Đà Nẵng cuối tuần

Thất nghiệp thời có... bảo hiểm

06:46, 10/12/2017 (GMT+7)

Ngày 29-6-2006, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó quy định chính sách bảo hiểm thất nghiệp, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2009.

Số người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại các doanh nghiệp ở Đà Nẵng tăng dần trong 8 năm qua. Trong ảnh: Một dây chuyền sản xuất sợi tại Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ. Ảnh: V.T.L
Số người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại các doanh nghiệp ở Đà Nẵng tăng dần trong 8 năm qua. Trong ảnh: Một dây chuyền sản xuất sợi tại Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ. Ảnh: V.T.L

Với thành phố Đà Nẵng, việc triển khai tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có những thuận lợi, khó khăn riêng so với cả nước. Phó Giám đốc BHXH Đà Nẵng Lê Anh Nhân nhận định: Đà Nẵng có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nên thu hút được lực lượng lao động lớn trong khu vực tham gia BHTN; trình độ nhận thức của các doanh nghiệp và người lao động khá nhạy bén nên tạo được thuận lợi trong việc phát triển đối tượng tham gia tăng nhanh, hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHTN do BHXH Việt Nam giao. Đà Nẵng có khá nhiều trung tâm dạy nghề có đủ khả năng tiếp nhận đào tạo nghề cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Chế độ trợ cấp thất nghiệp được tính theo ngày (khác với các chính sách BHXH khác được tính theo tháng) nên công tác theo dõi, quản lý, tổ chức chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người hưởng phải thực hiện thường xuyên hằng ngày và đòi hỏi phải có sự đầu tư, tập trung cao với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Tuy nhiên, điều kiện công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu là khó khăn rất lớn của ngành BHXH trong quá trình thực hiện công tác này.

Việc tổ chức thực hiện theo quy định được giao cho BHXH và LĐ-TB&XH cùng thực hiện. BHXH thực hiện chức năng phát triển đối tượng tham gia, tổ chức thu, quản lý quỹ, tổ chức chi trả và quản lý đối tượng; LĐ-TB&XH xét, ban hành quyết định hưởng, tạm dừng hưởng, tiếp tục hưởng, chấm dứt hưởng, chuyển nới hưởng chế độ. Trong điều kiện không có công cụ quản lý chung và dữ liệu liên thông giữa hai ngành - theo đánh giá của ông Nhân, cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng Nguyễn Văn An thì cho rằng, việc phối hợp triển khai giữa hai cơ quan dựa trên cải cách thủ tục hành chính đã giảm sự đi lại cho người lao động. Nếu trước đây khi lập thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải qua hai cơ quan, nay chỉ đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng) lập thủ tục và nhận trợ cấp qua hệ thống chi trả của Bưu điện tại nơi cư trú của người lao động.

8 năm qua, theo số liệu của BHXH thành phố, số người phát sinh hưởng trợ cấp thất nghiệp đã tăng dần qua từng năm, từ 2.912 (năm 2010) lên 12.142 (đến tháng 10-2017). Sự tăng thêm này xuất phát từ hai nguyên nhân “bề nổi” là tăng theo cơ học (tăng số người tham gia BHTN thì số người phát sinh hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng tăng theo) và do yếu tố việc làm (doanh nghiệp gặp khó khăn phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm lao động dẫn đến tình trạng thất nghiệp).

Ngoài ra, ông Nhân cho biết thêm, thực tế có một số doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với lực lượng lao động lớn, thường có xu hướng thay đổi lực lượng lao động lâu năm hoặc lớn tuổi bằng lực lượng lao động trẻ hơn để giảm chi phí về tiền lương và nâng cao năng suất lao động, dẫn đến một lực lượng lao động khá lớn bị chấm dứt hợp đồng từ đó phát sinh tăng đối tượng hưởng BHTN.

Cùng với đó, một bộ phận người lao động có trình độ và tay nghề cao nhưng các doanh nghiệp chưa đáp ứng về điều kiện lao động và tiền lương. Trong điều kiện thị trường lao động trên địa bàn ngày càng phát triển phong phú, đa dạng, người lao động sẵn sàng chấm dứt hợp đồng lao động (kể cả đơn phương chấm dứt hợp đồng) để tìm công việc làm mới phù hợp và đáp ứng yêu cầu, từ đó dẫn đến phát sinh tăng số lượng người hưởng BHTN.

Chế độ hỗ trợ dạy nghề trong chính sách BHTN cũng là nguyên nhân phát sinh tăng đối tượng hưởng BHTN. Một bộ phận người lao động trước đây đi tìm việc làm chưa được đào tạo nghề, khi vào làm việc với các doanh nghiệp chỉ được hợp đồng làm những công việc không đòi hỏi tay nghề cao.

Nay có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, người lao động muốn thay đổi công việc nên chấm dứt hợp động để hưởng trợ cấp thất nghiệp và đi học nghề để có cơ hội tìm kiếm việc làm mới ổn định hơn và có thu nhập cao hơn.

Về chính sách BHTN, ngoài chế độ trợ cấp hằng tháng và tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, còn có chế độ doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động khi gặp trường hợp bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh và dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động nói trên. Cùng với đó là chế độ hỗ trợ cho lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được theo học các khóa dạy nghề tại các cơ sở dạy nghề trên địa bàn.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cho biết, đến nay, chưa có doanh nghiệp nào lập dự án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Số lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề hằng năm giao động từ 4,8% đến 6,5%.

Theo quy định của Luật Việc làm, người tham gia BHTN, khi xảy ra thất nghiệp, nếu đủ điều kiện sẽ được hưởng: trợ cấp thất nghiệp; BHYT trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; Hỗ trợ học nghề. Vì thế, người hưởng trợ cấp thất nghiệp có thể tìm đến các trung tâm dịch vụ việc làm nói trên để tìm cho mình cơ hội việc làm mới.

Sau 8 năm thực hiện, số người tham gia BHTN tăng từ 138.033 năm 2010 lên 211.735 năm 2017 (chiếm 96,44% so với số người tham gia BHXH), bình quân hằng năm tăng 6,3% trong cả giai đoạn. Hiện có 74.620 người hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng; năm cao nhất chiếm 6,5% (năm 2012) so số người tham gia BHTN, các năm còn lại dao động từ 4,5% đến 5,6%.

Số lượng người lập hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng năm phản ánh tình trạng mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động trong các đơn vị có lao động ký kết hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên. Đồng thời qua đó, cũng nắm được tình trạng lao động mất việc do thu hẹp sản xuất hay do yêu cầu kỹ năng của người lao động hoặc do người lao động xin chấm dứt hợp đồng.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng Nguyễn Văn An

VĂN THÀNH LÊ

.