Đà Nẵng cuối tuần
Dây gắm giải độc khu phong
Một lần vào TP. Hồ Chí Minh, đến thăm một nhà khoa học, tác giả của rất nhiều từ điển về thực vật và cây thuốc, thấy hai ông bà tuổi ngót nghét 90 đang dùng cao Dây gắm để uống chữa chứng thấp khớp, tôi đã mau miệng cho biết ở Đà Nẵng còn khá nhiều dây gắm và đã hứa sẽ sắc máy đóng gói thuốc nước gửi vào cho hai cụ dùng thử.
Sau hơn nửa tháng các cụ dùng thuốc, tôi nhận được phản hồi cho biết các chứng nhức mỏi đều đỡ, ăn ngủ rất tốt, đặc biệt cụ ông đã giảm hẳn chứng đi tiểu đêm. Đọc lại sách Hải Thượng Lãn Ông, thấy nói Dây gắm (Vương tôn) vừa chữa chứng tê thấp lại vừa là thuốc bổ hư tổn. Quả thật danh bất hư truyền!
“Dây gắm giải độc, khu phong/ Bổ hư, trừ thấp, sát trùng, tiêu viêm”. Ảnh: P.C.T |
Dây gắm, Dây sót, Dây mấu, Gắm, Gắm núi, Vương tôn; tên khoa học Gnetum montanum Markgr. (G. scandens Roxb.), thuộc họ Dây gắm - Gnetaceae.
Dây leo thường xanh, dài đến 10-12m. Thân to, phình lên ở các đốt; vỏ nâu đen, đôi khi róc ra từng mảnh. Lá nguyên, mọc đối, phiến hình trứng thuôn, dày, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới nhạt, đầu lá nhọn, dài 10-25cm, rộng 5-10cm. Hoa đực và hoa cái khác gốc; cụm hoa đực (nón đực) dài 8cm, mọc ở các mấu của cành; cụm hoa cái (nón cái) mọc thành chùm, phân nhánh 2-3 lần. Quả hạch hình bầu dục, có cuống ngắn, dài 12-26mm, rộng 11-13mm, khi chín màu vàng đỏ, vỏ nhẵn bóng, ở đầu hơi có mũi; hạt to.Cây ra hoa tháng 6-8, có quả tháng 10-12.
Gắm thường mọc ở kiểu rừng kín thường xanh ẩm. Tại các khu bảo tồn thiên nhiên ở Đà Nẵng, chúng tôi đã gặp những dây lớn dài đến 20m, đường kính gốc 20-30cm, có thể cho hơn 10kg quả (thực chất là hạt, bởi Gắm thuộc nhóm hạt trần – Gymnospermae). Rễ và dây thu hái quanh năm, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô làm thuốc. Hạt luộc hay rang chín, ăn được.
Theo Đông y, Dây gắm có vị đắng, tính bình, có tác dụng khu phong, trừ thấp, thư cân hoạt huyết, giải độc, tiêu viêm, sát trùng. Rễ và thân dây gắm thường dùng làm thuốc giảm đau, chữa phong tê thấp, sản hậu gầy mòn, giải các chất độc (ngộ độc thức ăn, sơn ăn da, rắn cắn); cũng dùng làm thuốc chữa sốt và sốt rét. Rễ gắm còn được dùng chữa kinh nguyệt không đều. Lá gắm giã đắp chữa rắn cắn. Ngoài ra, vỏ dây gắm đập lấy sợi bện dây nỏ hay dây thừng.
Liều dùng 15-20g có thể đến 30g, dạng thuốc sắc hay ngâm rượu uống. Để chữa thấp khớp, người ta thường phối hợp với các vị thuốc khác ngâm rượu uống.
Theo Trung dược đại từ điển, vị thuốc Mãi ma đằng (买麻藤) được dùng chung cho cả 2 loài Dây gắm - Gnetum montanum và Dây gắm lá nhỏ - G. parvifolium, ngoài công năng khu phong trừ thấp, hoạt huyết tán ứ, hóa đàm chỉ khái, đã có nhiều nghiên cứu dược lý cho thấy tác dụng bình suyễn, tiêu viêm, giải độc, kháng khuẩn, được ứng dụng điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, viêm phế quản mạn tính, viêm tuyến tụy cấp tính.
Trong đầu tập Bách gia trân tàng, của bộ Hải Thượng Y Tôn Tâm Lĩnh có giới thiệu bài thuốc rượu kinh nghiệm chữa các chứng phong thấp xâm phạm vào xương tủy, ứ huyết, khắp mình tê đau, eo lưng đầu gối đau nhức, gáy và xương sống cứng đơ, tay chân tê dại, liệt nửa người. Tương truyền vào niên hiệu Chính Hòa (đời Lê), có người nhà của vua bị đau, ngự y chữa không khỏi, sau có người dâng phương thuốc này, uống vào có công hiệu ngay, được vua ban cho 50 lạng bạc và sai ngự y phổ biến phương thuốc này.
Phương thuốc gồm: Rễ gắm 160g, Cây chân chim 100g, Rễ rung rúc 80g, Rễ bươm bướm 60g, Rễ chiêng chiếng 60g, Đương quy 40g, Ô dược 40g, Mấn đỏ (đàn bà dùng Mấn trắng) 40g, Cỏ xước 40g, Rễ bưởi bung 40g, Rễ cỏ chỉ 80g, Cỏ roi ngựa 20g, Rễ chỉ thiên 20g, Tầm gửi dâu 40g. Tất cả sao qua, tán thô, đùm vào một túi vải cho vào hũ rượu, trét kín miệng, đun nóng chừng tàn 1 cây hương rồi chôn xuống đất 3 ngày đêm, sau đó uống mỗi ngày 1-2 cốc nhỏ vào lúc đói.
Kinh nghiệm tại Đơn vị Thừa kế ứng dụng Thuốc Nam (Bệnh viện YHCT Đà Nẵng), chúng tôi dùng Dây gắm 50g, Cỏ ngọt 3g, sắc máy đóng gói 120ml, ngày dùng 1-2 gói, hầu hết các bệnh nhân phản hồi cho biết kết quả điều trị các chứng thấp khớp, nhức mỏi khá tốt.
PHAN CÔNG TUẤN