Đà Nẵng cuối tuần

Hỗ trợ số hóa truyền hình

06:27, 17/12/2017 (GMT+7)

Sau hơn 2 năm thực hiện đề án “số hóa truyền hình”, người dân toàn thành phố nói chung, huyện Hòa Vang nói riêng đã xem được truyền hình số có chất lượng cao với số lượng kênh miễn phí khoảng 41 kênh. Trong đó, các đối tượng gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ “số hóa”.

Bà Nguyễn Thị Định theo dõi truyền hình trực tiếp phiên bế mạc kỳ họp HĐND thành phố Đà Nẵng ngày 7-12 vừa qua. Ảnh: V.T.L
Bà Nguyễn Thị Định theo dõi truyền hình trực tiếp phiên bế mạc kỳ họp HĐND thành phố Đà Nẵng ngày 7-12 vừa qua. Ảnh: V.T.L

Khi đàn “chuồn chuồn” hạ cánh

Có khách, bà Nguyễn Thị Định để rổ rau lặt dở ngoài hiên, lật đật đi vào nhà. Căn nhà chưa tới 20m2, tường xây không tô, phô những hàng gạch mộc nhấp nhô trong tranh tối tranh sáng. Theo đề nghị của ông Đoàn Văn Thể, nguyên Trưởng đài Truyền thanh xã Hòa Bắc, bà lọ mọ đi tìm cái điều khiển từ xa để mở cái ti-vi đèn cũ kỹ. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, ông Thể nói cái điều khiển chỉ dùng cho đầu thu kỹ thuật số DVB-T2 thôi, chứ cái ti-vi đèn “xưa như trái đất” đó thì làm chi được.

Bà Định 82 tuổi, sống một mình, bị chứng cao huyết áp phải uống thuốc hằng ngày, sống bằng tiền trợ cấp xã hội. Năm 2004, khi xã Hòa Bắc có điện, con gái bà (trước đó có chồng ra riêng) sợ mẹ buồn, vay 2,3 triệu đồng mua cho bà cái ti-vi để sớm tối có bầu bạn. Nhưng khổ nỗi, cái ăng-ten cao nghệu, quay khắp hướng mà hình thì lúc có lúc không. Lắm khi đang coi phim truyện đến hồi hấp dẫn thì đùng một phát, tiếng và hình biến mất.

Trụ sở UBND xã Hòa Bắc nằm trên đồi cao, ông Thể lúc đó là trưởng đài, đi lùng kiếm được cây tre dài thượt gần chục mét rồi gắn cái ăng-ten 24 chấn tử lên. Sóng truyền hình tới ào ào. Hòa Bắc lúc đó ăng-ten truyền hình như “đàn chuồn chuồn” bay lượn đủ mọi hướng trên ngọn tre, nhưng không có “con” nào “qua mặt” được “con” bay cao tít mù trên cơ quan xã. Ông Thể mở ti-vi trong hội trường, bà con quanh đó cứ tối tối xong bữa cơm là lục tục kéo về xem. Vui như hội.

Cũng phải đợi hơn 10 năm sau, bắt đầu ngày 21-10-2015, thì “đàn chuồn chuồn” Hòa Bắc mới lần lượt hạ cánh, khi UBND thành phố Đà Nẵng ban hành kế hoạch hỗ trợ, lắp đặt đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 cho các hộ đủ điều kiện được hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; đó là các hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, chính sách nghèo, cận nghèo đặc biệt, dân tộc Cơ tu. Theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Đà Nẵng, toàn thành phố có 4.903 hộ đủ điều kiện được hỗ trợ, trong đó huyện Hòa Vang có 1.781 hộ tại 11 xã được hỗ trợ lắp đặt thiết bị này. Tuy nhiên, Hòa Vang chỉ mới lắp đặt được 1.664 hộ, còn lại 110 hộ ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí (thuộc xã Hòa Bắc) chưa được lắp đặt, 7 hộ khác đã dời nhà đi.

“Con chuồn chuồn” cao nghệu trên mái nhà bà Định cũng “bay” mất. Thay vào đó là cái đầu thu gọn nhẹ với chất lượng truyền hình ổn định hơn nhiều.

Bao giờ hết “trắng” sóng truyền hình kỹ thuật số?

Sau 2 năm thực hiện, đề án số hóa truyền hình đã mang lại những hiệu quả về mặt xã hội như nhận định của ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng: “Đề án đã góp phần hoàn thành chủ trương của Chính phủ, Bộ TT&TT giao, chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số truyền hình, đồng thời giải phóng một phần tài nguyên tần số để phát triển các dịch vụ thông tin di động và vô tuyến băng rộng”.

Cùng với đó, theo ông Phong, đề án cũng tạo điều kiện để tổ chức và sắp xếp lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, hoạt động hiệu quả và phân định rõ hoạt động về nội dung thông tin với hoạt động về truyền dẫn, phát sóng.

Nhìn chung, theo đánh giá của lãnh đạo Đài Truyền thanh - Truyền hình Hòa Vang, sau khi lắp đặt đầu thu kỹ thuật số DVB-T2, các hộ gia đình ở Hòa Vang đều thu được sóng truyền hình kỹ thuật số mặt đất, chất lượng thu sóng bảo đảm. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những điểm yếu như: nhiều vùng lõm xã Hòa Sơn, Hòa Nhơn, Hòa Bắc sóng thu còn yếu và không ổn định (thường xảy ra mất kênh thu mà người dân không hiểu được lý do). Đặc biệt, 110 hộ dân ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc), dù đã lắp đặt trạm bù sóng tại thôn Nam Yên nhưng vẫn không phủ sóng truyền hình số mặt đất đến 2 thôn này.

Anh Đinh Văn Như, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Giàn Bí, phản ánh: “Bà con Tà Lang và Giàn Bí không bắt được sóng truyền hình kỹ thuật số. Hộ nào có điều kiện thì mua thiết bị bắt sóng truyền hình K+ hoặc An Viên, mỗi bộ giá từ 1,5 đến 2 triệu đồng, mỗi tháng trả 125.000 đồng tiền thuê bao.

Nhiều hộ chọn giải pháp mua ăng-ten chảo parabol lậu (không đăng ký) mỗi cái khoảng 700.000 đồng nhưng không có các kênh phim, bóng đá, VTV1, VTV2, VTV3... ngay cả kênh địa phương là Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng cũng không bắt được. Ăng-ten đồ rẻ nên ngày thường không nói chi, trời mưa xuống là ti-vi cứ nháy miết”.

Ông Đoàn Văn Thể cũng lo âu: “Không có truyền hình để giải trí nên thanh niên ở hai thôn Tà Lang, Giàn Bí chiều chiều rủ nhau uống rượu rồi hát karaoke. Như thế là không tốt về sinh hoạt đời sống văn hóa. Mong sao sóng truyền hình phủ được lên đó để bà con có cái giải trí”.

Địa hình huyện Hòa Vang bị che chắn nhiều bởi đồi núi, khoảng cách xa nên có một số khu vực sóng chưa thật sự bảo đảm, như tại thôn Tà Lang và Giàn Bí. Đây là một trong những khó khăn khi triển khai đề án. Ông Phong cho biết, Sở TT&TT thành phố đang thực hiện thử nghiệm lựa chọn giải pháp và trình UBND thành phố phương án phủ sóng truyền hình số mặt đất tại khu vực hai thôn này. Nếu được UBND thành phố thông qua, sẽ triển khai thực hiện trong năm 2018.

Sau hơn 2 năm thực hiện đề án “số hóa truyền hình”, người dân toàn thành phố nói chung, huyện Hòa Vang nói riêng đã xem được truyền hình số có chất lượng cao. Người dân được hỗ trợ đầu thu (lắp đặt tận nơi và hướng dẫn sử dụng) nhằm tiếp cận được thông tin về mọi mặt thông qua truyền hình với nhiều kênh chương trình hơn (gần 40 kênh so với vài kênh trước đây); với chất lượng hình ảnh sắc nét, âm thanh sống động, khắc phục được tình trạng nhiễu, “bóng ma” như thường xảy ra ở truyền hình tương tự trước đây.

Người dân được hỗ trợ phần nào giảm được gánh nặng về vật chất (có hộ trước đây không đủ điều kiện để mua sắm), từ đó phấn khởi, tin tưởng và ủng hộ chủ trương của Nhà nước.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng Lê Sơn Phong

VĂN THÀNH LÊ

.