Đà Nẵng cuối tuần
Vợ tướng cũng là... chiến sĩ
Trong chiến tranh, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) còn được gọi là “Sư đoàn thép” bởi hai lần được tuyên dương Anh hùng LLVTND. Dẫu chỉ chiếm rất ít trong quân số, nhưng nữ chiến sĩ của Sư đoàn đã góp phần vinh danh truyền thống đơn vị. Chuyện tình của họ vì thế vừa lãng mạn vừa chứa đầy nghị lực cao cả.
Vợ chồng Thiếu tướng Phan Thanh Dư. Ảnh: H.V |
Thế hệ tướng lĩnh Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tập kết vào Bắc rồi lại vào Nam chiến đấu hiện còn sống chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thiếu tướng Phan Thanh Dư, nguyên Phó Tư lệnh Mặt trận 579, Quân khu 5 là một trong số đó.
Nhiều cựu chiến binh (CCB) nói rằng, không cần đi suốt chiều dài lịch sử Sư đoàn 2 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chỉ cần trận đánh cửa biển Sa Huỳnh, Quảng Ngãi năm 1972, ông đã xứng đáng là anh hùng.
Ngày ấy, trên cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 141, ông chỉ huy đơn vị diệt 3 tiểu đoàn của địch, bắt sống 2 tiểu đoàn trưởng, gây cho địch tổn thất vô cùng nặng nề. Ở tuổi 86, vị tướng gốc Huế khiến địch khiếp sợ một thời nay đã không còn được minh mẫn như trước. Bị đột quỵ suốt 8 năm, nếu không có người vợ hiền, nhỏ hơn gần 20 tuổi chăm sóc, chắc ông khó trường thọ đến vậy.
Trong căn nhà mới xây ở đường Lê Đình Lý, Đà Nẵng, nữ cựu quân nhân Huỳnh Thị Hương khẽ khàng khi được khen nhà đẹp: “Ông ấy đánh Nam, dẹp Bắc, cuối đời mới làm được cái nhà đàng hoàng. Nhưng không quan trọng bằng gần Bệnh viện Quân y 17, rất tiện lợi.
Năm nay ông ấy vào viện ba lần rồi, ở xa không biết làm sao”. Vẫn giữ nguyên nét hồn hậu, chất phác của người con gái Quảng Nam, bà Hương kể về tình yêu của bà và Thiếu tướng Phan Thanh Dư thật giản dị: “Tôi đi bộ đội vào Sư đoàn 2 từ 1965, hồi còn trẻ lắm. Cứ thấy các chú về quê kể chuyện chiến trường là thích rồi, đâu tưởng tượng hết gian khổ ác liệt.
Học quân y rồi làm y tá sư đoàn bộ, cũng có vài anh để ý nhưng lúc ấy đang cấm, tôi nào dám nghĩ chuyện yêu đương trong quân ngũ. Khi anh Dư, Trưởng ban Tác chiến Sư đoàn, đặt vấn đề, tôi thấy cũng ưng, bởi ảnh ra trận gan lắm mà ở nhà hiền khô.
Thêm nữa, cả đơn vị ai cũng nói vô, bảo phải ưu tiên cán bộ tập kết về, tuổi đã lớn rồi, khó có cơ hội hơn mấy anh trẻ”. Bà Hương cười giòn khi nhớ chuyện ngày xưa. Cuối năm 1971, đơn vị đang đánh Đường 9 Nam Lào và trên đà thắng lợi, cả hai tuyên bố thành vợ chồng với sự chứng kiến của Phòng Tham mưu sư đoàn chừng mười mấy người.
Đám cưới thời chiến được tổ chức đơn giản chỉ có trà và một ít bánh kẹo. Khi cả đơn vị hành quân qua đánh cao nguyên Bô-lô-ven thì bà Hương có bầu đứa con đầu lòng nên không thể đi theo sư đoàn. Vậy là bà khăn gói vượt suối trèo đèo qua Sa Thầy, Kon Tum công tác ở đội điều trị 25.
Bà Hương bảo như vậy là tốt lắm rồi. Trước đó ở đơn vị có hai nữ quân nhân, chồng cũng là cán bộ sư đoàn, khi có thai không tham gia chiến dịch bên Lào được, buộc phải gửi lại vùng đồng bào dân tộc thiểu số giữa núi rừng Trà My. Hai người phụ nữ đó đã ở với nhau suốt mấy tháng trời, sinh con, tự kiếm thức ăn, tự bảo vệ nhau khi ban đêm thú dữ cứ luôn gầm gào quanh lán nhỏ.
Ông liên miên theo chiến dịch, bà chỉ biết rằng đơn vị càng ngày càng đánh lớn. Đợt Sư đoàn tấn công Biệt khu 24, thị xã Kon Tum, bà biết ông ở rất gần nhưng cũng chẳng thể nào gặp được. Tháng 9-1972, sinh con được 3 ngày ở đội điều trị, bà phải tự giặt giũ cho mình và cho con vì quân y đơn vị phải lo cho thương binh.
Không hề nhận được thư từ gì của ông suốt gần 4 năm nhưng bà tin ông sẽ còn sống để mà gặp con trai. Tháng 3-1975, có xe đơn vị lên đón bà về Nước Oa, Trà My, kèm theo cái thư ông gửi báo ông vẫn khỏe, bà nhẹ cả người. Cứ nghĩ giải phóng rồi, vợ chồng gần nhau, bà đỡ vất vả.
Vậy mà từ năm 1979, ông ở chiến trường K giúp bạn suốt 10 năm, thi thoảng mới về nước vài ba ngày. Ông ít khi kể chuyện nhà binh, nhưng qua đồng đội, bà biết ông luôn đứng trước hòn tên mũi đạn, sống chết trong gang tấc.
Đặc biệt trong thời gian ông làm Tham mưu trưởng Sư đoàn 307 tấn công sào huyệt lực lượng Pol Pot, giải phóng đền Preah Vihear, bảo vệ trọn vẹn di sản văn hóa thế giới. Năm 1987, ông chỉ huy Trung đoàn 676 phối hợp với bạn Lào tiêu biệt và bắt sống toàn bộ chính phủ lưu vong do Hoàng Cơ Minh cầm đầu.
Bà nghe mà thót tim khi biết ông băng bộ trong rừng cả tháng trời truy tìm dấu vết của bọn phản động. Nghĩ mình dù có vất vả đến mấy cũng chẳng là gì so với sự ác liệt của chồng ở chiến trường, bà vừa làm tốt công việc quân y ở Xưởng đóng tàu Quân khu vừa cố hết sức chăm sóc đàn con dại.
Chiếc xe đạp đôi lúc bà cột, móc để có thể chở được 3 đứa con trai. Nhất là khi đi chợ, phải vừa tay xách nách mang, ai nhìn cũng ái ngại. Ít ai nghĩ rằng đó là vợ một ông tướng trận mạc nổi tiếng. Ông về hưu, tưởng đã có thể thảnh thơi thì nay bà tiếp tục làm y tá riêng chăm sóc cho chồng khi ông không thể tự làm mọi việc cá nhân.
“Bà cho tôi ra ngoài!”. Giọng ông vẫn nhẹ nhàng và tình cảm. Bà xin lỗi khách rồi đứng dậy, ngoái lại với câu nói vui: “Vợ tướng cũng là chiến sĩ mà! Dù làm gì phải hoàn thành cho tốt nhiệm vụ được giao.”
HỒNG VÂN