Đà Nẵng cuối tuần

Phương hay Thuốc quý

Bìm nắp chữa bón, tiêu phù

08:05, 18/03/2018 (GMT+7)

Mấy ngày sau Tết, đi làm về ngang qua đoạn đường gần công viên Thanh Niên (phường Khuê Trung), chỗ trước khu đất bỏ hoang của dự án rạp xiếc, tôi thấy thấp thoáng một loài dây leo nở rộ những bông hoa trắng muốt khá đẹp.

Tò mò lại xem, nhìn hình dạng hoa lá, tôi đoán chắc thuộc họ Khoai lang (hay Bìm bìm), nhờ đó mà về tra cứu xác định được khá nhanh loài cây lạ lần đầu mới gặp này là cây Bìm nắp, có trong sách thuốc của Việt Nam và Trung Quốc.

“Bìm nắp lợi tiểu, tiêu phù/ Chữa lành táo bón, lại trừ thống phong”. Ảnh: P.C.T
“Bìm nắp lợi tiểu, tiêu phù/ Chữa lành táo bón, lại trừ thống phong”. Ảnh: P.C.T

Bìm nắp còn có tên Bìm bìm dại, một số nơi còn gọi là Bình vôi (do có củ giống bình vôi), Chìa vôi. Tên khoa học là  Operculina turpethum (L.) Silva Manso [đồng danh Convolvulus turpethum L.; Ipomoea turpethum (L.) R.Br.], thuộc họ Khoai lang - Convolvulaceae. Ở Trung Quốc người ta gọi nó là Hạp quả đằng (盒果藤), nghĩa là loài dây leo (đằng) có quả trông như cái hộp (hạp).

Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, Bìm nắp là cây thảo mọc bò và leo, khỏe, có cành hình trụ có góc nhiều hay ít, có 4 cành thấp. Lá hình trái xoan hay thuôn, thường hình tam giác, hình tim hay cụt ở gốc, nhọn hoặc tù ở chóp, dài 5-12cm, rộng 2,5-7,5cm; cuống dài 1-7cm. Hoa lớn, màu trắng hay vàng nhạt, ở nách lá, có cuống 1-7cm. Quả nang đường kính 15-16mm, có 4 góc, mở ở đỉnh theo một lằn ngang thành một nắp tròn, bao bởi đài hoa cao 3cm. Hạt 3-4, hình lăng kính, màu hơi đen, đường kính 6-7mm.

Bìm nắp thường mọc ở trong vườn, các bãi cỏ, lùm bụi vùng đồng bằng và trung du. Ra hoa từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Để làm thuốc người ta thu hái thân rễ (giống củ bình vôi) và toàn cây, dùng tươi hay phơi khô để dành dùng.

Ở nước ta, có gặp từ Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nội, vào đến các tỉnh Tây Nguyên. Còn có ở Trung Quốc (Đài Loan, Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam), Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và vùng nhiệt đới châu Mỹ.

Phân tích thành phần hóa học trong cây có 6-10% một chất nhựa tan trong ete, 2% một glucosid là turpethin, tinh bột, một chất béo, một dầu bay hơi, một chất màu vàng. Rễ củ có turpethin, jalapin, turpethein, acid jalapic, ipomoea tampicolic và valerianic.

Theo Đông y, Bìm nắp có vị ngọt hơi cay, tính bình, có tác dụng lợi thủy tiêu thũng, thư cân hoạt lạc; chủ trị thủy thũng, đại tiện táo bón, dùng ngoài (nấu nước ngâm rửa) chữa gân cơ co rút, khó co duỗi sau khi chấn thương, gãy xương.

Rễ được dùng trị đau khớp, thống phong và tê thấp. Rễ có tính tẩy xổ; nhựa cũng tẩy tương tự như Jalap nhưng kém hoạt động hơn. Ở Philippin rễ tán thành bột hay chế dưới dạng cồn thuốc dùng làm thuốc tẩy mạnh; turpethin thay thế cho Khiên ngưu (Bìm bìm lam) rất tốt. Có tài liệu nói hoa dùng chữa đau nửa đầu.

Một số bài thuốc:

- Đại tiện bí kết, thường xuyên táo bón: Rễ củ 4-12g sắc uống, hoặc phơi khô tán bột, uống mỗi lần 1-4g.

- Bọ cạp hay rắn cắn: Dùng rễ nhai nuốt nước, đắp bã lên vết cắn.

- Đau bụng sau sinh: Dùng thân cây giã nhuyễn hơ vào lửa, áp vào bụng phụ nữ mới sinh nở để điều trị các cơn đau bụng và giúp sự co rút các cơ trở lại bình thường.

Cần lưu ý, Bìm nắp cũng như các loại thuốc có tính năng tẩy xổ mạnh khác, không được dùng cho phụ nữ có thai.

Xin được nói thêm, trong Danh lục cây thuốc Đà Nẵng, của nhóm nghiên cứu đề tài khoa học cấp thành phố do bệnh viện Y học cổ truyền chủ trì vừa nghiệm thu cuối năm 2017 chưa ghi nhận loài Bìm nắp này.

Theo điều tra của chúng tôi trước đây, trong họ Convolvulaceae trên địa bàn Đà Nẵng có 11 loài cây thuốc gồm: Bạc thau - Argyreia acuta, Bạc thau hoa đầu - Argyreia capitata, Bìm bìm - Merremia bimbim, Bìm ba răng - Merremia tridentate (Xenostegia tridentate), Bìm ba thùy - Ipomoea triloba, Bìm tía - Ipomoea purpurea, Bìm trắng - Merremia eberhardtii, Bìm vàng - Merremia boisiana, Khoai lang - Ipomoea batatas, Rau muống - Ipomoea aquatica và Rau muống biển - Ipomoea pes-caprae.

Nay xin được bổ sung loài Bìm nắp - Operculina turpethum  cho Danh lục cây thuốc Đà Nẵng.

PHAN CÔNG TUẤN

.