Đà Nẵng cuối tuần
Nỗi niềm "bằng đại học"
Chuyện cử nhân tốt nghiệp đại học đi làm trái nghề đào tạo ngày càng phổ biến. Có mấy ai đặt dấu hỏi, nếu biết trước sau khi ra trường sẽ thất nghiệp hoặc làm công nhân, thì liệu cha mẹ và ngay bản thân các em có sẵn sàng chạy đôn chạy đáo, vay mượn tiền của, thức khuya dậy sớm văn ôn, võ luyện để nuôi giấc mơ vào đời?
Đầu năm 2017, khóa huấn luyện đầu tiên về đào tạo khởi nghiệp dành cho những người trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được tổ chức tại Đà Nẵng, với mong muốn tạo ra sự đổi mới trong hoạt động đào tạo về khởi nghiệp. (Ảnh ĐH Đà Nẵng cung cấp) |
N.T.T.H (29 tuổi, quê Quảng Nam), công nhân tại Công ty TNHH Điện tử Foster, Đà Nẵng đầy tiếc nuối sau 4 năm học chuyên ngành Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng. Không có cơ hội trở thành giáo viên như mơ ước từ thuở bé, ra trường năm 2010, chị cầm hàng chục hồ sơ đi gõ cửa khắp nơi. Không nơi nào chịu nhận.
Suốt 3 năm sau đó, hầu như năm nào H. cũng vài lần nộp đơn thi công chức rồi khấp khởi chờ đợi, nhưng mọi hy vọng cứ tắt dần. Bế tắc, H. xin vào làm công nhân tại Công ty TNHH Điện tử Foster với mức lương khởi điểm gần 2 triệu đồng/tháng. Gương mặt phờ phạc, không chút phấn son sau một ngày đứng máy, H. cho biết cũng có vài chỗ hứa sẽ xin việc giúp nhưng phải tốn kém chi phí, nhưng ba má đã vất vả nhiều rồi, tiền học trước đây vay mượn còn chưa trả xong, nay không dám mạo hiểm, chưa tính đến chuyện mất tiền mà không xin được việc.
Với mức lương ổn định 4,8 triệu đồng/tháng, N.V.N (quê Phú Lộc, Thừa Thiên Huế), tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn, ĐH Khoa học – ĐH Huế chấp nhận cất tấm bằng đại học để chuyên tâm với công việc giữ xe tại tầng hầm Chợ Siêu thị Nguyễn Kim Đà Nẵng. N. cho biết, ra trường thất nghiệp 2 năm thì N. xin được công việc này.
Ban đầu cũng thấy tủi thân khi suốt ngày quanh quẩn với thẻ xe dưới tầng hầm ẩm thấp. Nhưng sau xác định, nhà mình còn nghèo, ba mẹ đều già yếu nên trước mắt anh phải bám lấy công việc này để phụ giúp ba mẹ, trang trải chi tiêu trong gia đình.
Theo ông Lê Duy Lương, Giám đốc phụ trách nhân sự Công ty TNHH Điện tử Foster, có thời điểm, công ty dao động từ 700 đến 800 công nhân có trình độ đại học, cao đẳng, thậm chí nhiều em có tới 2 bằng đại học. “Những năm trước công ty chúng tôi không tuyển công nhân có bằng cấp vì sợ các em nhảy việc nhưng trong các đợt tuyển dụng gần đây, số lượng hồ sơ có trình độ đại học, cao đẳng xin vào làm công nhân ngày càng đông.
Dù tuyển dụng, song quan điểm của công ty, nếu tuyển công nhân thì không phân biệt người có bằng cấp hay không, thu nhập của mỗi người dựa vào sản phẩm làm ra chứ không dựa vào bằng cấp”, ông Lương cho biết.
Trong khi nhiều cử nhân ra trường chịu cảnh thất nghiệp hoặc phải làm công việc tạm bợ, chưa tương xứng với tri thức tiếp thu từ giảng đường thì làn sóng giải thể doanh nghiệp mỗi năm “thải” ra thị trường một lượng lớn nhân sự có trình độ, kinh nghiệm làm việc.
Điều này khiến cơ hội tìm được việc làm của những cử nhân mới ra trường ngày càng thu hẹp. Chuyện cử nhân tốt nghiệp đại học ra trường không có việc làm đúng chuyên môn đành phải chấp nhận công việc tạm bợ là thực tế chung nhiều năm nay, dù không phải SV nào cũng có tâm lý “chê việc” khi ra trường.
Một thực tế khác đang diễn ra là nhiều SV sau khi tốt nghiệp ra trường không có việc làm, vì tiếc tấm bằng đại học đã bỏ thời gian kiếm thêm tấm bằng thạc sĩ để nâng cao khả năng xin việc sau này. PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ, ĐH Đà Nẵng cho hay, thời điểm ông làm Phó trưởng Ban đào tạo sau đại học tại ĐH Đà Nẵng (từ năm 2013-2014), bên cạnh hình thức đào tạo chính quy không tập trung, thu hút học viên vừa học vừa làm thì tỷ lệ học viên vừa tốt nghiệp đại học đăng ký thi đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, TS Phan Cao Thọ nói, hiện nay nhiều DN tuyển dụng không quá coi trọng vào bằng cấp mà chỉ xét theo năng lực làm việc thực tế. Do đó, chuyện có việc làm rồi thất nghiệp một phần phụ thuộc vào năng lực làm việc của người lao động. Nếu họ không biết nắm bắt cơ hội, cố gắng hoàn thiện năng lực bản thân thì chuyện thất nghiệp rất dễ xảy ra.
Giữa lúc thực tế thị trường lao động như vậy, thì mới đây, tại buổi họp báo năm học 2017-2018 do ĐH Đà Nẵng tổ chức, đã đưa ra con số SV ĐH Đà Nẵng tốt nghiệp ra trường có việc làm hiện nay khá cao, với hơn 90% SV Đại học Đà Nẵng được khảo sát đã có việc làm ổn định, phù hợp chuyên môn sau 1 năm tốt nghiệp.
Phương pháp khảo sát đưa ra là nhà trường cung cấp số liệu thống kê và đơn vị kiểm định sẽ tính xác suất; ví dụ như có 1.000 sinh viên ra trường thì đơn vị này sẽ liên lạc với vài trăm người và trực tiếp phỏng vấn, đánh giá.
GS, TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, số SV được khảo sát là ngẫu nhiên, bảo đảm tính bao phủ và số lượng hợp lý, chứ không phải tiến hành khảo sát 100%. Lý giải về khái niệm có việc làm, GS,TS Trần Văn Nam cho rằng, SV ra trường có việc làm được hiểu là các em làm việc ở các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp hoặc tự tạo ra việc làm ổn định chứ không phải làm công việc tạm thời.
HUỲNH LÊ