, Đoàn Thanh niên Trường ĐH Đông Á tổ chức “nuôi heo đất”, mỗi năm hỗ trợ khoảng 200 vé xe cho SV nghèo về quê ăn Tết (trị giá 200.000 đồng/vé).

Chia sẻ gánh nặng lãi vay

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, thực hiện tự chủ tài chính đối với Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng). Cụ thể, nhà trường tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; quyết định việc mở ngành, hoặc ngưng mở ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ nằm trong danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân; thí điểm mở ngành đào tạo nằm ngoài danh mục giáo dục, dạy theo nhu cầu xã hội nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật…

Để thực hiện điều này, qua tính toán của nhà trường, học phí của SV từ khóa tuyển sinh năm 2017 (tức khóa 43) có sự điều chỉnh tăng từ 20% đến 40% so với trước (các khóa cũ không tăng).

PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cho biết, để việc điều chỉnh tăng học phí (từ khóa 43) không có những tác động tiêu cực đến SV thuộc gia đình chính sách, gia đình hộ nghèo và các em mồ côi cha mẹ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Trường ĐH Kinh tế có những chính sách hỗ trợ cụ thể, như: học phí đối với SV thuộc diện gia đình chính sách được giữ nguyên; tiếp tục hỗ trợ cho SV thuộc diện chính sách này theo các hình thức miễn, giảm 100%, 70% và 50% học phí theo quy định.

Đặc biệt, đối với SV thuộc gia đình hộ nghèo và các em mồ côi cha mẹ, ngoài các học bổng khuyến khích học tập, học bổng tài trợ từ doanh nghiệp, từ năm 2017, nhà trường sẽ hỗ trợ toàn bộ lãi vay nếu SV phải vay tiền để trang trải chi phí học tập tại Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Mức hỗ trợ tối đa lên đến 8.910.000 đồng/SV/khóa học.

Với biên bản thỏa thuận được ký kết với Ngân hàng CSXH, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) trở thành trường đại học đầu tiên trên cả nước trả lãi vốn vay giúp SV. Theo khảo sát, sẽ có khoảng 150 SV khóa 43K nhận được mức hỗ trợ này.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH cho biết, chính sách hỗ trợ này sẽ tạo điều kiện cho nhiều SV nghèo tiếp tục đến trường, giảm bớt gánh nặng cho những gia đình khó khăn. Đồng thời, ông Lý nhấn mạnh, thời gian tới sẽ nhanh chóng nhân rộng mô hình này ra các tỉnh, thành khác. Bởi theo ông, việc tự chủ tài chính cũng là động lực để các trường nâng cao năng lực giảng dạy, xây dựng cơ sở hạ tầng, tích cực liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra cho SV khi ra trường. 

An sinh từ giảng đường không chỉ là việc tạo mọi điều kiện để SV có thể tiếp tục đến trường. Nhiều năm nay, hệ thống các trường ĐH, CĐ trên cả nước thường xuyên nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết với doanh nghiệp để mọi SV khi ra trường đều có cơ hội tiếp cận việc làm ngang nhau.

Mới đây, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác giáo dục nghề nghiệp”. Bà Kiều Thị Thanh Trang, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó, 596 lượt doanh nghiệp liên kết với 35 cơ sở đào tạo, tiếp nhận hơn 4.000 học sinh, SV vào làm việc. Nhờ đó, có không ít SV có hoàn cảnh khó khăn nhanh chóng có việc làm ngay khi ra trường.

Có thể nói, khi xã hội phát triển, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức xã hội quan tâm đến câu chuyện dân sinh, và khi đó, nhà trường chính là cầu nối để sự quan tâm ấy đến được với SV nghèo.

TIỂU YẾN

.